Một vài ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đang tỏ ra hết sức thận trọng với một khách hàng cho vay lớn của họ: Tỷ phú Masayoshi Son.
Cụ thể, sau phi vụ cứu WeWork cực kỳ đắt đỏ cùng hàng loạt thất bại với các startup mà Softbank đầu tư, lãnh đạo cấp cao tại 2 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản đã kín đáo thừa nhận rằng họ bắt đầu "bớt yên tâm" hơn với vị tỷ phú lập dị - người đang điều hành quỹ đầu tư trị giá 100 tỷ USD Masayoshi Son.
Một trong 2 lãnh đạo ngân hàng kể trên đã phát biểu vào giữa tháng 11 rằng nhà băng của ông muốn được thấy một kế hoạch vực dậy WeWork thật thuyết phục trước khi đưa ra quyết định xem có nên cho Softbank vay thêm tiền hay không. Vị sếp còn lại thì nói rằng ngân hàng của mình đang có những bước tiếp cận rất thận trọng với Softbank và tỏ ra hoài nghi về chiến lược đầu tư của Son vào những startup được định giá "trên trời". Cả 2 ngân hàng này đã cho Softbank vay tổng cộng khoảng 2,7 tỷ USD.
Những chia sẻ của 2 vị sếp ngân hàng kể trên là dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy sự giảm sút đáng kể trong mối quan hệ của các nhà băng này với Softbank. Đồng thời, nỗi lo âu đó cũng cho thấy cách họ nhìn nhận về tỷ phú Son đang dần thay đổi, với ngay cả những người từng ủng hộ Son nhiều nhất.
Các ngân hàng Nhật Bản đã giúp đỡ về tài chính cho các doanh nghiệp của tỷ phú Son trong suốt 4 thập kỷ và hiện tại đang là chủ nợ của khoản vay trị giá 15 tỷ USD cho Softbank và quỹ Vision Fund. Họ cũng có mối quan hệ ngân hàng đầu tư với Son như tư vấn cho ông về các thỏa thuận và giúp Softbank huy động tiền từ thị trường trái phiếu Nhật Bản. Softbank đã trả 1,9 tỷ USD tiền phí cho các ngân hàng toàn cầu từ năm 2015, đa phần là cho các nhà băng Nhật Bản.
Các chủ nợ lớn nhất của Softbank.
Một khi các nhà băng này thắt chặt hầu bao hơn thì kế hoạch đầy tham vọng của tỷ phú "liều ăn nhiều" Masayoshi Son để biến đế chế của mình thành một doanh nghiệp toàn cầu hoạt động trong mọi lĩnh vực có thể trở nên cực kỳ khó khăn. Một phép thử quan trọng có thể đến trong vài tuần tới, khi Softbank hoàn thành những điều khoản cuối cùng để huy động 300 tỷ yen (tương đương 2,7 tỷ USD).
Chuyên gia phân tích Kazumi Tanaka nhận định: "Từ trước đến nay, các Ngân hàng Nhật Bản cho Softbank vay tiền một phần là bởi họ tin vào năng lực và khả năng quản lý của Son. Vấn đề của WeWork gần đây đã làm lung lay một trong những nhân tố quan trọng giúp thuyết phục họ".
Vị doanh nhân 62 tuổi Masayoshi Son đã biến đế chế viễn thông của mình thành "ông vua" công nghệ. Ông cũng trở nên nổi tiếng khắp Nhật Bản và thậm chí trên toàn thế giới khi biến Softbank trở thành công ty phải trả mức phí cho các ngân hàng đầu tư lớn nhất. Ở một đất nước mà các đơn vị cho vay phải vật lộn với mức lãi suất gần như bằng không và nhu cầu tín dụng ít thì hiện tượng như Softbank trở nên rất hiếm có trong ngành công nghiệp tài chính.
Tuy nhiên, suốt 2 thập kỷ qua, các ngân hàng có mối quan hệ làm ăn với Softbank - khi ấy là một đế chế chỉ tập trung vào viễn thông với lợi nhuận ổn định. Còn hiện tại, công ty này đang trở thành một quỹ đầu tư mạo hiểm khổng lồ, chấp nhận rủi ro lớn khiến tình hình tài chính của họ khó dự đoán hơn bao giờ hết.
Giá trị sụt giảm gồm cả ở khoản đầu tư vào WeWork và Uber khiến Softbank báo cáo thua lỗ hoạt động tới 6,5 tỷ USD trong báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 – lần đầu tiên trong vòng 14 năm.
Các ngân hàng Nhật nói rằng bất kỳ khoản vay nào thêm cho Softbank cũng sẽ khiến công ty này gần hơn với giới hạn tín dụng của họ. Trong dài hạn, các nhà băng cũng sẽ thắt chặt hơn trong việc xét duyệt các khoản vay cho Softbank.
Mizuho – đơn vị cho Son khoản vay đầu tiên từ 37 năm trước và hiện là chủ nợ lớn nhất của Softbank với trị giá 5,5 tỷ USD tính tới tháng 3.
Dù Son thừa nhận đã mắc sai lầm, ông vẫn tỏ ra rất cứng rắn và vẫn tuyệt đối tin tưởng vào cách đầu tư của mình trong buổi công bố kết quả kinh doanh vào tháng trước.
Có một tín hiệu cho thấy thị trường nợ vẫn mở cửa với Son: Goldman Sach dường như đang sắp xếp một hạn mức tín dụng 1,75 tỷ USD như một phần gói cứu trợ WeWork. Softbank nằm trong danh sách người vay và WeWork là đơn vị đồng đi vay. Hiện chưa rõ liệu có bất kỳ ngân hàng Nhật Bản nào tham gia vào thỏa thuận nợ của Goldman Sachs hay không.
Thời điểm hiện tại, Softbank dường như vẫn đang chứng minh sức hút mạnh mẽ với các ngân hàng Nhật Bản do mối quan hệ lâu dài của ông với họ. Son nhận được khoản vay đầu tiên từ người tiền nhiệm tại Mizuho vào năm 1982 khi mới chỉ 24 tuổi, sau đó ông đã trở thành khách hàng đáng tin cậy trong gần 4 thập kỷ. Tháng 10, ngay cả khi bê bối WeWork bị bại lộ, trụ sở chính ở Tokyo của Softbank vẫn nhận được rất nhiều vòng hoa từ những ngân hàng đầu tư Nhật Bản chúc mừng đội bóng chày của Son giành cúp vô địch quốc gia.
Bản thân các ngân hàng Nhật Bản cũng rất khó để tìm ra khách hàng cho vay "sộp" như Softbank. Một công ty được xếp hạng tín dụng thấp đương nhiên sẽ phải chịu mức lãi suất cao hơn. Và trong trường hợp này, S&P xếp hạng tín dụng Softbank ở mức BB+, thấp hơn... 7 bậc so với một công ty khác cũng thuộc hàng vay nợ lớn ở Nhật là Toyota Motor.
Khao khát sinh lời của các nhà băng có thể sẽ là nhân tố chính giúp Son có thể thỏa thuận khoản vay mới. Một nguồn tin của tờ Bloomberg tiết lộ, Softbank đã gặp ngân hàng lớn thứ 3 Nhật Bản vào ngày 26/11 để thảo luận. Trong suốt buổi gặp gỡ đó, các lãnh đạo Softbank chỉ ra kế hoạch vực dậy WeWork mà hầu như không thảo luận về điều kiện của khoản vay.
Softbank là công ty phi tài chính có nhiều nợ dài hạn lớn thứ 2.
Cuối cùng, Son và các ngân hàng lớn bậc nhất Nhật Bản có thể sẽ phải rằng buộc với nhau bởi quy mô quá lớn của đống nợ được xếp hạng "rác" của Softbank. Công ty này hiện đang gánh khối nợ dài hạn 131 tỷ USD, lớn hơn bất kỳ công ty phi tài chính niêm yết nào chỉ sau AT&T. Bất kỳ dấu hiệu xấu nào cũng có thể thay đổi niềm tin của chủ nợ lớn nhất của Softbank.
Một chuyên gia nhận định rằng: "Dù lo ngại nhiều hơn nhưng các ngân hàng vẫn phải hỗ trợ nhiều hơn cho Softbank".
Dù vậy, nếu các ngân hàng trở nên khó khăn hơn thì vẫn chưa phải là "đường cùng" đối với Son. Ông có thể chuyển hướng sang tiếp cận khối tiền mặt và các tài sản tương đương tiền trị giá 39 tỷ USD của Softbank. Công ty cũng có thể phát hành thêm trái phiếu, mặc dù lãi suất cao hơn là vay ngân hàng. Cuối cùng, con át chủ bài của Son đó là số cổ phần tại Alibaba trị giá tới 129 tỷ USD tính theo giá trị giao dịch ngày thứ 6.
Tuy nhiên, mối quan hệ "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" với các ngân hàng trong nước vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới Son – người đang nỗ lực huy động cho quỹ Vision Fund thứ 2. Bất kỳ dấu hiệu sụt giảm niềm tin nào cũng đều tạo ra trở ngại đối với việc Softbank huy động tiền.
"Nếu các ngân hàng quay lưng, mọi thứ sẽ trở nên cực kỳ khó khăn với Masayoshi Son".
Nguồn: Genk.vn