Hai công ty của Trung Quốc là Deguo Baoma Group Holdings Limited và công ty thời trang Chuangjia vừa bị toà án nước này xử thua trong vụ kiện của BMW và phải chịu mức tiền phạt.
Mức tiền phạt là 3 triệu NDT (khoảng 430 nghìn USD) cho cáo buộc làm nhái và sử dụng bất hợp pháp thương hiệu và biểu tượng (logo) của nhà sản xuất ô tô BMW (Đức).
Hãng BMN của Trung Quốc phải nộp phạt vì vi phạm bản quyền với hãng xe Đức.
Tòa án sở hữu trí tuệ Thượng Hải cho hay, ông Zhou Leqin đã đăng ký tên công ty là Deguo Baoma Group (Int’l) Holdings Limited trong tiếng Trung, dịch ra là Công ty tập đoàn BMW Đức; đồng thời, mua và đăng ký bản quyền thương hiệu “BMN” với logo giống của BMW từ năm 2008.
Chuangjia, một công ty thời trang, có các sản phẩm giày dép, quần áo và túi xách gắn logo giống của BMW.
Theo Tòa án, công ty này đã kinh doanh bất hợp pháp lợi dụng uy tín của BMW. Logo này do chính công ty của ông Zhou Leqin bán quyền sử dụng cho và các sản phẩm của Chuangjia cũng được quảng bá và phân phối trong cùng hệ thống cửa hàng với BMN.
Mức phạt 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 432.000 USD) được cho là quá thấp, vì số tiền mà hai công ty thu được từ việc lợi dụng thương hiệu BMW có thể cao hơn nhiều. Tuy nhiên, ít nhất, phán quyết của toà án sẽ khiến hai công ty phải ngừng việc sử dụng logo giống BMW cũng như là lời cảnh tỉnh đối với công ty khác đang có ý định làm giả mạo.
Bản quyền làm mọi công ty đầu tư vào Trung Quốc phải khốn đốn.
Mặc dù mất rất nhiều thời gian để hoàn tất vụ việc, nhưng đây là lần đầu tiên một thương hiệu ô tô nước ngoài chiến thắng trong một vụ kiện liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ công nghiệp và bản quyền mẫu mã sản phẩm mà lại được tổ chức ở Trung Quốc. Cuộc chiến pháp lý này của BMW có thể là một tiền lệ đáng lưu tâm cho các hãng xe đang đau đầu vì sản phẩm bị sao chép thiết kế tại Trung Quốc.
Một tuần trước đó, Tòa án tối cao của Trung Quốc ủng hộ cựu siêu sao bóng rổ Michael Jordan trong một vụ vi phạm nhãn hiệu. Jordan đã khởi kiện từ năm 2012 đối với một công ty thể thao địa phương đã sử dụng tên Trung Quốc của các vận động viên mà không xin phép.
Các nhà phân tích cho rằng, những chiến thắng liên tiếp sẽ tạo sự tin tưởng cho các công ty lớn trong trường hợp vi phạm các công ty Trung Quốc vi phạm bản quyền.
Alibaba lại vào danh sách đen hàng giả, hàng nhái của Mỹ.
Mới đây, Mỹ cũng đã liệt danh sách bán hàng giả, hàng nhái của thương hiệu Alibaba (Trung Quốc).
Theo trang Bloomberg đưa tin, vào ngày 21/12 vừa qua, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) đã chính thức đưa trang bán hàng trực tuyến Taobao của Alibaba trở lại danh sách “Notorious Markets” (tạm dịch: “Những chợ hàng giả khét tiếng”).
Lí do được USTR đưa ra là bởi số lượng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ “khổng lồ” được phát hiện trên Taobao.
Hồi tháng 5, Alibaba cũng bị ngưng tư cách thành viên của Liên minh Chống hàng giả quốc tế (IACC) do các lo ngại về việc làm giả hàng hóa. Hơn 250 thành viên của IACC đã dọa rời tổ chức này để phản đối quyền thành viên của Alibaba.
Như vậy, với những diễn biến đã thay đổi trong nhận thức về hàng giả và xử lý hàng giả ở Trung Quốc khiến cho các công ty nước ngoài có nhiều niềm tin hơn vào việc đầu tư tại Bắc Kinh mà không lo ngại về sản phẩm của mình còn bị làm giả, chế, độ lại.
Đồng thời, nếu các nước có thương hiệu đều cùng tập trung "tấn công" về việc sao chép ở các công ty Trung Quốc, tương lai Bắc Kinh sẽ còn gặp khó.
Theo Báo Đất Việt
Nguồn: Genk.vn