Apple đang cân nhắc cho các ứng dụng bên thứ ba đóng vai trò quan trọng hơn trên iPhone và iPad, đồng thời "mở cửa" loa HomePod cho các dịch vụ stream nhạc bên thứ ba sau những chỉ trích rằng công ty đã ưu ái, tạo lợi thế không công bằng cho các sản phẩm "nhà làm".
Theo đó, gã khổng lồ công nghệ hiện đang thảo luận để đưa ra quyết định có nên cho phép người dùng thoải mái chọn trình duyệt web và các ứng dụng email bên thứu ba để làm lựa chọn măc định trên các thiết bị di động của hãng, thay thế trình duyệt Safari và ứng dụng Mail, hay không. Kể từ khi ra mắt App Store vào năm 2008, Apple vẫn chưa cho phép người dùng thay thế các ứng dụng được cài đặt sẵn bằng các dịch vụ bên thứ ba. Điều này đã khiến một số nhà phát triển không thể cạnh tranh được, và làm dấy lên những mối quan ngại từ các nhà lập pháp vốn luôn tìm cách hạn chế những vụ vi phạm chống độc quyền trong ngành công nghệ.
Trình duyệt web và email là hai trong số các ứng dụng được dùng nhiều nhất trên iPhone và iPad. Cho đến ngày nay, các trình duyệt đối thủ như Google Chrome và Firefox, và các ứng dụng email như Gmail và Microsoft Outlook, vẫn chưa thể đọ lại các sản phẩm của Apple. Ví dụ, nếu một người dùng bấm vào một đường link web được gửi đến họ trên iPhone, nó sẽ tự động mở trong Safari. Tương tự, nếu một người dùng bấm vào một địa chỉ email - từ một đoạn tin nhắn hoặc một website - họ sẽ được chuyển sang ứng dụng Apple Mail, không có lựa chọn nào để chuyển sang một chương trình email khác.
Apple còn đang cân nhắc nới lỏng những giới hạn trên HomePods với các ứng dụng nhạc bên thứ ba, bao gồm đối thủ sừng sỏ trên lĩnh vực stream là Spotify.
Hệ thống đóng của Apple, vốn ngăn cản người dùng đặt các ứng dụng bên thứ ba làm mặc định, đã bị chất vấn vào năm ngoái trong một phiên điều trần trước ủy ban về chống độc quyền của Hạ viện Mỹ. Các nhà lập pháp đã nhấn mạnh đến vấn đề liệu người dùng iPhone có thể đặt các ứng dụng không phải của Apple làm các ứng dụng mặc định cho việc duyệt web, bản đồ, email, và nhạc hay không.
Được trở thành một ứng dụng mặc định trên chiếc smartphone bán chạy nhất thế giới là điều hết sức giá trị, bởi người tiêu dùng thường bị thuyết phục và dụ dỗ sử dụng phần mềm nổi tiếng hơn, thay vì các ứng dụng thay thế khác. Giữ người dùng gắn chặt vào các dịch vụ của Apple là điều quan trọng đối với công ty, khi mà nhu cầu về smartphone ngày càng giảm đi, và doanh thu từ các gói dịch vụ nhạc, video, lưu trữ đám mây, và các dịch vụ khác đang chiếm một phần lớn hơn trong tổng doanh thu của nhà sản xuất iPhone.
Sự trỗi dậy của các ứng dụng mặc định của Apple (xanh: các ứng dụng đang có; đỏ: các ứng dụng mới)
Công ty hiện cài đặt sẵn 38 ứng dụng mặc định lên iPhone và iPad, bao gồm trình duyệt web Safari, Maps, Messages, và Mail.
Năm ngoái, Spotify đâm đơn kiện lên EU, nói rằng Apple đã chèn ép các dịch vụ đối thủ bằng cách thu 30% số tiền người dùng trả phí dịch vụ thông qua App Store. Apple phản pháo rằng Spotify muốn hưởng những lợi ích của App Store mà không chịu chi tiền ra cho chúng. Trong đơn này, Spotify đã chỉ ra rằng họ không thể phát nhạc ra HomePod và trở thành trình nghe nhạc mặc định trong Siri, trợ lý giọng nói của Apple.
Có lẽ vì vậy mà Apple hiện đang nghiên cứu để cho phép các dịch vụ nhạc bên thứ ba chạy trực tiếp trên HomePod. Hiện Spotify và các ứng dụng nhạc bên thứ ba có thể stream từ iPhone hoặc iPad lên HomePod thông qua công nghệ AirPlay của Apple. Đó là một trải nghiệm rắc rối hơn nhiều so với stream trực tiếp từ loa.
"Mở cửa" HomePod cho các dịch vụ nhạc bên thứ ba có thể sẽ khiến sản phẩm này hấp dẫn hơn trong mắt người dùng. Chiếc loa thông minh của Apple đã tụt hậu đằng sau so với các đối thủ như Amazon Echo về mặt chức năng kể từ khi ra mắt năm 2018, và nắm giữ chưa đến 5% thị trường loa thông minh.
Ngoài ra, Apple còn đang cân nhắc có nên cho phép người dùng đặt các dịch vụ nhạc đối thủ làm mặc định với Siri trên iPhone và iPad. Hiện nay, Apple Music là ứng dụng nhạc mặc định. Nếu công ty thay đổi điều này, người dùng sẽ có thể phát nhạc từ Spotify hoặc Pandora hoàn toàn tự động khi nói yêu cầu phát nhạc với Siri.
Cần nhấn mạnh là mọi thay đổi nói trên đều đang được thảo luận hoặc trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển - tức quyết định cuối cùng vẫn chưa được đưa ra. Nếu Apple quyết định tiến tới, chúng có thể xuất hiện sớm nhất là cuối năm nay thông qua bản cập nhật phần mềm iOS 14 và một bản cập nhật phần mềm cho HomePod.
Apple thường công bố các phiên bản phần mềm mới cho iPhone và iPad vào tháng 6, sau đó tung chúng ra vào tháng 9, cùng thời điểm với các mẫu iPhone mới. Trong bản cập nhật năm nay, Apple còn dự định tập trung cải thiện hiệu năng và chất lượng, bởi phiên bản iOS 13 hiện tại đang gặp khá nhiều lỗi làm người dùng không hài lòng chút nào.
Tham khảo: Bloomberg
Nguồn: Genk.vn