Những chiếc điện thoại thông minh khi được cài đặt Bluezone có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, tự động ghi nhận vào nhật ký những thông tin như: tiếp xúc vào lúc nào và trong khoảng thời gian bao lâu.
Nếu phát hiện ra một người nhiễm bệnh COVID-19 (F0), dữ liệu của người nhiễm bệnh đó sẽ được nhập lên trên hệ thống, từ đó chuyển xuống tất cả các thiết bị đang sử dụng. Ứng dụng Bluezone trên máy sẽ so sánh dữ liệu của F0 với lịch sử tiếp xúc được ghi nhận từ trước. Nếu phát hiện thiết bị đã từng tiếp xúc với F0 trong thời gian đủ lớn, hệ thống sẽ báo cho người sử dụng về nguy cơ có thể lây nhiễm bệnh (F1), cung cấp liên hệ của cơ quan y tế có thẩm quyền và khuyến cáo người sử dụng liên hệ để được hướng dẫn, trợ giúp. Sau khi xác định được F1, hệ thống sẽ tiếp tục cảnh báo các F tiếp theo một cách nhanh chóng và chính xác. Tuy không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới giới thiệu giải pháp này nhưng phần mềm Việt Nam đã giải quyết được cơ bản các trường hợp bỏ sót hoặc chưa hoạt động tối ưu mà một số phần mềm tương tự trước đây mắc phải.
Một trong những vấn đề mà người dùng quan tâm đó là đảm bảo an toàn dữ liệu. Ứng dụng này chỉ lưu dữ liệu trên máy người dùng, tuyện đối không đưa lên server. Chỉ khi người dùng bị xác định là nhiễm bênh COVID-19 thì dữ liệu mới được nhập lên rồi đưa xuống dưới để cảnh báo cho những người tiếp xúc gần. Ứng dụng cũng không thu thập vị trí người dùng và người dùng sẽ được ẩn danh khỉ sử dụng ID mà hệ thống tự sinh ra.
Theo ước tính, nếu 30 triệu người Việt Nam cài đặt Bluezone, nước ta sẽ đạt tới tỷ lệ tối ưu để phát hiện sớm các ca tiếp xúc gần với những người bị bệnh. Bộ Y Tế và Bộ TT&TT khuyến khích mọi người dân nên cài đặt sử dụng phần mềm Bluezone để bảo vệ mình và cộng đồng, cùng chung tay chống dịch.
Nguồn: Genk.vn