Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới trên điện thoại thông minh

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới trên điện thoại thông minh

Một thủ đoạn mới nhằm chiếm đoạt tiền và tài sản thông qua điện thoại hay các thiết bị thông minh của nạn nhân vừa được chuyên gia an ninh mạng phát hiện.

 

Đây cũng là câu chuyện không ít người gặp phải trong thời gian gần đây, nên chủ đề này được bàn luận nhiều trên các mạng xã hội trong tuần.

Trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay, một chiếc điện thoại thông minh có thể bị đánh cắp mà chúng ta không hay biết. Cụ thể, một số người đã làm theo hướng dẫn, tải một phần mềm từ website hacker gửi cho, cấp quyền cho phần mềm này. Nó nằm trên điện thoại và đánh cắp mọi thông tin trên điện thoại của nạn nhân. Sau đó từ xa, hacker điều khiển điện thoại, chuyển hết tiền của khách hàng ra khỏi ứng dụng ngân hàng.

"Tôi còn biết có người bị lừa và bị chuyển ra khỏi tài khoản gần 2 tỷ đồng", một tài khoản mạng xã hội chia sẻ.

"Bác ruột tôi bị kẻ lừa đảo mạo danh cán bộ thuế, yêu cầu cài đặt các ứng dụng giả mạo thuế, eTax Mobile và mất 130 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng", một tài khoản khác cho biết.

 

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo mới trên điện thoại thông minh
Những chiêu trò lừa đảo muôn hình vạn trạng và biến hóa khôn lường. Để tránh bị "mắc bẫy", điều quan trọng nhất là người dùng phải cẩn trọng và cảnh giác cao. Ảnh: Internet.

 

"Mọi người hãy nhớ, các cơ quan nhà nước sẽ không yêu cầu người dân thực hiện việc chuyển tiền hay nộp tiền qua điện thoại. Phải cận trọng trước những cuộc gọi và tin nhắn đó", một tài khoản khác cho hay.

Một tình huống lừa đảo phổ biến khác là mạo danh tin nhắn ngân hàng. Mọi người có thể nhận được những tin nhắn kiểu như thế này: ứng dụng ngân hàng số của bạn đang bị kích hoạt trên thiết bị lạ, nếu không phải bạn kích hoạt thì hãy click vào đường link dưới đây; hoặc tài khoản của bạn đã đăng ký chương trình quảng cáo trên TikTok, thu phí vài triệu đồng hàng tháng, vui lòng click vào link dưới đây để hủy.

Các đường link này dẫn đến một website giả mạo có giao diện giống website của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhập tên đăng nhập và mật khẩu cùng mã OTP. Nếu thực hiện theo, kẻ gian sẽ lợi dụng để chiếm đoạt tiền từ tài khoản của khách hàng.

"Tôi đã từng suýt bị lừa. Nhìn qua thì những đường link kia giống với website ngân hàng, nhưng nhìn kỹ thì mới phát hiện các ký tự khác, nên tôi không click vào", một tài khoản mạng chia sẻ.

"Rất may cho tôi là tôi đã gọi lên tổng đài khi nhận được những tin nhắn này để tra soát một lần cuối cùng trước khi thực hiện và phát hiện ra chỉ là lừa đảo", một tài khoản khác cho biết.

"Chiêu trò lừa đảo ngày càng nhiều, mình phải tự bảo vệ mình thôi. Tôi không bao giờ tin vào mấy tin nhắn này và không bao giờ cung cấp mã xác nhận OTP cho ai", một tài khoản khác bình luận.

Ngoài những chiêu trò trên, một số đối tượng lừa đảo còn tự xưng là cán bộ công ty viễn thông, gọi điện, nhắn tin cho khách hàng và đề nghị hỗ trợ nâng cấp, chuyển đổi sim 4G/5G miễn phí. Nếu khách hàng đồng ý và thực hiện theo, sẽ bị chiếm đoạt quyền sử dụng SIM điện thoại.

Những chiêu trò lừa đảo muôn hình vạn trạng và biến hóa khôn lường. Để tránh bị "mắc bẫy", điều quan trọng nhất là người dùng phải cẩn trọng và cảnh giác cao. Một vài nguyên tắc cơ bản để tự bảo vệ mình, như: không truy cập vào đường link lạ, làm theo hướng dẫn của người lạ; nên sử dụng giao dịch các nền tảng, ứng dụng chính thức được cung cấp bởi ngân hàng; không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai (kể cả ngân hàng) gồm: mật khẩu đăng nhập, mã xác thực OTP, mã PIN; mã kích hoạt và các thông tin bảo mật khác; nếu lăn tăn, hay nghi ngờ, hãy gọi cho tổng đài chính thức để xác nhận.

Nguồn: GenK.

Bài viết tương tự