Mới đây, CEO Telegram, ông Pavel Durov đã tiết lộ, công ty đang chịu áp lực từ phía Apple về việc kiểm duyệt nội dung trên ứng dụng của hãng.
Cụ thể, Apple yêu cầu Telegram gỡ bỏ 3 kênh liên quan đến cuộc nổi dậy của người Belarus và khẳng định họ đã "tiết lộ thông tin cá nhân" của những người thực thi pháp luật và tuyên truyền kích động bạo lực.
Durov đã phản đối các yêu cầu của Apple và khẳng định, các kênh này được tạo ra để vạch trần những kẻ đàn áp chính phủ. Nhưng công ty có rất ít lựa chọn vì nếu không tuân thủ yêu cầu, Apple có sẽ cấm ứng dụng của họ trên iOS.
Tuy nhiên, điều khiến Durov khó chịu hơn cả là việc Apple yêu cầu người dùng Telegram không được nói động thái này là do phía Apple chỉ định.
Durov viết: "Trước đây khi xóa các bài đăng theo yêu cầu của Apple, Telegram đã thay thế các bài đăng đó bằng một thông báo trích dẫn quy tắc hạn chế nội dung đó đối với người dùng iOS. Tuy nhiên, Apple gần đây đã liên hệ với chúng tôi và cho biết, ứng dụng của chúng tôi không được phép hiển thị những thông báo như vậy vì chúng không liên quan. Bằng cách che giấu các yêu cầu của họ bằng thứ ngôn ngữ mơ hồ, Apple đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm thực thi các quy tắc của riêng họ. Điều dễ hiểu là theo cuộc thăm dò này, hơn 94% người dùng Belarus cho rằng, Apple phải để các kênh này được yên".
Durov cũng cho biết thêm, Apple đã sử dụng cùng một ngôn ngữ thông tin "không liên quan" để phản đối việc Facebook thông báo tới người dùng về khoản phí 30% phải chia sẻ cho Apple. Durov nói: "Tôi hoàn toàn không đồng ý với định nghĩa "không liên quan" của Apple. Tôi lại nghĩ lý do, một nội dung nào đó bị kiểm duyệt hoặc tại sao phí hoa hồng 30% mới là điều liên quan"
CEO Telegram kết luận: "Apple có quyền tham lam và theo đuổi chủ nghĩa hình thức. Nhưng đã đến lúc Apple phải học cách chịu trách nhiệm về chính sách của họ thay vì cố gắng che giấu trước người dùng bởi họ xứng đáng được biết".
Làn sóng phản đối Apple gần đây đã phơi bày phần lớn hoạt động có chủ đích của công ty, bao gồm việc chèn ép các ứng dụng có các giao dịch mua trong ứng dụng, từ đó kiếm lợi và thực hiện các giao dịch đặc biệt với một số công ty. Đây là điều mà Apple tuyên bố họ chưa bao giờ làm.
Telegram thường được coi là một trong những lựa chọn thay thế chính cho WhatsApp và iMessage. Ứng dụng này hiện có sẵn trên cả Android, iOS và desktop. Telegram tập trung chủ yếu vào quyền riêng tư của người dùng và các tính năng như trò chuyện bí mật, cho phép người dùng đặt bộ đếm thời gian tự hủy cuộc trò chuyện, từ đó đảm bảo rằng không ai khác đọc được tin nhắn.
Hồi tháng 8 vừa qua, Telegram cũng đã đệ đơn kiện Apple lên Ủy ban Châu Âu về hành vi phi cạnh tranh trên App Store.
Nguồn: Genk.vn