Là một người thường xuyên sử dụng máy tính để làm việc cũng như giải trí, có lẽ bạn cũng từng phải “điên đầu” khi vào một ngày đẹp trời nào đó, cỗ máy tính của bạn bỗng nhiên “dở chứng” và chạy chậm một cách lạ thường. Bạn quả quyết khẳng định bạn không thích chơi game, cũng chẳng làm công việc gì liên quan đến đồ họa mà chỉ sử dụng máy để thực hiện những tác vụ nhẹ như lướt web, đọc truyện hay xem phim. Tuy nhiên, liệu những tác vụ này có thực sự “nhẹ” như bạn nghĩ hay không?
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng Google Chrome - một trong những trình duyệt web phổ biến nhất hiện nay, chính là thủ phạm đằng sau tình trạng trên, kể cả khi chiếc máy tính của bạn vẫn còn khá mới. Nguyên nhân là do khi mở quá nhiều tab trên trình duyệt này, lượng RAM của máy sẽ bị “ngốn” đáng kể khiến bạn không thể thực hiện thêm tác vụ nào khác. Ngoài ra, những tiện ích mở rộng cài thêm cũng sẽ tiêu tốn tài nguyên bộ xử lý (CPU) của bạn.
Rất có thể Google Chrome chính là nguyên nhân khiến cho thiết bị của bạn chạy chậm một cách lạ thường.
Thông thường, bạn sẽ sử dụng Task Manager (đối với Windows) và Activity Monitor (đối với Macs) để kiểm tra xem liệu Chrome có đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ máy tính của bạn hay không. Thế nhưng đôi khi, chỉ có một số tab nhất định mới thực sự “ngốn” nhiều RAM, và bạn hoàn toàn có thể kiểm tra để xác định cũng như xử lý chúng nhằm cải thiện tốc độ PC của mình.
Ngoài duyệt web, Google Chrome còn có thể giúp bạn... tìm và loại trừ mã độc trên máy tính
Ngoài duyệt web, Google Chrome còn có thể giúp bạn... tìm và loại trừ mã độc trên máy tínhĐầu tiên, hãy click vào icon ba chấm ở góc trên bên phải giao diện Chrome và lựa chọn Chrome window > More tools > Task Manager.
Sau đó, trình quản lý tác vụ của Chrome sẽ hiển thị chi tiết lượng RAM và CPU mà mỗi tab đang sử dụng.
Nếu như nhiệt độ máy tính của bạn tăng quá cao và quạt tản nhiệt bỗng chạy nhanh một cách bất thường, điều đó có nghĩa là tài nguyên CPU đang bị sử dụng quá mức. Hãy click vào thanh “CPU” để sắp xếp danh sách mức độ sử dụng CPU theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Chrome cho phép bạn dễ dàng kiểm tra mức độ sử dụng CPU và RAM của từng tab.
Như bạn có thể thấy trong ví dụ dưới đây, tab mở một video 4K trên YouTube đang khiến cho CPU của người dùng lâm vào tình trạng quá tải. Một video 1080p HD thông thường sẽ không cần sử dụng nhiều CPU đến vậy. Để xử lý tình trạng này, bạn có thể chọn tab đó và click và “End Task” ở góc dưới bên phải giao diện.
Như đã nêu trên, các tiện ích mở rộng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải CPU. Bạn có thể tiến hành kiểm tra và vô hiệu hóa tương tự bằng cách truy cập Chrome settings > More Tools > Extensions. Ngoài ra hãy đảm bảo máy tính của bạn được cài đặt phần mềm diệt virus phù hợp nhất vì những malware vô tình tích hợp trong Chrome cũng sẽ góp phần giảm tốc độ thiết bị của bạn.
Một tab YouTube mở trên Chrome đang sử dụng quá nhiều tài nguyên CPU của thiết bị.
Nếu máy tính của bạn bỗng chạy chậm một cách bất thường, rất có thể các tab trong Chrome đã “ngốn” sạch RAM của bạn.
RAM là một thành phần cực kỳ quan trọng trong các thiết bị PC, laptop và cả smartphone ngày nay. Đây chính là yếu tố quyết định lớn đến khả năng đa nhiệm cũng như tốc độ thực hiện tác vụ của bạn. Tuy nhiên, khi mở quá nhiều tab với nội dung hiển thị khác nhau (như phim, ảnh, văn bản, quảng cáo…), Chrome sẽ tiêu tốn lượng RAM nhiều hơn bạn nghĩ.
Để kiểm tra tình trạng này, hãy mở Trình quản lý tác vụ Chrome theo các bước nêu trên, sau đó click và tab “Memory Footprint” để kiểm tra lượng RAM cụ thể mà từng tab đang sử dụng. Sau đó, bạn có thể quyết định tắt/vô hiệu hóa những tab và tiện ích mở rộng không cần thiết để giải phóng RAM và giúp máy hoạt động mượt hơn.
Bạn cũng có thể kiểm tra cụ thể lượng RAM mà mỗi tab Chrome đang sử dụng.
Tất nhiên, trên đây vẫn chỉ là giải pháp tạm thời mang tính chất “chống cháy”. Nếu thực sự muốn có được trải nghiệm mượt mà với tốc độ cao nhất thì có lẽ bạn nên cân nhắc đến việc nâng cấp RAM cho thiết bị của mình. Ngoài ra, việc sử dụng các trình duyệt web mặc định như Microsoft Edge (Windows) hay Safari (macOS) cũng là một lựa chọn đáng để tham khảo, vì chúng được tối ưu hóa tốt hơn so với những trình duyệt bên thứ ba như Google Chrome.
Theo BusinessInsider
Nguồn: Genk.vn