Trung Quốc đã thành công rực rỡ khi nâng tầm chuỗi cung ứng, thoát khỏi các sản phẩm kỹ thuật thấp như quần áo, đồ nội thất và thiết bị gia dụng để tiến đến các sản phẩm công nghệ cao mà Phương Tây cũng phải chịu thua.
Vào thập niên 1980, công nghệ điện mặt trời tại Mỹ đã đủ sức cung ứng ổn định cho người dân đến mức chính phủ liên bang đã phải ban hành luật mới trong mảng sử dụng, buôn bán nguồn năng lượng này.
Tại thời điểm đó, công nghệ phát triển những tấm pin năng lượng mặt trời ở Trung Quốc vẫn còn non trẻ khi mới chỉ bắt đầu từ năm 1975.
Đến thập niên 2000, Châu Âu mà cụ thể là Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực bắt đầu sử dụng rộng rãi điện mặt trời với tổng sản lượng lên đến hơn 7GW mỗi năm. Công nghệ điện mặt trời tại Đức lúc này được tờ Nikkei Asian Review đánh giá là đứng đầu thế giới.
Tại thời điểm này, Trung Quốc vẫn chưa có nhiều tiếng tăm gì trên thị trường.
Năm 2006, nền kinh tế Châu Á chỉ chiếm 2 trên tổng số 10 thương hiệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới.
Thế nhưng bước sang năm 2010, con số này đã tăng lên 6 và hiện nay 8/10 thương hiệu sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới là của Trung Quốc.
Thậm chí 3 thương hiệu còn lại của Hàn Quốc, Canada và Mỹ cũng đặt nhà máy sản xuất chủ yếu ở Trung Quốc nhờ chi phí rẻ.
Cách đây 10 năm, Trung Quốc chủ cung ứng được 40% tổng số tấm pin năng lượng mặt trời trên toàn cầu thì giờ đây con số này là hơn 90% và gần như độc quyền ở mảng này.
Vậy tại sao Trung Quốc lại có thể vượt mặt Mỹ lẫn Châu Âu ở mảng mà họ từng đi sau trong khoảng thời gian ngắn đến vậy?
Trên thực tế, ngành công nghiệp điện mặt trời tại Trung Quốc chỉ thực sự bùng nổ từ đầu thập niên 2000 khi chính quyền Bắc Kinh có định hướng dài hạn về một nguồn năng lượng sạch thay cho than đá và dầu mỏ.
Việc Trung Quốc thiếu dầu mỏ và phải phụ thuộc vào nhập khẩu, trong khi than đá gây ô nhiễm môi trường, còn thủy điện dính dáng đến vị trí địa lý và mực nước khiến chính quyền Bắc Kinh cần tìm giải pháp mới.
Kể từ đây, Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỷ USD tập trung cho 3 mảng chính là xe điện, ắc quy điện Lithium và tấm pin năng lượng mặt trời.
Riêng trong năm 2010, các ngân hàng Trung Quốc đã cho vay 30 tỷ USD vốn ưu đãi cho 5 hãng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất nước.
"Dòng tiền khổng lồ của Trung Quốc là thứ chẳng ai có thể cạnh tranh nổi. Kể cả khi nhu cầu thị trường đi xuống thì Trung Quốc vẫn cứ tiếp tục sản xuất để rồi bán ra thị trường nước ngoài. Nếu không có biện pháp thì sẽ chẳng còn thương hiệu tấm pin năng lượng mặt trời Mỹ nào còn tồn tại nổi trên thị trường", giám đốc marketing Bryan Ashley của Suniva than thở.
Bên cạnh hỗ trợ tài chính, Trung Quốc còn tung ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, môi trường kinh doanh... để thúc đẩy ngành. Thêm vào đó là đà tăng trưởng kinh tế thần tốc khiến chuỗi cung ứng của nước này phát triển mạnh, tạo nền móng vững chắc cho gia tăng sản lượng lẫn phát triển công nghệ.
Hệ quả là giờ đây các tấm pin năng lượng Trung Quốc không những rẻ mà còn hiện đại, sản lượng cao sẵn sàng đáp ứng cho mọi khách hàng, kể cả các đối thủ muốn thuê ngoài đặt nhà máy tại đây.
Hiện nay sản lượng sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc cao gấp 4 lần Mỹ. Thậm chí vào năm 2023, tổng sản lượng tấm pin năng lượng mặt trời tại nền kinh tế Châu Á này bằng toàn bộ sản lượng của Mỹ trong lịch sử cộng lại.
Không dừng lại đó, Trung Quốc đã giảm giá bán buôn tấm pin năng lượng mặt trời đi gần 50%, gia tăng xuất khẩu sản phẩm này thêm 38% và các linh kiện chủ chốt lên gần gấp đôi.
Vậy là từ kẻ đi sau, Trung Quốc giờ đây đang khiến cả Mỹ lẫn Châu Âu phải vật lộn để giữ cho các công ty phát triển tấm năng lượng mặt trời nội địa không phá sản dù vẫn muốn phát triển nguồn năng lượng sạch.
Tờ New York Times (NYT) nhận định động thái thay thế "bộ 3 công nghiệp cũ" gồm quần áo, đồ nội thất và thiết bị gia dụng để chuyển mình lên "bộ 3 mới" gồm xe điện, ắc quy điện Lithium và tấm pin năng lượng mặt trời là có tầm nhìn xa.
Việc Mỹ và Châu Âu đi trước Trung Quốc trong mảng tấm pin năng lượng mặt trời đã khiến các nhà hoạch định chính sách Phương Tây chủ quan, tạo điều kiện để nước này vượt mặt.
Theo NYT, chính các quan chức Châu Âu giờ đã phải cay đắng nhận ra việc chủ quan chấp nhận tấm pin năng lượng mặt trời có thể sản xuất ở bất kỳ đâu trong khi Trung Quốc hỗ trợ mạnh sản xuất nội địa cách đây hơn chục năm đã tạo nên tình thế hiện nay.
Giờ đây Phương Tây muốn phát triển năng lượng sạch nhưng lại bị phụ thuộc vào Trung Quốc, trong khi các nhà máy tấm pin năng lượng mặt trời nội địa ở Châu Âu hay Mỹ đều đang đối mặt khả năng phá sản trước dòng lũ sản phẩm từ Châu Á nếu không có sự bảo hộ của chính phủ.
Được biết, lợi thế về chi phí của Trung Quốc là rất lớn. Một đơn vị nghiên cứu của Ủy ban châu Âu trong một báo cáo hồi tháng 1 cho biết các công ty Trung Quốc có thể sản xuất tấm pin mặt trời với công suất phát điện từ 16 đến 18,9 cent/watt. Trong khi đó, các công ty châu Âu tốn 24,3-30 cent/watt còn các công ty Mỹ mất khoảng 28 cent.
Ngoài ra, Trung Quốc cấp đất cho các nhà máy sản xuất pin mặt trời với giá thấp hơn thị trường. Phía ngân hàng quốc doanh cũng cho vay rất nhiều với lãi suất thấp dù một số công ty năng lượng mặt trời thua lỗ và phá sản.
Giá điện thấp ở Trung Quốc tạo ra sự khác biệt lớn. Than cung cấp 2/3 lượng điện trên cả nước, song các công ty Trung Quốc vẫn cố gắng giảm chi phí hơn nữa bằng cách lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời ở sa mạc phía Tây - nơi đất công về cơ bản là miễn phí. Sau đó, các công ty sẽ sử dụng điện từ những trang trại này để tạo ra nhiều polysilicon - một trong những nguyên vật liệu tạo ra tấm pin mặt trời.
Nền kinh tế lớn nhất châu Á này đang rót hàng tỷ USD vào các nhà máy polysilicon – nguyên liệu chính trong quá trình sản xuất tấm pin mặt trời. Trong bối cảnh tắc nghẽn chuỗi cung ứng đẩy giá một loạt các mặt hàng, từ khí đốt tự nhiên đến thịt bò trên khắp các siêu thị, polysilicon chỉ là một trong số vô vàn các nguyên liệu thô xuất hiện trong chuỗi khủng hoảng.
Hiện tăng trưởng điện mặt trời tại Trung Quốc không hề có dấu hiệu chậm lại, nhất là trong bối cảnh chính phủ nước này đặt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2060. Động lực chủ yếu đến từ việc Trung Quốc có hầu hết mọi thứ cần thiết để sản xuất polysilicon một cách nhanh nhất và rẻ nhất, từ hầm mỏ, nhà máy đến nhân công.
Như vậy, sức mạnh sản xuất của Trung Quốc là không thể chối cãi. Hàng nhập khẩu giá rẻ từ đại lục thậm chí còn khiến một số doanh nghiệp EU rơi vào khủng hoảng. Thông báo đóng cửa sản xuất đang chồng chất.
Thậm chí ngành thiết bị điện mặt trời châu Âu cảnh báo một nửa công suất sản xuất có thể biến mất trừ khi chính phủ vào cuộc.
GenK