Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Có phải smartphone đã đạt tới điểm giới hạn?

Có phải smartphone đã đạt tới điểm giới hạn?

> Những tính năng "thời thượng" trên smartphone nhưng đã trở thành quá khứ

Theo Android Authority, trong bài phát biểu của mình tại Macworld Conference & Expo vào tháng 1/2007, Steve Jobs đã giới thiệu với thế giới chiếc iPhone thế hệ đầu tiên. Khi đó, ông đã có câu nói để đời của mình: "Today, Apple is going to reinvent the phone" (Ngày hôm nay, Apple sẽ tái phát minh ra điện thoại).

Và Steve Jobs đã không hề khoác lác một chút nào.

Dù bạn có cảm nghĩ gì về Apple, iPhone hay bản thân Steve Jobs, chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng những cuốn sách lịch sử sẽ phân chia quá trình phát triển của chiếc điện thoại di động thành hai hạng mục: tiền iPhone và hậu iPhone. Thiết bị này đã làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp điện thoại di động.

Sau 11 năm kể từ đó, điện thoại di động đã trở nên lớn hơn, nhanh hơn và mạnh mẽ hơn, được trang bị những tính năng mà ngay cả Steve Jobs cũng không lường trước được. Tuy nhiên, yếu tố hình thức tổng thể của mọi smartphone ngày nay đều giống nhau: một thiết bị cầm tay hình chữ nhật với màn hình cảm ứng ở phía trước để khởi chạy ứng dụng.

Thế là hết rồi sao? Không còn cách nào khác để thiết kế một thiết bị di động? Hay smartphone đã đạt tới đỉnh điểm giới hạn của mình hay sao?

Vào đầu những năm 1960, những chiếc điện thoại có nút bấm đầu tiên được cho ra mắt ở cấp độ người tiêu dùng. Điện thoại quay số vẫn cố gắng tồn tại trong nhiều năm sau đó, nhưng cuối cùng thì chúng vẫn biến mất hoàn toàn. Sử dụng một chiếc điện thoại bấm nút nhanh hơn và dễ dàng hơn rất nhiều. Không những thế, các âm thanh được tạo ra bằng cách ấn nút đã giúp các loại công nghệ khác phát triển đến mức không thể thiếu, như quay số tự động, hộp thư thoại được bảo vệ bằng mật khẩu và mua hàng qua điện thoại.

55 năm sau khi điện thoại bấm nút được thương mại hóa, chúng ta có gì trên bàn làm việc của mình? Đó là một chiếc điện thoại. Tất nhiên, nó có thể là một thiết bị VOIP (Voice over Internet Protocol – truyền giọng nói trên giao thức IP) hoặc không dây, nhưng cách thức hoạt động cơ bản của một chiếc điện thoại những năm 60 với một chiếc điện thoại năm 2017 là giống nhau: bạn nhấc điện thoại lên, ấn số cần gọi, giữ điện thoại ở bên mang tai rồi đặt lại về vị trí cũ sau khi kết thúc cuộc gọi.

55 năm đổi mới và phát triển, chiếc điện thoại cố định vẫn không thay đổi quá nhiều. Thiết kế của nó đã đạt tới đỉnh điểm vào năm 1963. Tương tự, thiết kế của chiếc điện thoại di động cũng đã đạt đỉnh điểm vào năm 2007.

Nếu như bạn nghĩ rằng lời kết luận này là quá vội vàng, hãy xem xét điều này: thử tưởng tượng đưa cho một đứa trẻ một chiếc điện thoại quay số từ năm 1965 và yêu cầu đứa trẻ đó thử gọi một số nào đó. Gần như chắc chắn là trẻ sẽ không biết phải làm thế nào. Yêu cầu chúng làm điều tương tự với một chiếc điện thoại bấm nút của cùng năm đó và chúng sẽ chẳng gặp trở ngại nào cả. Chúng sẽ cảm nhận được sự thân thuộc.

Giờ, thử tưởng tượng đưa cho một đứa trẻ chiếc Nokia 2760 (ra mắt cùng năm với iPhone thế hệ đầu tiên) và yêu cầu chúng gửi một tin nhắn văn bản cho cha mẹ. Bạn nghĩ chúng sẽ làm thế nào với kiểu nhắn tin T9? Liệu đứa trẻ đó có gặp những khó khăn tương tự khi nhắn tin bằng chiếc iPhone thế hệ đầu tiên hay không?

Ý tưởng cho rằng công nghệ di động đang phát triển với tốc độ chóng mặt chỉ đúng một nửa. Những chiếc điện thoại mới được công bố hàng ngày, và rất nhiều trong số sở hữu những tính năng có thể thay đổi ngành công nghiệp mà chúng ta vẫn thường biết. Những bộ xử lý đang ngày càng mạnh, thời lượng pin đang được kéo dài ra hết mức có thể (công nghệ pin cũng dường như đang dậm chân tại chỗ, nhưng đó lại là câu chuyện khác), và công nghệ máy ảnh có thể khiến một người dùng nghiệp dư cũng có thể tạo ra những bức ảnh có chất lượng chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chưa có một chiếc điện thoại nào có thể giúp chúng ta thoát khỏi kiểu thiết kế từ một thập kỷ trước ấy. Các chi tiết của điện thoại đúng là đang phát triển rất nhanh, nhưng cốt lõi của nó lại chẳng thay đổi một chút nào.

Nhưng ít ra thì các nhà thiết kế cũng không (hoặc chưa) chịu bỏ cuộc.

Chiếc ZTE Axon M ra mắt trong năm nay trông giống một chiếc smartphone thông thường, thậm chí còn hơi cồng kềnh, đồ sộ. Nhưng đó là vì bạn có thể lật phía sau của chiếc điện thoại ra để sử dụng một màn hình thứ hai, biến chiếc điện thoại hình chữ nhật trở thành một hình vuông lớn hơn rất nhiều. Đây là một ý tưởng rất mới và táo bạo, tuy nhiên lại chưa nhận được nhiều sự chú ý.

Samsung đã thử vận may của mình với một chiếc smartphone màn hình cong có tên Galaxy Round. Nó giống như bạn lấy một chiếc Galaxy Note 3 và bẻ nó lõm xuống dưới vậy. Chiếc điện thoại này nhận được nhiều sự ca ngợi từ các trang đánh giá công nghệ uy tín nhờ tư duy tiến bộ và mang lại một số lợi ích (như giảm lóa màn hình)... nhưng doanh số lại vô cùng ảm đạm.

BlackBerry thì cố gắng đưa bàn phím vật lý quay trở lại trong tuyệt vọng với chiếc KEYone. Một nhóm nhỏ những người đam mê thương hiệu BlackBerry và vẫn còn tình yêu với bàn phím vật lý rất yêu thích chiếc điện thoại này và mua nó ngay khi được bán ra, nhưng đại đa số người mua thì tỏ ra không muốn và không quan tâm đến bàn phím vật lý.

Hi vọng cho một chiếc điện thoại hoàn toàn mới vẫn chưa bị dập tắt, khi có nhiều tin đồn cho rằng chiếc Galaxy X của Samsung sẽ có màn hình gập. Phần lưng của chiếc điện thoại sẽ có cấu trúc bản lề giống như dòng laptop Yoga của Lenovo, và khi bạn muốn cất điện thoại vào trong túi, bạn sẽ đóng nó lại như vỏ sò. Đó là một ý tưởng rất thú vị. Nhưng liệu có nhiều người mua nó không? Chắc là không.

Mọi người không muốn những thiết kế khác thường này, giống như họ không muốn một chiếc điện thoại không có nút bấm, và chúng ta có dữ liệu của cả một thập kỷ để chứng minh điều đó. Tất cả những dòng điện thoại thành công nhất đều tuân theo công thức thiết kế được xuất hiện từ năm 2007. Và ngay cả khi họ có thành công trong việc chỉnh sửa một số yếu tố (như bút S Pen hay màn hình tràn cạnh của Galaxy S8), chúng vẫn không khác quá nhiều so với thiết kế đó.

Nếu như thiết kế của smartphone đã đạt tới giới hạn, điều gì sẽ xảy đến tiếp theo? Thứ gì sẽ có thể phá vỡ được rào cản này?

Dòng phim Star Trek nổi tiếng về việc tạo ra những công nghệ viễn tưởng đã trở thành hiện thực. Có lẽ những máy tính trong phim Minority Report sẽ xuất hiện, và chúng ta sẽ điều khiển điện thoại thông minh trong tương lai mà không cần phải chạm vào màn hình. Có thể những mô cấy trong bộ phim truyền hình Black Mirror sẽ khiến giới trẻ phát cuồng, rồi cả công nghệ ảnh ba chiều điều khiển bằng giọng nói trong Blade Runner 2049 nữa.

Để ngành công nghiệp có thể thay đổi một cách hoàn toàn, thiết bị trong tương lai sẽ phải khác với những gì bạn đang cầm trong tay đến mức nó thậm chí còn không phải là smartphone nữa. Ngành công nghiệp âm nhạc đã không được thay đổi trong những năm 60 bởi một thứ gì đó giống như chiếc máy chơi nhạc có tuổi đời vài chục năm; nó được thay đổi bởi băng 8-track, thứ cho phép bạn nghe nhạc ở ngay trên xe của mình. Bạn có thể nhìn thấy sự khác biệt về công nghệ khi một tay cầm đĩa than, một tay cầm băng 8-track. Băng VHS với DVD, nến và bóng đèn, bao cao su và thuốc tránh thai... cũng tương tự như vậy.

Dù cuộc cách mạng di động mới có là gì, bạn cũng không nên quá nôn nóng chờ đợi ở thời điểm hiện tại. Chiếc điện thoại bấm nút vẫn sống tốt sau một nửa thế kỉ, và xu hướng thiết kế của smartphone do iPhone khởi xướng mới chỉ bắt đầu cách đây 10 năm. Nhiều khả năng, thiết bị di động mà bạn mua vào năm 2027 cũng sẽ có chung cách thức hoạt động với thiết bị mà bạn đang dùng để đọc bài viết này.

Nguồn: Ictnews.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật