Phàm thế cuộc ngày nay, công nghệ phát triển như vũ bão, như Trường Giang sóng sau xô sóng trước. Nhớ thời Bill Gate xây Microsoft, tạo nên cách mạng. Steve Job dựng Apple, đổi thay thế giới. Những tưởng thế là thiên hạ vô địch rồi, ngờ đâu Larry Page thông minh tuyệt định lập nên Google, Mark Zuckerberg tuổi trẻ tài cao tạo ra Facebook. Đấy đúng là cao nhân tất hữu cao nhân trị. Nhiều đêm OT gục đầu bên bàn phím, tiếng PM giục dead line như sấm bên tai, chợt than rằng “Anh hùng coding trong thiên hạ nhiều như vậy, thế mình ở level nào? sao phải OT lắm thế?”
10 năm chinh chiến, trải đủ mọi project từ .NET đến Java, từ phần cứng đến phần mềm, hết Cloud rồi lại Bigdata, bỗng chợt nhận ra 4 cấp độ của kĩ sư CNTT
1) Coder (Cuder)
Coder phần lớn là sinh viên CNTT sau nhiều năm tu luyện mới được hạ sơn. Kinh nghiệm chưa có, ko hiểu được giang hồ hiểm ác, lý thuyết thì thuộc lòng (chủ yếu là lịch sử đảng, chủ nghĩa xã hội), nhưng thực hành thì lơ mơ. Phần lớn là code theo guidline nhưng chưa chắc đã hiểu, dẫn tới code mù, copy paste, nếu gặp bug hiểm thì cũng buông tay chịu chết. Tuy nhiên thế mạnh là tinh thần hăng hái, nhiệt huyết như hỏa diệm sơn và … giá rẻ. Nếu được cao nhân chỉ điểm đúng thì sức mạnh như bạt sơn đảo hải, nhưng chỉ sai thì lao xuống vực sâu muôn trượng, thích hợp làm dự án outsource. Level này cần lắm những PM giỏi, Teach Lead có tài để chỉ đường dẫn lối trong dự án.
2) Developer
Chinh chiến được 1 thời gian, trải qua tu luyện một coder có thể đạt tới tầng developer. Những người này có thể đọc sequence, xem class diagram như đọc bảng cửu chương. Ngôn ngữ lập trình tinh thông, có thể nhìn design mà code ko cần hướng dẫn, review code, fix bug là chuyện dễ như trở bàn tay. Nếu giỏi hơn, developer có thể đột phá lên tầng Full Stack Developer. Người ở level này có thể nói là bá nghề bá nghệ từ công nghệ front end (HTML5, CSS, JavaScript) đến backend (Database, .NET, Java), từ Web app cho tới Mobile (Android, iOS), biết UX, giỏi GUI, cái gì cũng thạo, dự án nào cũng cân được.
3) Software Engineer
Đạt được tầm này có thể nói là đã đạt tới ngưỡng thượng thanh cảnh trong coding chưởng pháp. Kĩ sư phần mềm làu thông về design pattern, am hiểu công nghệ. Một bụng chứa đầy Cloud, IOT, Machine learning…, có thể phân tích yêu cầu để đưa ra giải pháp, thiết kế được hệ thống lớn như Framework. Họ chủ yếu làm những khâu liên quan đến phát triển phần mềm như phân tích requirement, architecture design chứ không code nữa.
Trên thế giới, nhưng cao thủ kĩ sư phần mềm được biết đến như Bill Gate với Windows, Jonathan Ive với iOS, Linux Towards người tạo ra Linux Kernel
Ở Việt nam, người đạt đến bậc này e rằng như lá mùa thu, đếm trên đầu ngón tay
4) Computer Scientist
Đây là cảnh giới cao nhất của công nghệ. Nếu như kĩ sư phần mềm là người sử dụng công nghệ thì nhà khoa học máy tính là những người tạo ra công nghệ mới, bước tiến lớn về khoa học, nghiên cứu chuyên sâu về thuật toán, kiến trúc máy tính.
Alan Turing người phát minh ra máy tính, Dennis Ritchie tạo ra ngôn ngữ C, Berners- Lee người phát minh ra World Wide Web là những nhà khoa học máy tính nổi tiếng. Không có họ, thì sẽ không có được nhưng công nghệ như ngày nay. Chẳng khác gì Vương Trùng Dương sáng lập Toàn Chân Giáo, Trương Tam phong lập phái Võ Đang nổi tiếng giang hồ.
Nhìn thấy 4 cấp độ trên, chỉ biết ngửa cổ nhìn trời kêu lớn “Trời đã sinh ra coder, sao còn đẻ ra Computer Scientist?” Âu cũng là núi cao còn có núi cao hơn nữa, anh hùng trong thiên hạ nhiều như cát ngoài sa mạc, nước ngoài đại dương. Làm gì có coder nào dám tự xưng là Độc cô cầu bại
Biển học vô cùng, Coder không biết bao giờ mới đạt được cảnh giới trên?
Techtalk via Kipalog