Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Coronavirus hay 'phép thử' cho ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc

Coronavirus hay 'phép thử' cho ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc

Trung Quốc đã dành hàng thập kỷ để bồi dưỡng và phát triển lĩnh vực công nghệ của mình. Và giờ đây, khi phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng về sức khỏe cộng đồng vào hàng lớn nhất thế giới, chính quyền Bắc Kinh đang thúc đẩy các công ty công nghệ của mình tham gia vào cuộc chiến chống lại dịch bệnh do virus corona mới này gây ra.

Đó có thể là việc triển khai các phương tiện tự lái để cung cấp vật tư cho nhân viên y tế, sử dụng máy bay không người lái gắn camera đo nhiệt để phát hiện người nghi nhiễm bệnh, hay mượn sức mạnh tính toán của AI để giúp phát triển vắc-xin.

Không rõ có bao nhiêu công nghệ trong số này có thể giúp kiểm soát virus, thứ dịch bệnh hiện đã lây nhiễm cho ít nhất 79.000 người trên toàn thế giới và đã giết chết hơn 2.600 người, chủ yếu ở Trung Quốc đại lục.

Nhưng đứng trước thử thách khó khăn này, không một quốc gia nào sẽ chấp nhân lùi bước. Chính quyền Bắc Kinh đã đưa ra tuyên bố nói rõ rằng việc chống lại dịch bệnh do virus là ưu tiên quốc gia, đòi hỏi phải có hành động tập thể từ tất cả mọi người và các ban ngành, doanh nghiệp.

Từ lâu, Trung Quốc đã luôn nhấn mạnh đổi mới công nghệ là một trụ cột quan trọng của việc tăng trưởng. Và không phải ngẫu nhiên mà chính quyền Bắc Kinh đã chi hàng tỷ USD cho các khoản trợ cấp, các khoản vay và trái phiếu để thúc đẩy sự tiến bộ trong trí tuệ nhân tạo, xe tự trị và các lĩnh vực khác. Mục tiêu hướng tới là một nền công nghiệp công nghệ có thể cạnh tranh với Thung lũng Silicon tại Mỹ. Và cuộc khủng hoảng dịch bệnh đang diễn ra, có thể chính là "phép thử" quan trọng nhất.

"Cuộc chiến chống lại dịch bệnh không thể đạt được nếu không có sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ", Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết hồi đầu tháng này, theo Tân Hoa Xã.

Ông cũng nói thêm rằng Trung Quốc nên đẩy mạnh nghiên cứu lâm sàng về vắc-xin và thuốc chống vi-rút, cũng như mở rộng các lựa chọn mua sắm trực tuyến cho hàng chục triệu người đang buộc phải ở trong nhà để ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh này.

Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc hôm 20/2 đã kêu gọi các công ty trong lĩnh vực công nghệ tham gia giúp đỡ, đề nghị triển khai một loạt các ứng dụng công nghệ như robot, thiết bị sàng lọc thân nhiệt và các thiết bị có thể giúp giảm sự tiếp xúc của con người với con người.

Coronavirus hay phép thử cho ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc - Ảnh 2.

Một nhân viên đo thân nhiệt của người đi bộ ở Quảng Châu.

Sự phát triển công nghệ của Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu thực hiện những nỗ lực để tạo ra Thung lũng Silicon của riêng mình từ những năm 1980, khi các nhà chức trách bắt đầu chỉ định các tỉnh, thành của mình trở thành "khu vực phát triển công nghệ cao", tập trung vào điện tử tiêu dùng và công nghệ sinh học. Theo thống kê chính thức, 168 khu vực này đã báo cáo tạo ra doanh thu hơn 33 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 4,7 nghìn tỷ USD) trong năm 2018.

Công nghệ cũng là mấu chốt của sáng kiến ​​"Made in China 2025" từ chính quyền Bắc Kinh, một kế hoạch chuyển nền kinh tế từ sản xuất sang các lĩnh vực công nghệ cao. Nhiệm vụ này đòi hỏi việc đầu tư hàng tỷ USD tài trợ của chính phủ vào các lĩnh vực như truyền thông không dây, vi mạch và robot.

Và sự tập trung vào công nghệ này đã chứng tỏ giá trị của nó. Trung Quốc hiện là quê hương của 9 trong số 20 công ty công nghệ có giá trị nhất thế giới năm 2018. Theo báo cáo của công ty đầu tư mạo hiểm Kleiner Perkins, đây là "một bước nhảy vọt lớn" so với kỳ vọng chỉ có 2 công ty mà Trung Quốc đưa ra tuyên bố vào 5 năm trước đó.

Theo ông Daniel Mu, nhà phân tích công nghệ của Forrester, khi phải chiến đấu với coronavirus, công nghệ sẽ không phải là "yếu tố thống trị" để ngăn chặn sự bùng phát. Nhưng, ông cho biết lĩnh vực này có những công dụng của nó, bao gồm việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số như giao thực phẩm và thanh toán di động để giúp mọi người "đối mặt với dịch bệnh tốt hơn".

Nghiên cứu phương pháp chữa trị và loại bỏ sự tiếp xúc giữa con người

Trong tháng 2 này, Tencent đã mở ra các cơ sở dữ liệu được vận hành bởi những siêu máy tính của mình, để giúp các nhà nghiên cứu chạy đua trong việc tìm ra cách chữa trị. Viện Khoa học Đời sống Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa nằm trong số những đơn vị tham gia.

Didi, nhà cung cấp dịch vụ giao hàng lớn nhất của Trung Quốc, đã hợp tác với các tổ chức y tế và viện trợ để cho phép các nhân viên thực hiện nhiệm vụ liên quan đến phân tích dữ liệu, mô phỏng trực tuyến hoặc hỗ trợ hậu cần, được sử dụng dịch vụ của mình miễn phí.

Những công ty khác thì đang triển khai robot trong giao hàng để loại bỏ sự tiếp xúc giữa người với người.

Coronavirus hay phép thử cho ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc - Ảnh 4.

Một robot được điều hành bởi Meituan Dianping mang thức ăn cho khách hàng tại một nhà hàng ở Bắc Kinh.

"Vâng, bạn có thể gọi chúng là mánh lới quảng cáo", Eliam Huang, một nhà phân tích tại Coresight Research cho biết. "Nhưng các công ty công nghệ Trung Quốc có thể rất nhạy bén và đa năng."

Chẳng hạn như việc doanh nghiệp khổng lồ trong lĩnh vực giao hàng thực phẩm Meituan Dianping đã giới thiệu dịch vụ robot tại một số nhà hàng của đối tác ở Bắc Kinh, nơi những người máy sẽ giúp mang thức ăn từ bếp đến nhân viên giao hàng và cho khách hàng chờ đơn. Meituan cho biết muốn mở rộng chương trình sang các thành phố khác nếu thành công.

Còn gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc JD.com, đã tranh thủ sử dụng robot tự lái để mang hàng hóa đến nhân viên y tế ở thành phố Vũ Hán, trung tâm của dịch bệnh. Những con robot này, hoạt động giống như những chiếc xe cỡ nhỏ, đã chuyển các gói hàng đến các bệnh viện chủ yếu điều trị cho bệnh nhân coronavirus.

"Tuyến đường này tương đối ngắn - chỉ cách bệnh viện khoảng 600 mét - nhưng việc cắt rời con người ra khỏi lộ trình đã giúp bảo vệ khách hàng và nhân viên", Qi Kong, người đứng đầu bộ phận xe tự hành tại JD Logistics cho biết.

Coronavirus hay phép thử cho ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc - Ảnh 5.

Một robot tự lái thực hiện việc giao hàng đến bệnh viện ở Vũ Hán hồi đầu tháng này.

"Khi chúng tôi biết được tình hình ở Vũ Hán, chúng tôi đã bắt đầu xoay vòng các nguồn lực của mình ở đó", Qi nói. "Thời gian đã rất hạn hẹp. Chúng tôi chỉ mất 4 ngày để đảm bảo thuật toán của chúng tôi đã sẵn sàng, từ mô phỏng đến thực hành."

Và một công ty khởi nghiệp khác, Shanghai TMIRob, đang gửi hàng chục robot đến các bệnh viện trên khắp Vũ Hán, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc. Ở đó, chúng có nhiệm vụ phun thuốc khử trùng tại các phòng cách ly, phòng chăm sóc đặc biệt và phòng điều hành.

Sự quan tâm dành cho vấn đề giám sát

Máy bay không người lái cũng đã được đưa vào sử dụng trong thời gian dịch bệnh hoành hành.

Công nghệ này cho phép các nhà chức trách quét qua một đám đông lớn và phát hiện ra nếu ai đó cần chăm sóc y tế, theo MicroMultiCopter, một công ty khởi nghiệp về thiết bị không người lái có trụ sở tại Thâm Quyến. Đơn vị này đã gửi khoảng 100 thiết bị đi khắp cả nước. Họ cũng đã gửi gần 200 nhân viên đến các trung tâm chỉ huy, nơi có thể theo dõi những gì máy bay không người lái đang nhìn thấy trong thời gian thực.

"Cả công ty đã làm việc ngoài giờ", một phát ngôn viên chia sẻ. "Đây là cách thử nghiệm tốt nhất trong hệ thống máy bay không người lái của chúng tôi. Nó cũng là cơ hội trưng bày sản phẩm tốt nhất ra cho cả thế giới."

Coronavirus hay phép thử cho ngành công nghiệp công nghệ Trung Quốc - Ảnh 6.

Một người dân địa phương sử dụng thiết bị bay để phun thuốc khử trùng tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Nam, trung tâm của dịch bệnh tại Trung Quốc vào tháng 1.

Việc sử dụng máy bay không người lái và các công nghệ khác cũng đã khiến Trung Quốc trở thành tâm điểm chỉ trích về tình trạng giám sát trên phạm vi rộng. Một số nhóm nhân quyền quốc tế đã cảnh báo rằng các thiết bị này có thể được sử dụng để vi phạm các quyền tự do.

Nhưng nên nhớ rằng Trung Quốc từ lâu đã sử dụng nhận dạng khuôn mặt, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ khác để trấn áp tội phạm và giám sát công dân của mình. Và các công ty công nghệ như Tencent, trong nhiều năm qua đã bị cáo buộc kiểm duyệt các chủ đề nhạy cảm chính trị trực tuyến tại Trung Quốc. Đại diện của Tencent phản hồi rằng công ty luôn "tôn trọng và tuân thủ luật pháp và quy định địa phương" tại "các quốc gia mà nó hoạt động". Như vậy, rõ ràng Tencent không vi phạm các quy định pháp luật tại Trung Quốc.

Huang, nhà phân tích của Coresight Research cho biết, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc từ lâu đã được hưởng lợi từ sự hỗ trợ "từ trên xuống" của chính quyền Bắc Kinh. Chính phủ trung ương đã phân bổ 3,9% ngân sách quốc gia cho khoa học và công nghệ năm ngoái, tăng 14% so với năm trước đó.

"Điều này cho thấy chính phủ đánh giá cao sự phát triển của công nghệ và sự cống hiến của nó để thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ tiến lên phía trước", bà Huang nói.

"Sự hỗ trợ của chính quyền giúp mọi thứ diễn ra nhanh hơn", nhà phân tích này nói thêm. "Tuy nhiên, có rất ít sự phản kháng về đạo đức, càng ít sự đánh giá về đạo đức ở Trung Quốc."

Tham khảo CNN

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật

Công việc liên quan