Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Đánh giá Asus Strix GTX 1050Ti Gaming: Món quà giáng sinh cực ngầu của game thủ

Đánh giá Asus Strix GTX 1050Ti Gaming: Món quà giáng sinh cực ngầu của game thủ

Vậy là flagship Strix của Asus đã cho ra mắt chiêu bài cuối cùng của năm 2016, GTX 1050Ti O4G Gaming hứa hẹn sẽ là điểm nhấn sáng cuối đối với các sản phẩm card đồ họa của hãng này trong năm 2016. Strix là một trong những flagship khá hấp dẫn khi có một lượng fan không nhỏ kể từ những dòng card đồ họa đời trước như GTX 700 series, 900 series cho đến cả R200 series và R300 series. Strix đã xây dựng tượng đài cho riêng mình với hình ảnh đôi mắt cú vọ vô cùng sắc bén và trong thời điểm này khi Strix được gắn kèm với các biểu tượng ROG thì không khác gì hổ mọc thêm cánh. Từ những đường nét thiết kế đặc biệt cao cấp, cho đến sự tùy biến mạnh mẽ ở phần cứng đã định hình cho Strix trở thành một trong những sản phẩm cao cấp nhất của Asus. Chính vì điều này, rất nhiều fan của Asus tại phân khúc tầm trung đã mong mỏi được sở hữu những sản phẩm thuộc flagship này khi mà họ không có đủ hầu bao cho các sản phẩm hi-end như GTX 1070, 1080. Với bài review này, có lẽ fan Asus sẽ cảm thấy mát lòng mát dạ với sản phẩm ưa thích của họ.

Đập hộp sản phẩm:

 

So với vẻ ngoài của phiên bản Expedition mà chúng tôi có dịp review trước đây thì hộp của Strix thể hiện một giá trị hoàn toàn khác. Mặt trước của vỏ hộp không có quá nhiều thông tin nhưng lại trưng ra rất nhiều hình ảnh ấn tượng kích thích sự tò mò vào háo hức của game thủ. Logo Strix trong năm nay đã khá đồng bộ với hệ thống sản phẩm trong cùng flagship như mainboard hay thậm chí là laptop, một dòng chữ RGB chạy ngang qua phân nửa mặt tiền của vỏ hộp rất sắc bén, đôi mắt cú quen thuộc trước đây nay đã sáp nhập cùng với ROG để trở nên sắc bén hơn và mang tính giá trị cao hơn với logo ROG mà hãng đã dày công vun đắp hình ảnh. Chiếc GTX 1050Ti giống như một phi thuyền đang lao về phía trước chắc chắn là thứ mà các game thủ đang mong đợi khi mở lớp vỏ này lên.

 

Ở mặt sau của chiếc hộp, một vài những tính năng nổi bật nhất được trình diễn một cách trực quan và sinh động càng tăng thêm phần tò mò và háo hức cho game thủ.

 

Một trong những điểm nổi bật của Asus đối với những dòng sản phẩm cao cấp của họ là ngoài một sản phẩm đặc biệt hơn những sản phẩm khác thì người sử dụng còn được tặng kèm khá nhiều đồ chơi đi kèm. Đối với GTX 1050Ti Strix thì đây cũng không phải là ngoại lệ. Đi kèm sản phẩm luôn là những phụ kiện hấp dẫn với game thủ, ở trong trường hợp này là một bộ sticker phản quang rất tone-sur-tone để người dùng có thể dán thêm lên mặt nạ cho chiếc card của mình. Ngoài ra, 2 cọng dây có lẽ là dùng để buộc các sợi cáp bên trong thùng máy lại cũng được in logo của ROG. Một code game World of warship cũng được thêm vào cho đủ đầy những ưu đãi đến từ hãng sản xuất linh kiện đến từ Đài Loan. Điểm này cho thấy Asus khá là chiều chuộng các fan của mình. Theo như thường lệ thì một cuốn sách hướng dẫn và một đĩa driver đi kèm là những thành phần không thể thiếu.

Hình dáng và thiết kế:

 

So với phiên bản Expedition không mấy ấn tượng trước đây, GTX 1050Ti Strix khoác trên mình một vẻ ngoài cực ngầu mà bản thân tôi cũng cảm thấy thích thú. Những đường nét rất đậm chất ROG và Strix được thể hiện rõ ràng trên chiếc mặt nạ này. Nếu nhìn kĩ và chăm chú hơn thì bạn hoàn toàn có thể liên tưởng đến những đường nét trong một bộ phim khoa học viễn tưởng nào đó mà chưa kịp nhớ tên. Tuy khoác trên mình một lớp mặt nạ bằng nhựa nhám rất đơn giản và nhẹ nhàng không có chất liệu gì đặc biệt nhưng rõ ràng Asus đã rất thành công trong việc biến những vật có giá trị thấp thành những thứ cao cấp hơn, ngầu hơn và cơ khí học hơn.

 

 

 

 

 
 
 

Cạnh trên của chiếc GTX 1050Ti Strix là một logo Strix rất đúng điệu được dập nổi, bên cạnh là một logo ROG mà có vẻ như nó sẽ lên đèn nếu tôi cắm thiết bị này vào máy tính của mình. Với sự trau chuốt và tỉ mỉ này, quả là khó có thể chê được Asus ở điểm nào trong khâu thiết kế của dòng Strix.

 
 

Mặt sau của GTX 1050Ti Strix được trang bị một lớp giáp bằng kim loại phủ sơn giả nhôm xước với style quen thuộc đậm chất ROG và Strix. Có vẻ như Asus rất thích tận dụng diện tích trống trên bề mặt sản phẩm để đặt logo. Tấm kim loại này tuy đơn giản nhưng lại tăng giá trị cho GTX 1050Ti Strix rất nhiều bởi về nó không chỉ giúp cho tấm PCB được bảo vệ kĩ lưỡng mà còn làm tăng độ ngầu của sản phẩm. Là một trong số ít những nhà sản xuất chịu làm backplate cho GTX 1050Ti, các fan của Strix chắc chắn sẽ được một phen mát lòng mát dạ khi có thể ngẩng cao đầu trước các hãng sản xuất card đồ họa khác.

Chi tiết linh kiện:

 

 
 

Mạch PCB của Asus thoáng, sạch và được gia công cẩn thận tại các mối hàn linh kiện. PCB của Strix dài hơn so với bản Expedition cũng như của nhiều hãng khác. Các linh kiện đều sử dụng đều thuộc loại cao cấp. Sức mạnh của GTX 1050Ti nằm ở vi xử lý mang mã GP 107 thuộc kiến trúc FinFET 14nm của Samsung. Để cung cấp đủ năng lượng cho GPU, Asus sử dụng 4 phase nguồn thay vì 3 phase như phiên bản Expedition trước đây và mỗi phase cũng được hỗ trợ bởi 2 mosfet trở kháng thấp. Tuy nhiên so với những hình ảnh được quảng cáo trên website của Asus và thực tế thì có vẻ như họ bớt đi 1 mosfet trên mỗi phase nguồn và đầu chờ trên PCB vẫn còn đó. Về phần bộ nhớ, có vẻ các hãng sản xuất card đồ họa vẫn tin dùng chip nhớ của Samsung trên các sản phẩm của họ và Asus cũng vậy.

 
 
 

 

 

Hệ thống tản nhiệt của VGA trong phiên bản này cũng tốt hơn phiên bản trước rất nhiều với nhiều rãnh hơn và có thêm sự dẫn nhiệt đến từ 2 ống đồng 6mm với tên gọi riêng của hãng là Direct CU II. Để làm mát dàn kim loại tản nhiệt này, Asus sử dụng 2 quạt 80mm tương tự như các nhà sản xuất khác.

 

Để bổ sung năng lượng cho GTX 1050Ti Strix một chân nguồn 6 pin cũng đã được thêm vào. Nhìn chung thì chúng ta có thể đoán sơ qua hiệu năng của chiếc card đồ họa này, hứa hẹn một khả năng ép xung tốt hơn so với phiên bản trước.

 
 

Hệ thống led:

Tuy chỉ có một logo ROG nhỏ mà chúng tôi có nhắc qua ở phần trước là được trang bị đèn LED nhưng nó đặc biệt ở chỗ đây là LED RGB với khả năng đồng bộ màu sắc với các linh kiện cùng dòng như Mainboard Asus Strix và LED strip (gọi nôm na là các dải led trang trí case máy tính) thông qua một phần mềm mang tên Aura Sync.

Kết nối:

 

Khá linh hoạt trong việc kết nối với thiết bị hiển thị, GTX 1050Ti Strix được trang bị 2 cổng Dual-link DVI-D, 1 cổng HDMI 2.0 và 1 cổng DisplayPort 1.4 để đảm bảo người sử dụng có thể trải nghiệm ở nhiều nơi với nhiều kết nối khác nhau từ TV, màn hình vi tính, máy chiếu v.v…

Hiệu năng:

Với một vẻ ngoài ấn tượng, chắc hẳn người sử dụng cũng rất mong đợi vào hiệu năng của sản phẩm trên là không hề nhỏ. Quả thực, bản thân tôi sau khi được ngắm nghĩa kĩ lưỡng từ xa đến gần, kết quả trên những bài test được tôi kì vọng rất lớn.

Đây là phiên bản được ép xung sẵn cho nên nền xung nhịp của GTX 1050Ti Strix cao hơn so với mức xung đưa ra của Nvidia. Cụ thể mức xung đo được ở bản này là Base clock/Boost clock đạt 1380Mhz/1493Mhz. Xung bộ nhớ thì vẫn được giữ nguyên ở 1752Mhz

Chạy trên cấu hình thử nghiệm:

Main: Asus Strix Z270G Gaming

CPU: Intel Core i5 6600K

RAM: Averxir Core Series 16Gb bus 2400Mhz

VGA: Asus Strix GTX 1050Ti Gaming

Overclocking:

Đối với GTX 1050Ti Strix, chúng tôi đã cố gắng giữ cho toàn bộ hệ thống ổn định trong suốt quá trình ép xung. Mức xung nhịp cao nhất mà chiếc VGA có thể đạt được là Base clock 1537Mhz và 1650Mhz đối với boost clock, xung bộ nhớ cực đại đạt 1850Mhz. Và đây là những con số mà GTX 1050Ti Strix có thể đạt được, khoảng 11% cho GPU và 6% cho bộ nhớ. Đây là mức xung nhịp khá ổn và qua mặt GTX 1050Ti của khá nhiều nhà sản xuất có tên tuổi khác.

Bài test 1: 3D Mark Fire Strike FHD 1080p

 

Ở bài test này GTX 1050Ti Strix bỏ xa người tiền nhiệm GTX 960 Strix một khoảng khá nhiều. Tuy nhiên với mức điểm này thì vẫn chưa thể vượt qua RX 470 được. Nhưng rõ ràng là chiếc card đồ họa của chúng ta đã làm khá tốt nhiệm vụ của nó. Ở mức khá đối với dòng GTX 1050Ti.

Bài test 2: Metro Last Light 1080p High/VeryHigh Setting

 

Ở tựa game này, GTX 1050Ti Strix có thể dễ dàng gồng gánh hệ thống một cách mượt mà khi đạt 80fps ở High setting. Gặp khó khi lên Very High setting, game chỉ chạy được 26 fps với card đồ họa này. Nếu so với mức 90 fps của RX470 thì đúng là GTX 1050Ti còn thua kém nhưng nếu so với GTX 960 thì GTX 1050Ti đúng là rất đáng đồng tiền bát gạo.

Bài test 3: FarCry Primal 1080p High/Ultra Setting

 

Đối với tựa game này, game thủ có thể yên tâm chơi mượt mà ở 61fps với High setting và 51fps với Ultra setting. Tất cả đều nhỉnh hơn GTX 960 và GTX 1050Ti bản Expedition một chút.

Năng lượng tiêu hao và nhiệt độ:

 

Mức năng lượng tiêu hao của GTX 1050Ti Strix không lớn lắm, chỉ khoảng 88.8W đo được trong điều kiện OC và 86.5W đo được trong chế độ full load thông thường. So với RX 460 hay GTX 960 có điện năng tiêu thụ cao hơn thì GTX 1050Ti Strix quá ổn về cả năng lượng lẫn hiệu năng.

Ở chế độ full load mức nhiệt đo được với GTX 1050Ti Strix là 58 độ thấp hơn rất nhiều so với GTX 960 và RX 460 và quạt chạy lúc này cũng không thực sự ồn khi mà chỉ phát ra âm có 38dB(A) tức là phải yên tĩnh lắm mới có thể nghe thấy được đặc biệt là khi nằm trong thùng máy thì con số này chỉ còn 30dB(A)

Tổng kết.

 

Một mức hiệu năng “ổn áp” và một thiết kế không thể chê vào đâu được, Asus Strix GTX 1050Ti Gaming chắc chắn sẽ làm hài lòng những game thủ hay người yêu công nghệ khó tính nhất. Tuy nhiên là để đồng bộ và nâng cao tính thẩm mĩ thì lời khuyên cho các game thủ là hãy nán lại vài ngày và chờ đợi dòng mainboard Z270 của Asus sắp ra mắt nhé, những tính năng cực hấp dẫn dành cho cả 2 sản phẩm trên sẽ được hé lộ ở bài viết sau.

Ưu điểm:

- Thiết kế đẹp

- Hiệu năng ổn

- Điện năng tiêu thụ và nhiệt độ thấp

Nhược điểm:

- Sử dụng đồng bộ linh kiện hỗ trợ Aura sync mới phát huy hết vẻ đẹp của Asus Strix.

Xin cảm ơn công ty Máy Tính Hà Nội (Hanoi Computer) đã hỗ trợ chúng tôi thực hiện bài viết này!

 

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự