Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Đánh giá bo mạch chủ Asus Strix Z270G Gaming: Chiến binh đầu tiên của quân đoàn Kaby Lake đã đổ bộ Việt Nam

Đánh giá bo mạch chủ Asus Strix Z270G Gaming: Chiến binh đầu tiên của quân đoàn Kaby Lake đã đổ bộ Việt Nam

Vậy là một năm mới 2017 đã bước qua những ngày đầu tiên. Trong ngày hôm nay, thế hệ vi xử lý mới của Intel mang tên Kabylake sau khoảng thời gian âm ỉ sôi sục trong cộng đồng công nghệ đã chính thức được tung ra những thông tin chính thức. Tuy không ấn tượng như việc nâng cấp tiến trình 22nm trên Haswell lên 14nm Skylake cách đây 2 năm với hàng loạt thay đổi về hiệu năng đáng kinh ngạc, nhưng Kabylake cũng có những cải tiến vô cùng đáng giá khiến người yêu công nghệ không thể ngồi yên. Cùng với những sự thay đổi về vi xử lý, các thế hệ bo mạch chủ mới cũng được trang bị chipset mới nhằm tương thích tốt hơn với Kabylake và cũng nhân cơ hội này, các nhà sản xuất cũng tranh thủ trang bị thêm những công nghệ mới, tính năng mới cực hấp dẫn lên những đứa con của mình mà bất cứ game thủ nào cũng phải thèm muốn.

Là một trong những nhà sản xuất bo mạch chủ hàng đầu trên thế giới sở hữu lượng fan vô cùng đông đảo vì thế nên việc chiều lòng các tín đồ công nghệ đã trở thành thói quen tốt đẹp mà hãng đã xây dựng được trong nhiều năm trên thị trường. Những hình ảnh “thả thính” xuất hiện từ khá sớm về dòng bo mạch chủ mới toanh của hãng, Asus làm nóng thị trường lên rất nhanh. Hiện tại Genk.vn cũng là một trong những đơn vị may mắn có trên tay những sản phẩm thuộc dòng chipset cao nhất của Kabylake có mã Z270. Sản phẩm này nằm trong những flagship cực kì quan trọng của Asus là ROG và Strix. Chỉ cần thấy hai cái tên này xuất hiện thôi là các fan Asus chắc chẳn sẽ liên tưởng đến một sản phẩm vô cùng hoàn mĩ từ vẻ đẹp đến hiệu năng rồi. Và có lẽ là nhà sản xuất sẽ không làm người hâm mộ của mình phải thất vọng.

Bao bì sản phẩm

 

Sản phẩm có mặt sớm nhất ở Genk.Vn trong đợt ra mắt này mang tên Asus Strix Z270G Gaming, với hậu tố G ở phía sau của mã Z270, điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có sẽ có nhiều hơn một sản phẩm bo mạch chủ Strix Gaming.

 

Xét về hình dáng, kích thước của hộp không lớn lắm vì thế nên chúng tôi đã mường tượng đến một bo mạch chủ thuộc size mATX. Thiết kế trên hộp được làm theo phong cách Strix quen thuộc mà chúng tôi đã giới thiếu ở những sản phẩm trước đây. Nhìn qua loa thì chúng ta có thể hình dung được phần nào hình dáng của Z270G Gaming ở mặt trước của hộp cùng với những tính năng nổi bật như hỗ trợ Intel Kabylake hay loại SSD mới mang tên Octane cũng đang chờ ngày được Intel cho ra mắt. Cùng với đó ta cũng có thể thấy một vài tính năng khá hấp dẫn khác như Aura sync có vẻ sẽ liên quan đến các hiệu ứng ánh sáng hay là thiết kế thân thiện với các sản phẩm in 3D – một trong những công nghệ đang được phát triển hiện nay.

 

Ở mặt sau thì toàn cảnh của chiếc bo mạch chủ kèm các chú thích và giới thiệu tính năng đến từ nhà sản xuất được đặt ở đây. Và đúng như chúng tôi nghĩ, đây là một bo mạch chủ Z270 size mATX.

Phụ kiện đi kèm:

 

Đúng là Asus rất biết cách chiều lòng các fan của mình khi cung cấp cho họ rất nhiều đồ chơi đi kèm. Như chúng ta có thể thấy ở đây là hàng loạt sticker mang logo Strix hoặc ROG với đủ kích cỡ màu sắc khác nhau cho game thủ tha hồ lựa chọn. Ngoài ra một chiếc lót ly với biểu tượng ROG chắc chắn sẽ hiện diện trên góc học tập của những ai sở hữu sản phẩm này bởi nó được thiết khá là bắt mắt

 
 

Những phụ kiện đi kèm không thể thiếu của Z270G Gaming bao gồm: Một miếng chặn khu vực I/O quen thuộc, một dụng cụ hỗ trợ lắp CPU cho các bạn nào sợ làm cong chân socket, một antenna dùng cho wifi tích hợp, cáp SATA III 6Gb/s và đặc biệt là một dây 4 pin hỗ trợ các led strip RGB chính hãng và một cầu SLI HB dạng cứng của Asus. Bên cạnh đó những cuốn sách hướng dẫn sử dụng, CD chứa trình điều khiển và tiện ích được cung cấp bởi Asus cũng có mặt ở đây. Một thẻ ưu đãi giúp người sử dụng giảm giá 20% khi mua các sợi cáp nguồn mod để trang bị cho hệ thống của mình thêm hấp dẫn.

Chi tiết sản phẩm:

 

Với kích thước mATX nhỏ nhắn và không có nhiều sự khác biệt đến từ thiết kế, chúng ta vẫn thấy Z270G Gaming vẫn toát lên vẻ mạnh mẽ của một sản phẩm flagship. PCB của bo mạch chủ mang một màu nền đen thường thấy ở các sản phẩm gaming hiện nay và nổi bật lên trên đó là các vân trắng nhìn rất nổi bật và bắt mắt.

Hệ thống tản nhiệt:

Vẻ bề ngoài của các khối tản mosfet và PCH từ lâu đã định hình rất nhiều cho thiết kế của một bo mạch chủ vì thế chúng ta sẽ ngắm nhìn một chút về những phiến tản nhôm này.

 

Ở khu vực phase nguồn, có 2 miếng tản mosfet lớn quen thuộc được tạo khối nhìn rất sắc bén mà có lẽ chỉ cần nhìn thôi cũng có thể khiến chúng ta rùng mình về những vết cắt. Tuy nhiên đó chỉ là tạo hình của nhà sản xuất để tăng độ ngầu của sản phẩm khi chúng ta nhìn trực diện thôi chứ không ai lại muốn người sử dụng bị thương với sản phẩm của mình cả. Cả 2 phiến tản này được phủ một lớp nhôm xước nhìn khá lạnh kèm theo đó là các vệt trang trí giống như những vết cắt trên bề mặt. Ở miếng tản bên trái có logo Strix lớn nhìn rõ rang và luôn đập vào mắt người xem như một sự nhắc nhở về flagship đáng tự hào này của hãng.

 
 

Đối với miếng tản PCH thì lại là một khối lớn với tạo hình bề mặt sử dụng 2 chất liệu riêng biệt. Trong khi một phần nhỏ bên dưới tiếp tục sử dụng bề mặt kim loại thì ở phần còn lại của phiến tản là một mặt nhựa lớn với họa tiết giống như bề mặt kim cương hoặc một loại đá quý gì đó với hiệu ứng phản quang trên nền đen bong tạo nên một vẻ sang trọng cho phiến tản này. Để ý kĩ hơn một chút chúng ta có thể thấy logo ROG đặt ở bên trên là trong suốt cho ánh sáng xuyên qua, có thể đây là vị trí của hiệu ứng led trên bo mạch chủ.

Hệ thống nguồn:

Hệ thống cấp nguồn chính của bo mạch chủ vẫn thông qua cổng 24 pin mà chúng ta vẫn sử dụng. Đối với CPU, Z270G Gaming sử dụng đầu 8pin thông dụng, hệ thống nguồn được điều khiển bởi 9 cụm phase nguồn đặt cạnh khu vực CPU.

Các hệ thống giao tiếp chính

Bộ nhớ trong: Cũng giống như hầu hết các dòng bo mạch chủ Z170 cũ, Z270G Gaming được trang bị 4 khe cắm RAM hỗ trợ DDR4 non-ECC và chạy ở chế độ kênh đôi (dual channel).

Khe mở rộng PCI-e:

 

Z270G Gaming có 2 khe PCI-e x1 và 2 khe x16. Điều này đảm bảo cho cỗ máy sử dụng bo mạch chủ này có khả năng chạy SLI 2 VGA GTX 1070 hoặc 1080 một cách dễ dàng. Các khe PCI-e x16 được bọc một lớp giáp kim loại ở 2 bên hông, không biết sự gia cố này có nhằm vào các dòng VGA hi-end hay không khi mà khối lượng của chúng có phần hơi quá tải so với sức chịu đựng của các khe PCI-e thông thường và dẫn đến hiện tượng cong vênh nếu không có sự giúp đỡ của các thanh chống. Bên cạnh đó nếu để ý kĩ hơn một chút thì ta thấy phần chốt của khe PCI-e có thiết kế hình phi thuyền nhìn rất đã mắt, điều này cho thấy được sự tinh tế của Asus khi thiết kế các bo mạch chủ.

 

Cổng USB: Trên Z270G Gaming chúng tôi đếm được sự xuất hiện của 2 cổng USB 2.0 thường lệ nằm ở cạnh dưới của bo mạch chủ, bên cạnh là một cổng USB 3.0. Ở vị trí thường xuất hiện cổng USB 3.0 cho front panel có một sự thay đổi nhỏ khi cổng USB 3.0 thường thấy ở bo mạch chủ Skylake biến thành cổng cho USB 3.1. Chúng ta có thể thấy được việc chuyển giao công nghệ từ USB 3.0 sang USB 3.1 đang diễn ra một cách từ từ và âm thầm.

 

Cổng M.2: Thông thường ở các dòng bo mạch chủ trước đó, số lượng cổng M.2 khá ít ỏi thường là 1 cái duy nhất. Bởi mục đích sử dụng các SSD sử dụng giao tiếp NMVe là chạy các chương trình yêu cầu tốc độ cao để đảm bảo trải nghiệm mượt mà chứ không phải để lưu trữ các dữ liệu thông dụng. Vì thế nên ứng dụng của SSD NVMe có phần hạn chế mà vì thế họ cũng giới hạn số lượng cổng M.2 lại. Nhưng ở Z270G chúng ta thấy sự hiện diên của 2 cổng M.2 trên bo mạch chủ. Tuy nhiên chúng không phải tất cả trong số chúng đều ở những vị trí thường thấy. Một trong những cổng M.2 của Z270G Gaming lại được đặt ở phần sau của bo mạch chủ. Điều này thể hiện được việc SSD NVMe ngày càng thông dụng hơn và việc xuất hiện nhiều hơn một cổng M.2 sẽ thay đổi hành vi sử dụng thiết bị lưu trữ của người sử dụng. Tuy nhiên việc đặt cổng M.2 ở khu vực sau bo mạch sẽ gặp một vài bất cập nho nhỏ nếu như loại vỏ máy tính bạn sử dụng sẽ che mất phần khe cắm đó. Tức là bạn sẽ phải tháo bo mạch chủ ra nếu như bạn muốn lắp thêm SSD hay thay thế nó.

 

SATA III 6Gb/s: Vẫn không có quá nhiều đột phá trong lĩnh vực lưu trữ truyền thống vì thế nên cổng SATA III vẫn sẽ còn chỗ đứng trên thị trường công nghệ. Z270G Gaming có khả năng giao tiếp tối đa với 6 cổng nhưng mà xét cho cùng thì với người sử dụng phổ thông thì họ sẽ khó lòng mà sử dụng hết cả 6 cổng SATA III.

Các khu vực khác:

 

Mảng âm thanh của Z270G Gaming được hỗ trợ bởi một cụm xử lý có tên là SupremeFX với 9 tụ điện vàng chuyên dùng cho các sản phẩm âm thanh đến từ hãng Nichicon của Nhật với ngưỡng 16V hứa hẹn một chất lượng âm thanh vừa đủ tốt

Khu vực I/O:

 

Đây là một khu vực có khá nhiều điểm đặc biệt. Điều đầu tiên chúng ta có thể thấy được rõ nhất là một card Wifi tích hợp được gắn luôn lên bo mạch chủ. Điều mà Asus mới chỉ làm ở một phải dòng sản phẩm cực kì cao cấp của họ như Maximus chẳng hạn.

USB 3.1 type A và C tuy chưa có nhiều ứng dụng nên cũng khá là khiêm tốn khi mà chỉ hỗ trợ mỗi loại một cổng duy nhất. Sự biến mất của cổng DVI-D cho thấy được rằng Kabylake nói chung và Asus nói riêng đang nhắm vào việc phát triển khả năng xử lý đồ họa trên CPU với chất lượng cao nên chúng ta sẽ chỉ thấy một cổng HDMI 2.0 và một Displayport 1.4. Cổng LAN khá nổi bật với màu đỏ và một chip điều khiển mang tên LAN Guard được hứa hẹn là tối ưu hóa đường truyền mà tránh tình trạng tịt đi đâu được. Ngoài ra là các cổng USB 3.0 truyền thống và các ngõ ra âm thanh vẫn được trang bị đầy đủ.

Hệ thống đèn led:

 

Hệ thống đèn led của Z270G Gaming được đặt ở PCH cùng với led trên các linh kiện khác như VGA, dây led trang trí được điều khiển thông qua phần mềm được cung cấp bởi Asus mang tên Aura sync với khả năng đồng bộ ánh sáng của những linh kiện kể trên theo các chế độ led RGB rất bắt mắt và thú vị.

Tính tương thích:

Chúng tôi đã sử dụng CPU Skylake để chạy thử trên bo mạch chủ Kabylake và nó khá là ổn định chưa xảy ra hiện tượng gì trong suốt quá trình test. Như vậy là Chipset Kabylake có khả năng tương thích ngược với Skylake.

Hiệu năng:

Cấu hình thử nghiệm:

Main: Asus Strix Z270G Gaming

CPU: Intel Core I5-6600K

RAM: Avexir Core Series 4 x 4Gb Bus 2400Mhz

VGA: Galax GTX 1070 EXOC

Bài test 1: Super PI 32M

 

Ở bài test này, chúng tôi kết hợp với việc đẩy mức xung boost của core i5-6600k lên cao kèm theo can thiệp một chút vào bộ nhớ trong. Super PI 32M là công cụ giải thuật toán dựa trên việc giải số PI thường sử dụng để xét khả năng xử lý kết hợp giữa CPU và RAM. Thì với kết quả ở đây chúng ta có thể thấy đc sau 24 vòng lặp thì thời gian để tính toán xong phép tính này là 8 phút 41.816 giây so với cùng những phần cứng trên nhưng chạy trên nền tảng Z170 là 9 phút 03.047 giây là một con số đáng kể.

Bài test 2: AIDA 64

 

Với bài test này chúng tôi thực hiện các tool benchmark CPU trên phần mềm AIDA 64 khá là toàn diện. Từ xung nhịp, cho đến băng thông, khả năng giải hình v.v Và kết quả cho thấy rằng với bo mạch chủ Kabylake mới thì dù có sử dụng CPU cũ thì một phần nào đó hiệu năng cũng trở nên khá hơn nhiều.

 
 
 
 

 

 

Tổng kết:

Tuy mới chỉ là dòng bo mạch chủ mATX nhưng cách mà Asus thuyết phục chúng tôi nằm ở phần thiết kế đơn giản, tinh tế đầy tính góc cạnh thể hiện được độ cứng cần thiết của sản phẩm. Gợi lên không khí hào hứng khi chơi game của người sử dung. Bên cạnh đó họ không quên lựa chọn những mảnh ghép tốt nhất, phù hợp nhất để mang đến cả những hiệu năng ấn tượng cho dòng chipset Kabylake mới này.

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự