Điều này không chỉ cho thấy nỗ lực đa dạng địa điểm sản xuất của Apple mà còn tầm quan trọng ngày càng cao của Việt Nam với công ty này.
Theo nguồn tin của Nikkei Asia, những biện pháp phong tỏa ngặt nghèo của Thượng Hải nhằm kiềm chế dịch Covid đang buộc Apple lần đầu tiên đưa hoạt động sản xuất iPad ra bên ngoài Trung Quốc và chuyển hướng tới Việt Nam do lo ngại sự gián đoạn nguồn cung kéo dài.
Các nguồn tin cho biết, Apple còn đang yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện tích lũy lượng lớn hàng tồn kho để đề phòng tình trạng thiếu hụt và sụt giảm nguồn cung trong tương lai.
Theo Nikkei, BYD, một trong những hãng lắp ráp iPad hàng đầu cho Apple đang giúp đỡ người khổng lồ công nghệ này xây dựng dây chuyền sản xuất ở Việt Nam và có thể bắt đầu sản xuất một lượng nhỏ các tablet này ở đây.
Nếu điều này xảy ra, iPad sẽ là dòng sản phẩm chính thứ hai của Apple được lắp ráp ở Việt Nam, sau các dòng tai nghe không dây AirPods. Động thái này không chỉ cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Apple nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng mà còn cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam đối với hãng công nghệ này. Năm ngoái, Apple xuất xưởng được 58 triệu iPad, với phần lớn các nhà cung cấp được tập trung ở Trung Quốc.
Theo Nikkei, tháng Một năm ngoái, Apple từng tính đến việc chuyển sản xuất iPad sang Việt Nam, nhưng việc gia tăng đột ngột các ca nhiễm Covid trong vài tháng sau đó đã làm kế hoạch này bị gián đoạn.
Bên cạnh việc đa dạng hóa địa điểm sản xuất, để bảo vệ hơn nữa chuỗi cung ứng khỏi bị gián đoạn, Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp bổ sung thêm các nguồn cung ứng cho những thành phần như bảng mạch in, các bộ phận cơ khí và điện tử, đặc biệt là các bộ phận được sản xuất trong khu vực Thượng Hải.
Không chỉ vậy, Apple còn yêu cầu các nhà cung cấp phải đảm bảo nguồn cung ứng chip, đặc biệt các chip liên quan đến năng lượng, dành cho những chiếc iPhone sắp ra mắt. Cụ thể, Apple đang yêu cầu các nhà cung cấp bên ngoài khu phong tỏa tích trữ lượng hàng tồn kho có thể sử dụng trong nhiều tháng. Yêu cầu này áp dụng cho mọi dòng sản phẩm của Apple – iPhone, iPad, AirPods và MacBook.
Tuy vậy, một nguồn tin của Nikkei cho biết, sẽ rất rủi ro cho bất kỳ nhà cung cấp nào tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của Apple khi có dấu hiệu cho thấy, nhu cầu về thiết bị điện tử tiêu dùng đang chậm lại do lạm phát và chi phí năng lượng gia tăng. Nếu Apple không sử dụng hết lượng hàng tồn kho này, các nhà cung cấp có thể bị bỏ rơi.
Một giám đốc chuỗi cung ứng nói với Nikkei: "Kho hàng dự trữ bổ sung đó có thể trở thành gánh nặng khổng lồ cho các nhà cung cấp nếu việc sản xuất của các nhà cung cấp khác không bị gián đoạn bởi phong tỏa lần nữa." Đồng thời ông cũng bổ sung rằng, dù phần lớn các nhà cung cấp đều đồng ý gia tăng lượng hàng tích trữ, nhưng "chắc chắn không" tăng nguồn cung đủ để bù đắp cho việc thiếu hụt của các đối thủ khác.
Trong khi đó, chính quyền Thượng Hải cho biết, họ sẽ mở cửa hơn nữa thành phố từ 1 tháng Sáu này, với trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
"Chúng tôi sẽ hủy bỏ mọi biện pháp hạn chế vô lý để các công ty có thể tiếp tục hoạt động và sản xuất." Tuyên bố của chính quyền cho biết. Thành phố cũng cho biết, họ sẽ trợ cấp chi phí cho các công ty vì những biện pháp phòng ngừa Covid.
GenK