Ngay cả sau một số sự cố bảo mật trầm trọng (ví dụ, lỗ hổng root trên macOS gần đây), Apple vẫn luôn được đánh giá cao trong thế giới doanh nghiệp. Lý do không nằm ngoài sự... thiếu hụt tính năng của iOS và macOS: với bản chất là những khu vườn đóng, phần mềm của Táo cũng ít có khả năng bị tấn công hơn.
Chính lợi thế này đã giúp Apple đạt được những bước tiến nhất định trong việc chinh phục một thị trường đặc biệt: doanh nghiệp. Liên tiếp nhiều tên tuổi lớn trong giới doanh nghiệp bắt tay với Táo, bao gồm IBM, Cisco, SAP, GE, Accenture và Deloitte. Số liệu tháng 8 năm ngoái cho biết thị phần của Apple trên mảng di động dành cho doanh nghiệp vào khoảng 80%.
Thế nhưng, cũng giống như cách Android đã bứt phá để bỏ qua Apple trong cuộc chiến phổ thông, vị thế dẫn đần của Apple trong mảng doanh nghiệp có thể sẽ sớm bị chấm dứt. Kẻ dẫn đầu cho cuộc lật đổ đó, không mấy bất ngờ, sẽ lại là Samsung.
Bởi, trong suốt những năm tháng vừa qua, Samsung đã trở thành tên tuổi duy nhất đi tìm cách “vá” khiếm khuyết lớn nhất của Android: bảo mật. Ngay từ 2014, gã khổng lồ Hàn Quốc đã xây dựng một nền tảng bảo mật của riêng mình nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho các dữ liệu công việc và quản lý chúng một cách dễ dàng (không mâu thuẫn với dữ liệu cá nhân). Một số tổ chức uy tín như Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ NSA và Lầu Năm Góc đều đã kiểm thử và chấp nhận Knox.
Sự kiện Samsung vén màn dịch vụ thanh toán di động của riêng mình (cạnh tranh trực tiếp với Google Pay) vào năm 2015 lại là một minh chứng khác cho năng lực phần mềm của Samsung. Kết hợp nhiều công nghệ mới (trọng tâm là tokenization), Samsung Pay nhanh chóng trở thành lựa chọn sáng giá cho người dùng di động nhờ vào độ bảo mật cao cùng tính tiện dụng vượt trội: so với 2 đối thủ Apple và Google, chỉ duy nhất Samsung Pay hỗ trợ các loại thẻ từ MST truyền thống.
Cũng trong năm 2015, mảng di động tại Samsung được giao phó vào tay một vị lãnh đạo đặc biệt: DJ Koh. Với kinh nghiệm dày dặn trong mảng phần mềm, ông Koh nhanh chóng thổi một luồng gió mới vào Galaxy. Suốt 3 năm qua, trải nghiệm smartphone Samsung đã không còn gắn với những phần mềm thừa thãi gây chậm giật phần cứng.
Đáng kinh ngạc hơn, những tính năng phần mềm vượt trội như DeX (desktop ngay trên smartphone) hay Bixby Vision (nhận diện tên gọi vật thể) đã bắt đầu chứng minh vị thế của Samsung trong giới phần mềm.
Với Galaxy S9, hướng đi mới của Samsung bắt đầu tiến đến một mục tiêu mới: thị trường doanh nghiệp. Những thế mạnh của Samsung dành cho người dùng phổ thông nay bắt đầu được tinh chỉnh để phục vụ cho những người dùng chuyên nghiệp, đẳng cấp.
Ví dụ, tính năng đa nhiệm vốn do Samsung tiên phong trên Android từ 2014 nay đã được cải tiến để trở nên mượt mà hơn; tiến trình trao đổi dữ liệu giữa các ứng dụng cũng được . Bộ dock DeX được cải tiến thành một “pad” hỗ trợ để đem đến trải nghiệm desktop gần hơn với Windows cảm ứng. AI và AR được tận dụng để đem lại những tính năng “trợ lý” thực thụ, từ dịch tự động đến cung cấp thông tin “ảo” trên hình ảnh thực.
Bên cạnh những tính năng mới, Samsung thậm chí còn cung cấp cả một phiên bản đặc biệt (Enterprise Edition) để các doanh nghiệp có thể triển khai chiếc Galaxy S9 một cách dễ dàng tới người dùng chuyên nghiệp.
Đây sẽ không phải là một cuộc chiến dễ dàng. Thế nhưng, vị thế của Samsung trên thị trường phổ thông cũng không được xác lập chỉ trong một ngày. Với chiến trường doanh nghiệp, ngay từ bây giờ “kẻ thách thức” Samsung đã có sẵn một số lợi thế cốt lõi: nền tảng bảo mật/dữ liệu riêng; hạ tầng với nhiều loại thiết bị wearable, Internet of Things; sự hiện diện trong nhiều ngành công nghiệp trọng điểm và trên hết là những chiếc smartphone thực sự cao cấp.
Trên đỉnh cao, kẻ thống trị Apple sẽ phải dè chừng: với Galaxy S9, Samsung sẽ sớm tung ra những cú đấm thép để tước lấy vị trí số 1 của Táo.
Nguồn: Genk.vn