Từ khi Uber bán lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á cho Grab vào tháng 4, Grab gần như đã trở thành kẻ thống lĩnh thị trường Việt Nam. Những cái tên Việt như VATO, T.NET hay ABER đến nay chưa để lại dấu ấn chưa thể là một sự lựa chọn ngang tầm với Grab. Các chương trình khuyến mãi ban đầu chưa đủ hấp dẫn và dài hơi để lôi kéo một lượng lớn khách hàng cũng như tài xế.
Những ngày này, đường phố TPHCM đã thấp thoáng những lái xe trang phục đỏ của Go Việt xen lẫn màu chủ đạo là màu xanh lá của Grab trong mảng đi xe máy chung. Cụ thể, trong vòng bán kính 8 km từ điểm đón xe đến điểm đến, khách hàng chỉ cần trả 5.000 đồng khi đặt xe qua ứng dụng Go Việt.
Người sáng lập Go-Jek và Grab là bạn học cùng Harvard. Go - Jek vào Việt Nam với cái tên Go Việt.
Grab chắc chắn cần phải vô cùng thận trọng với người "đồng hương" Đông Nam Á này. Những chương trình hỗ trợ mà Go Việt đang áp dụng để thu hút khách hàng đáng ngại một phần, thì những chính sách công ty này sử dụng để thu hút cánh tài xế sẽ càng uy hiếp Grab dữ dội hơn.
Go Việt tung ra mức thưởng 220.000 đồng/ngày, có thể lên tới 6,6 triệu đồng/tháng cho mỗi tài xế chạy tốt
Đặt một cuốc Go Việt từ Bình Thạnh đến quận 3, TP HCM, người tài xế chở tôi tên Huỳnh, một cựu tài xế Uber, chạy Go Việt được 2 tuần.
Theo lời anh Huỳnh, những tài xế của Uber như anh nộp đơn vào Go Việt rất nhanh được chấp nhận, bởi đã có kinh nghiệm và lịch sử từng lái cho Uber.
Hiện giờ Go Việt đang khuyến mại 5.000 đồng/chuyến trong vòng bán kính 8 km từ điểm đón đến điểm dừng. Mỗi ngày, chạy ít nhất 13 cuốc là anh được thưởng 220.000 đồng, chạy đủ chỉ tiêu trên thì anh có thể nghỉ sớm. Nếu ngày nào cũng được thưởng 220.000 đồng, cả tháng tài xế sẽ được thưởng 6,6 triệu đồng.
“Ngày nào tôi cũng được thưởng 220.000 kể từ ngày bắt đầu chạy”, anh Huỳnh cho biết.
Anh Huỳnh được ưu đãi 6 tháng không cần nộp đồng phí nào cho Go Việt. Với chương trình khuyến mại 5.000 đồng/cước (thu từ khách) và 25.000 đồng từ Go Việt, mỗi cuốc anh thu được 30.000 đồng. Mỗi ngày chạy khoảng 20 cuốc như vậy, anh được 600.000 đồng, cộng với tiền thưởng 220.000 đồng nữa, thu nhập của anh khá ổn.
Trong một cuốc khác, từ quận 1 đến quận 3, một tài xế trẻ tuổi cho biết anh chạy từ sáng đến lúc đón tôi (11h trưa) được 12 cuốc. “Em chạy một chuyến nữa là nghỉ, vì được 13 chuyến là được thưởng 220.000 đồng”, tài xế tên Chinh nói với tôi.
Theo anh Chinh, rất nhiều tài xế trước đây chạy cho các hãng đang nộp đơn vào Go Việt vì với thu nhập như hiện tại, nhiều tài xế khá hài lòng.
Không những chi khuyến mãi đậm để thu hút khách hàng, Go-Viet còn có những chính sách để lôi kéo tài xế. Ngoài phát miễn phí đồng phục, mũ bảo hiểm (giống Grab những ngày đầu), công ty này còn hỗ trợ thêm phí cho tài xế cho mỗi chuyến.
Tài xế Grab cần tiền hay cần khách?
Trước sức ép từ các đối thủ mới gia nhập ngành, đặc biệt là Go Việt, Grab đã bắt đầu có những động thái thể hiện sự "quan tâm" nhiều hơn đến các đối tác tài xế.
Ngày 8/8, Grab công bố chương trình: “Nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần” áp dụng cho các đối tác GrabBike, GrabBike Premium và GrabExpress tại TP.HCM từ ngày 6/8/2018 cho đến khi có thông báo tiếp theo.
Để có thể nhận lại ngay 5% doanh thu mỗi tuần, các đối tác GrabBike, GrabBike Premium, GrabExpress đang hoạt động tại TP.HCM chỉ cần hoàn tất tối thiểu 7 cuốc xe mỗi tuần (tính từ thứ hai đến chủ nhật). Các điều kiện đi kèm gồm có: Đảm bảo giữ tỷ lệ nhận cuốc đạt 90% trở lên với đánh giá sao từ 4.8, không từ chối hoặc huỷ cuốc xe thanh toán qua GrabPay hay cuốc xe được đặt với mã khuyến mãi.
Như vậy, những tài xế Grab đủ tiêu chuẩn trên sẽ chỉ phải trả 15% hoa hồng cho Grab sau khi nhận được 5% tiền hoàn lại. Trước khi có chương trình này, tài xế vẫn phải trả 20% chiết khấu.
Mặc dù Grab đã có những hỗ trợ tăng thêm với các đối tác lái xe, tuy nhiên "tiếng xấu" về tài xế Grab vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm, thậm chí càng ngày càng khiến nhiều khách hàng bức xúc nhiều hơn.
Suốt một tháng qua, trên fanpage chính thức của Grab, hàng loạt hành khách đã để lại bình luận thể hiện thái độ vô cùng thất vọng với thái độ phục vụ của nhiều Graber khi những tài xế này liên tục hủy chuyến. Không chỉ hủy chuyến không lý do, nhiều tài xế Grab còn làm khó hành khách khi nhận chuyến rồi lại... không đến chở, để khách sốt ruột quá phải tự bấm hủy chuyến. (: Độc quyền, Grab bị khách hàng than vãn huỷ cuốc không lý do )
Tình trạng tài xế Grab bao gồm cả GrabBike và GrabCar liên tục hủy chuyến đã diễn ra khá lâu. Nhiều người cho rằng đây chính là hệ quả thiết yếu khi hãng đặt xe công nghệ này "độc quyền" tại thị trường Việt Nam.
Có lẽ ngoài việc giữ chân tài xế trước các đối thủ, Grab nên chú trọng phát triển chất lượng dịch vụ của mình trước, thay vì mở rộng nhiều mô hình vận chuyển, chỉ chất lượng mới xây dựng được niềm tin và sự trung thành của hành khách đối với doanh nghiệp.
Nguồn:Genk.vn