Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Google: "Chúng tôi không làm camera, mà muốn tạo ra ma thuật"

Google: "Chúng tôi không làm camera, mà muốn tạo ra ma thuật"

Nếu đang tìm kiếm một chiếc điện thoại thông minh có máy ảnh tốt, chắc chắn bạn đã thấy cặp đôi Pixel 4 mới của Google trong danh sách đề xuất. Mỗi năm, Google luôn tìm ra cách để tạo ra một hệ thống máy ảnh có chất lượng tuyệt vời hơn trước. Có thể nói từ các blogger công nghệ luôn săm soi tới từng điểm ảnh cho tới người tiêu dùng thông thường, thật khó để tìm thấy một người không yêu thích những bức ảnh được chụp từ Google Pixel.

Nhưng có một vấn đề, đó là Google không cố gắng chế tạo camera. Cái họ làm, là cố gắng tạo ra phép thuật.

Marc Levoy (trên) và Isaac Reynold (dưới)

Ví dụ cụ thể nhất là các tính năng chụp ảnh mới như trên Google Pixel 4 như chế độ Night Sight, HDR + hay kính ngắm WYSIWYG (viết tắt của What You See Is What You Get - Những gì bạn nhìn thấy là những gì bạn nhận được). Đã có rất nhiều cuộc thảo luận kỹ thuật về cách Google kích hoạt các tính năng này, nhưng cuối cùng, có một điều cần được làm rõ. Đó là việc camera trên Google Pixel hoàn toàn không phải là một hệ thống camera thông thường.

Và hai bộ óc cốt lõi đằng sau hệ thống camera ấn tượng của Pixel là Marc Levoy và Isaac Reynold, những người sẵn sàng chia sẻ về hậu trường phía sau của công nghệ này.

"Triết lý cốt lõi của chúng tôi là xây dựng một hệ thống camera có thể tạo ra phép thuật, đó là sự kết hợp giữa sự đơn giản và chất lượng hình ảnh", Reynold giải thích. "Night Sight vẫn còn đó, HDR+ vẫn còn đó. Tất cả quá trình xử lý diễn ra ngầm bên dưới để có được một bức ảnh tuyệt vời từ chế độ mặc định vẫn còn đó. Và chúng tôi cũng đã thực sự đơn giản hóa mọi thứ đi rất nhiều."

Chế độ mặc định. Đơn giản hóa. Ma thuật. Đây là những cụm từ Google đang sử dụng như một phần trong triết lý cốt lõi của việc chế tạo máy ảnh cho Pixel. Trong suy nghĩ của Levoy và Reynold, ghi lại khoảnh khắc không nhất thiết phải quay về chế độ quay số (dial) cổ điển và các menu cài đặt. Và Google không cố gắng đưa một chiếc máy ảnh vào điện thoại của mình. Họ đang cố xây dựng một cái gì đó, thứ có thể tạo ra những hình ảnh tuyệt vời nhất vượt ngoài những định kiến khuôn mẫu, hay các khái niệm tuyền thống.

Những gì bạn thấy là những gì bạn nhận được

Google: Chúng tôi không làm camera, mà muốn tạo ra ma thuật - Ảnh 2.
 

Một trong những tính năng mới của Pixel 4 là kính ngắm WYSIWYG, nghĩa là bạn sẽ thấy kết quả của HDR+ trước khi chụp. Đây có vẻ như là một tính năng nhỏ, nhưng nó cho phép tạo ra một số thứ không thể có trong các máy ảnh smartphone thông thường.

Mục tiêu của kính ngắm WYSIWYG là giảm sự tương tác của người dùng "càng nhiều càng tốt". Bằng cách hiển thị hình ảnh thu được ngay khi mở máy ảnh, người dùng sẽ biết liệu họ có đang phơi sáng quá mức hay không. Việc cần làm lúc này chỉ là tập trung vào việc chụp.

"Nếu thấy rằng người dùng vẫn đang nhấp vào màn hình, chúng tôi biết rằng máy ảnh đã không cung cấp được những gì họ muốn ngay từ đầu", Reynold tiếp tục. "Vì vậy, một cú chạm, đối với tôi, có nghĩa là một trường hợp thất bại mà chúng tôi muốn cải thiện."

Theo Levoy, với kính ngắm WYSIWYG, người dùng có thể suy nghĩ lại về cách kiểm soát sự phơi sáng trên máy ảnh nếu họ muốn. Ví dụ như trước đây chỉ có một thanh trượt để bù sáng thì giờ có tới hai. Google gọi tính năng này là "Kiểm soát phơi sáng kép". Nó có thể giúp thay đổi cả độ tương phản và đổ bóng. Nó cũng có thể là độ sáng và dải động màu. Có rất nhiều cách để người dùng làm với hai tùy biến này. Và điều đó mang lại cho người dùng một loại trải nghiệm điều khiển mà chưa ai từng nhận được trên máy ảnh trước đây.

Rõ ràng, kiểm soát phơi sáng kép là thứ chỉ có thể được tạo ra thông qua công nghệ chụp hình tính toán. Nó cho phép tạo ra các hình ảnh đồng đều, với các điểm nổi bật được bảo tồn và có thể nhìn thấy đổ bóng. Nhưng nếu muốn, người dùng vẫn có quyền điều chỉnh riêng các vùng sáng và đổ bóng, trước khi chụp ảnh. Đó là điều mà trước đây bạn chỉ có thể làm trong phần mềm chỉnh sửa ảnh, sau khi bạn chụp ảnh. Nhờ công nghệ, giờ Google có thể giúp người dùng làm cả hai việc đó trên Pixel cùng một lúc. Đây cũng chính là lúc nhiếp ảnh tính toán thực sự bắt đầu biến điều kỳ diệu thành hiện thực.

Có thể nói nhóm của Levoy đang cố gắng vượt qua những hạn chế của máy ảnh truyền thống bằng cách tập trung vào giải quyết những hạn chế của máy ảnh truyền thống. Trong khi hầu hết các nhà sản xuất đang giới thiệu các chế độ chụp ảnh chuyên nghiệp để cung cấp cho người dùng quyền kiểm soát khẩu độ, tốc độ màn trập và ISO, Google lại đang cố gắng tự động tạo ra hình ảnh tốt hơn thứ mà người dùng có thể tạo ra.

Tiêu diệt cái xấu bằng việc học tập

Google: Chúng tôi không làm camera, mà muốn tạo ra ma thuật - Ảnh 3.
 

Vậy còn những ưu điểm gì khác của công nghệ chụp hình tính toán có thể giúp chúng vượt xa các kỹ thuật chụp ảnh truyền thống hay không? Có. Năm nay, đội của Levoy đang giải quyết vấn đề ánh sáng yếu.

Pixel 4 đang giới thiệu tính năng cân bằng trắng dựa trên khả năng học tập của hệ thống camera. Tính năng này hoạt động bằng cách liên tục cải thiện màu sắc trong hình ảnh, ngay cả trong điều kiện ánh sáng cực kỳ xấu. Google đặc biệt nhắm mục tiêu ánh sáng yếu, ánh sáng vàng và ánh sáng tạo ra bằng đèn hơi Natri để làm ví dụ minh họa cho những gì muốn hướng tới.

Đèn hơi natri là một loại đèn khí tạo ra hiệu ứng gần như đơn sắc đối với các đối tượng, do bước sóng cực hẹp của nó trong khoảng 589nm đến 589.3nm. Chúng thường được sử dụng trong đèn đường hay các loại đèn cần sử dụng trong thời gian dài, vì đây là nguồn sáng hiệu quả cao. Nhưng nó cũng là một trong những nguồn sáng gây khó khăn nhất cho các hệ thống máy ảnh trong việc tạo ra sự cân bằng trắng chính xác. Nhưng những gì Google đã làm được thực sự ấn tượng.

"Ánh sáng xấu sẽ có màu vàng trong trường hợp sử dụng nguồn sáng là đèn hơi Natri và chúng tôi sẽ cố gắng trung hòa ánh sáng xấu đó", Levoy nói. "Cân bằng trắng không chính xác xảy ra rất nhiều trong điều kiện ánh sáng yếu. Nếu bạn bước vào một sàn nhảy và có đèn neon màu đỏ, hệ thống sẽ bảo tồn điều đó nhưng đồng thời sẽ cố gắng vô hiệu hóa một số ánh sáng bất lợi khác".

Cân bằng trắng dựa trên máy học cũng đã có mặt trong chế độ Night Sight của Google. Đó là lý do tại sao hình ảnh cuối cùng trên Pixel thường có màu sắc tốt hơn nhiều so với chế độ tự động trên các smartphone chụp ảnh tốt khác như Huawei P30 Pro. Hệ thống học máy dựa trên hình ảnh được chụp trên thiết bị cho phép nó cân bằng sáng tốt, tạo ra hình ảnh chính xác hơn về màu sắc trong điều kiện ánh sáng yếu. Đây là điều mà các hệ thống camera truyền thống không thể làm được. Bởi khi một máy ảnh xuất xưởng, cân bằng trắng tự động chỉ là cân bằng trắng tự động. Còn trên Pixel, nó luôn hoạt động để tự cải thiện theo thời gian.

Nhìn lên các vì sao

Google: Chúng tôi không làm camera, mà muốn tạo ra ma thuật - Ảnh 4.
 

Levoy gọi khả năng mới này là "HDR + tăng cường". Trong khi HDR + tiêu chuẩn có độ phân giải dựa trên 10 tới 15 lần phơi sáng ngắn và căn chỉnh để lấy kết quả trung bình giữa chúng thì chế độ mới này mất tới 15 lần phơi sáng 16 giây, để tạo ra bức ảnh phơi sáng 4 phút. Sau đó, hệ thống sẽ căn chỉnh hình ảnh (vì các ngôi sao luôn di chuyển theo thời gian) và điều chỉnh các cài đặt phù hợp, trong khi vẫn giảm nhiễu và tăng độ sắc nét để tạo ra một số hình ảnh đáng kinh ngạc.

Nếu nhìn vào một số bức ảnh chụp thiên văn bằng Pixel 4, bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt. Trong khi trên các hệ thống máy ảnh truyền thống, người dùng cần thời gian phơi sáng lâu và các thiết bị hỗ trợ nếu muốn tạo ra được hình ảnh vô cùng sắc nét thì smartphone của Google không cần nhiều như vậy. Cùng với Night Sight, người dùng chỉ cần chống điện thoại của mình đứng vững chắc trên một tảng đá, chạm vào màn hình để kích hoạt và thiết bị sẽ làm mọi việc còn lại.

Tuy nhiên, phần thông minh nhất ở đây là chế độ Night Sight hoàn toàn không phải là một chế độ riêng biệt. Khi bạn nhấn nút, HDR + sẽ sử dụng con quay hồi chuyển để phát hiện chuyển động và căn chỉnh các hình ảnh, trong khi Night Sight sẽ phát hiện thời gian có thể chụp ảnh một cách khả thi tùy thuộc vào mức độ ổn định của thiết bị. Hệ thống cũng sẽ phát hiện và xác định bầu trời bằng cách sử dụng một phương pháp riêng, gọi là Semantic Segmentation, cho phép hệ thống xử lý các khu vực nhất định của hình ảnh bằng những cách khác nhau để cho ra kết quả tốt nhất.

"Chúng tôi muốn mọi thứ dễ dàng cho mọi người sử dụng", Reynold nói. "Vì vậy bất cứ khi nào chúng tôi tìm thấy thứ gì đó trong sản phẩm không cần thiết, chúng tôi có thể loại bỏ trách nhiệm về nó và giải quyết vấn đề đó cho bạn."

Tuyên bố này tương đương với việc những gì Google đang làm là cố gắng giải quyết các vấn đề mà thậm chí người dùng không biết chúng tồn tại, sau đó trình bày mọi thứ trước mặt ở dạng đơn giản nhất có thể.

Tất nhiên, cần phải công bằng với tất cả mọi người. Một số người có thể muốn một camera điện thoại hoạt động như một camera, với các trình điều khiển và quay số thủ công. Họ cũng có thể muốn các cảm biến lớn hơn và chế độ chụp chuyên nghiệp. Nhưng, trong khi các công ty khác đang tập trung hầu hết vào phần cứng thì Google lại nhìn theo một hướng hoàn toàn khác.

Công ty này đang tìm cách tạo ra ma thuật, trên những chiếc camera.

Tham khảo Android Authority

Nguồn: Genk.vn

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật