Hệ điều hành Harmony OS do Huawei tự phát triển vẫn được coi là một kế hoạch dự phòng, nhằm thay thế cho Android trong trường hợp nhà sản xuất Trung Quốc không thể hợp tác với Google nữa. Và tất nhiên, kế hoạch dự phòng thì thường không thể so sánh được với bản chính, vì vậy mà Harmony OS vẫn luôn bị đánh giá thấp hơn Android.
Tuy nhiên sau khi ra mắt, Huawei đã cho thấy rằng Harmony OS không chỉ là một hệ điều hành dành cho smartphone, mà đây còn là một hệ sinh thái rộng lớn. Từ máy tính bảng cho đến các thiết bị đeo thông minh, TV hay Internet of Things cũng đều có thể sử dụng hệ điều hành này.
Tất cả những kẻ thách thức Android đều chết
Đã có khá nhiều hệ điều hành được phát triển bởi những gã khổng lồ công nghệ, nhằm mục đích thay thế sự thống trị của Android nhưng đều thất bại. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại đó, như trải nghiệm không thực sự thoải mái, thiếu ứng dụng hấp dẫn, hệ sinh thái nghèo nàn hay chỉ đơn giản là người dùng đã quá quen thuộc với Android.
Trong những lý do đó, yếu tố quan trọng nhất có lẽ là việc phát triển những ứng dụng thật sự hấp dẫn và có thể lôi kéo người dùng. Tuy nhiên để có được thật nhiều những ứng dụng hấp dẫn, nền tảng đó phải có một số lượng người đủ lớn để thu hút được các nhà phát triển. Đó cũng chính là cái vòng luẩn quẩn khiến cho Windows Phone thất bại.
Tuy nhiên, Harmony OS của Huawei lại có một lợi thế vô cùng lớn để thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn trên và hướng tới thành công không thua kém gì gã khổng lồ Android. Và lợi thế đó chính là sân nhà Trung Quốc.
Harmony OS của Huawei khác với Tizen của Samsung vì có sân nhà Trung Quốc
Hệ điều hành Tizen của Samsung hướng tới thị trường toàn cầu, và đó là sân chơi cạnh tranh trực tiếp với Android của Google. Chính điều đó đã khiến Tizen thất bại. Tuy nhiên, Harmony OS của Huawei không cần phải cạnh tranh trực tiếp với Android trên toàn cầu, mà chỉ cần cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc, nơi Huawei có rất nhiều lợi thế.
Theo số liệu từ Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC), Huawei đã xuất xưởng 36,3 triệu điện thoại thông minh tại Trung Quốc trong quý II. Đó là một con số không hề nhỏ, và là nền tảng đủ hấp dẫn để thu hút các nhà phát triển ứng dụng tại Trung Quốc.
Điều đó đồng nghĩa với việc Huawei có thể giải quyết được rắc rối lớn về việc tạo ra những ứng dụng đủ hấp dẫn cho nền tảng của mình. Và người dùng Trung Quốc có một sự ủng hộ rất lớn đối với các sản phẩm được phát triển trong nước, do đó họ sẽ không ngần ngại chuyển từ Android sang Harmony OS.
Dẫu sao cũng có rất nhiều ứng dụng và dịch vụ của Google không hoạt động được tại Trung Quốc. Do đó việc thay đổi hệ điều hành sẽ không ảnh hưởng nhiều tới trải nghiệm của người dùng, khác với các thị trường bên ngoài Trung Quốc.
Huawei không chỉ phát triển một hệ điều hành, mà là cả một hệ sinh thái
Harmony OS không chỉ là hệ điều hành dành cho smartphone, mà nó còn có thể được sử dụng trên tablet, smartwatch, thiết bị đeo thông minh, xe hơi và các thiết bị Internet of Things khác. Vì vậy đây chính là một hệ sinh thái để có thể níu kéo người dùng.
Cũng giống như Apple xây dựng hệ sinh thái xung quanh iOS, khách hàng đã mua iPhone thường sẽ sử dụng iPad, MacBook, Apple Watch hay AirPods. Và chắc chắn bạn sẽ muốn sử dụng một chiếc smartphone Huawei cài Harmony OS để điều khiển tất cả các thiết bị thông minh trong cùng hệ sinh thái này.
Bên cạnh đó, Huawei có thể tối đa hóa hiệu năng với những con chip tự sản xuất. Huawei sở hữu một đơn vị chuyên sản xuất chip là HiSilicon và những con chip Kirin 980 mới cũng được đánh giá khá cao, ngang hàng với Qualcomm hay Samsung. Việc tự phát triển một hệ điều hành riêng cho phép Huawei tùy đồng bộ được phần cứng và phần mềm, giúp đạt hiệu năng cao nhất.
Về cơ bản, Huawei có đủ tiềm lực để phát triển một hệ điều hành riêng cho thị trường Trung Quốc, tận dụng sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước để phát triển một hệ sinh thái rộng lớn và đủ sức thu hút các nhà phát triển. Với tất cả những lý do đó, Huawei có lý do để tin vào sự thành công của Harmony OS, ngay cả khi đây chỉ là kế hoạch dự phòng thay thế Android.
Nguồn: Genk.vn