Để trả lời cho câu hỏi chuyện gì xảy ra khi một siêu máy tính đào Bitcoin, Ellery Davies, đồng chủ tịch của Hội đồng Quy chuẩn Tiền mã hóa, ban tổ chức Sự kiện Bitcoin, chủ biên tại tờ A Wild Duck đã nói trên Quora thế này:
Chắc chắn đâu đó vẫn có người đào Bitcoin bằng siêu máy tính.
Năm 2014, trên tờ Business Insider có một bài báo khẳng định rằng sức mạnh của siêu máy tính chẳng thể bằng được với mạch ASIC được thiết kế riêng cho việc đào Bitcoin. Tôi đã tới hỏi phòng thí nghiệm đang vận hành siêu máy tính lớn nhất Châu Á, nhờ họ giúp xác định xem việc đào Bitcoin bằng siêu máy tính trong lúc rảnh rỗi có thực sự hiệu quả không. Kết luận lại thì có, nhưng lợi nhuận chẳng đáng mấy.
Nhưng điều đó không ngăn được người ta cố gắng dùng siêu máy tính để đào Bitcoin.
- Tháng 11 năm 2014, một cựu nhà mã hóa của quân đội Đức là Mark Welle cùng em trai mình là Maik mời chào người ta sử dụng dịch vụ đào Bitcoin bằng hệ thống siêu máy tính Two Brothers của họ. Họ hoạt động bí mật trong hai năm. Tuy nhiên, quyết định mở dịch vụ này nhiều khả năng là do vào thời điểm đó, thị trường đang hướng gần chạm mức trần của cung tiền.
- Đầu năm 2015, một sinh viên Harvard sử dụng siêu máy tính 14.000 nhân Odyssey để đào Dogecoin. Thanh niên này bị tóm. Tính toán tiền điện sử dụng và số coin đào được, thì anh này chưa kiếm được đồng nào. Nhưng công bằng mà nói, thì thuật toán đào của anh này cũng không hiệu quả lắm.
Dàn siêu máy tính Odyssey tại Harvard.
- Trong bài báo của Business Insider nhắc tới ở trên, có một nhà nghiên cứu lợi dụng siêu máy tính để đào Bitcoin. Nếu như bị bắt muộn hơn thì có lẽ anh này đã kiếm được lời. NHƯNG anh ta chỉ kiếm được lời trên lượng điện và lượng tài nguyên ăn cắp được. Về cơ bản, việc đào Bitcoin bằng siêu máy tính vẫn không lãi.
- Nhà nghiên cứu Trung Quốc làm việc tại nơi đặt siêu máy tính kia cũng có thử đào tiền mã hóa. Họ có lãi, nhưng chỉ có lãi vì tiền điện vận hành máy tính rẻ mà thôi.
Vì thế, kết luận lại có ba điểm chính để làm nên thành công của mọt "con trâu cày coin", đó là một sàng toán học hiệu quả để có được một thuật toán hiệu quả, có một dàn thiết bị hiệu quả, và giá thành điện sử dụng để đào coin. Những "thợ mỏ" có lời sẽ là người có một phần cứng hiệu quả nhất, thuật toán hiệu quả nhất và dùng ít điện nhất.
Những siêu máy tính như Cray hay Deep Blue của IBM tỏa ra rất nhiều nhiệt khi vận hành. Vì thế, chúng cần thêm một hệ thống làm mát nữa.
Nói thẳng ra là đừng tin những tuyên bố về một hệ thống đào coin "dùng điện chùa". Luôn phải có ai đó trả tiền điện. Nếu như bạn đang tiến hành đào và tạo ra được một chút lãi đáng kể, thì những người trả tiền điện rồi sẽ phát hiện ra sau khi thấy lượng điện dùng tăng vọt. Nếu như bạn không trả đủ tiền điện (và nếu bạn không chia lời cho người trả tiền điện), thì rõ ràng là bạn đang ăn cắp.
Cũng tương tự vậy, những phần mềm độc hại được cài cắm vào máy bạn sử dụng chính CPU hay GPU của bạn để đào coin đều là hành động ăn cắp điện và ăn cắp tài nguyên mạng của bạn. Nếu như một dịch vụ mà đủ minh bạch và đáng tin thì lúc ấy, mọi chuyện mới ổn.
Nhưng phải nhắc lại: nếu như bạn không sở hữu những phần cứng mới và chuyên biệt cùng những thuật toán hiệu quả, thì lợi nhuận bạn thu về chẳng đáng là bao.
Nguồn: genk.vn