Trước khi đi vào những đánh giá chi tiết, chúng ta hãy cùng nhìn tổng quan lại thị trường và xu hướng giải trí trên smartphone nói chung nhé. Nếu là một người yêu công nghệ, chắc hẳn bạn cũng nhận ra rằng, trong thời gian gần đây, các hãng di động đều lần lượt cho ra mắt những chiếc smartphone mới có màn hình ngày càng lớn. Tại sao vậy? Khi mà hiện nay, một chiếc smartphone vốn đã chẳng phải một chiếc “điện thoại” đơn thuần nữa rồi, ngược lại, chúng lại được sử dụng cho mục đích giải trí nhiều hơn thế. Những tựa game, trailer, phim… và các streamer, blogger… cũng đang dành nhiều trí lực để cho ra những sản phẩm giải trí hấp dẫn trên điện thoại nhiều hơn. Đó cũng là lúc một chiếc smartphone bắt buộc phải thay đổi, phải đáp ứng được nhu cầu giải trí của người dùng một cách mượt mà.
Ở thời điểm cách đây một vài năm, hẳn là chúng ta vẫn còn bị ăn sâu vào tiềm thức một suy nghĩ rằng “chỉ những chiếc smartphone cao cấp mới có được một hiệu năng tốt”, hay “làm gì có chiếc smartphone giá rẻ nào mà vừa màn hình lớn sắc nét, vừa xem YouTube HD mượt mà lại có thể chiến game nặng”. Thế nhưng, công nghệ mà, chúng luôn phát triển một cách chóng mặt vậy đấy. Smartphone cũng không phải ngoại lệ.
Để có thể hướng người dùng chơi game từ PC sang nền tảng di động, những chiếc smartphone đòi hỏi phải sở hữu một cấu hình đủ mạnh, màn hình hiển thị tốt và thậm chí là cả một hệ thống âm thanh cho trải nghiệm tốt. Đó thường là những chiếc smartphone thuộc phân khúc cao cấp của các nhà sản xuất với cấu hình khủng, màn hình tốt, hệ thống loa tuyệt vời, và cả một hệ thống tản nhiệt chẳng hề kém cạnh PC nữa chứ. Nhưng, điều đáng nói là, mức giá của chúng đâu có rẻ? Mặt khác, lại còn ngày càng tăng cao qua từng thế hệ, vượt cả mốc “ngàn đô”.
Thực tế buồn đó là đâu phải ai cũng có đủ điều kiện như vậy? Là một người dùng phổ thông, tôi vẫn muốn được giải trí bằng những tựa game, hoặc xem phim ngay trên điện thoại sau giờ làm việc căng thẳng thì phải làm sao? Đó là khi những chiếc smartphone tầm trung với cấu hình khá, được trang bị những công nghệ nhằm tối ưu hiệu suất “có đất diễn”. Và chiếc Honor 8X chính là một đại diện mới, là ví dụ tốt nhất cho một chiếc smartphone tầm trung nhưng vẫn cho trải nghiệm giải trí mượt mà.
Có thể ngay khi bắt đầu cầm chiếc máy trên tay, bạn sẽ không thể ngờ được nó có kích thước màn hình lên tới 6.5-inch đâu. Bởi kích thước tổng thể vẫn rất nhỏ gọn và vừa vặn trong lòng bàn tay. Theo Honor, chiếc máy có tỉ lệ màn hình chiếm tới 91% mặt trước, các viền xung quanh cũng được làm khá mỏng, trong khi phần bezel dưới màn hình chỉ dày 4.25mm. Đây là một lợi thế rất lớn cho trải nghiệm giải trí về xem YouTube, xem phim, tạo hiệu ứng của một không gian rộng hơn khá nhiều, mặc dù kích thước 6.5-inch thực tế cũng không phải là nhỏ.
Bàn tới trải nghiệm xem phim trên điện thoại, hẳn cũng phải nhắc tới xu hướng của người dùng hiện nay. Khi mà những chiếc smartphone với viền màn hình ngày càng mỏng, kích thước thực của màn hình hiển thị cũng nhờ đó mà lớn hơn rất nhiều, trong khi tổng thể máy vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay. Nếu như trước đây, với kích thước 6.5-inch, ta chỉ có thể tìm đến một chiếc tablet mà thôi, hoặc sau đó có thể là phablet. Nhưng, với xu hướng màn hình tràn viền hiện tại, ta đã hoàn toàn có thể có một không gian lớn hơn, trên 6-inch với một kích thước nhỏ gọn, mang đúng nghĩa là một chiếc “smartphone”. Trong đó, phải kể tới nỗ lực “phổ thông hóa” của các nhà sản xuất, mang thiết kế tràn viền này xuống cả các sản phẩm tầm trung như Honor 8X, mang tới trải nghiệm giải trí tuyệt vời hơn ngay trên điện thoại.
Có lẽ chỉ một vài năm trước thôi, nhắc tới xem phim, ta chỉ thường nghĩ ngay tới một chiếc TV, hoặc “bất đắc dĩ” là một chiếc máy tính bảng mà thôi. Nhưng xu hướng hiện nay, khi mà những chiếc smartphone tầm trung cũng đã được trang bị một màn hình lớn, viền siêu mỏng, một tấm nền Full HD+ đủ sắc nét chẳng kém một chiếc tivi, thậm chí còn nhỉnh hơn đôi chút, ta lại hướng tới một trải nghiệm giải trí thú vị hơn, tiện lợi hơn. Với smartphone, bạn có thể xem được mọi lúc, mọi nơi, dù trên xe bus, giờ nghỉ trưa, một góc công viên hay đơn giản là cuộn tròn trong căn phòng ấm áp giữa những ngày đông này. Đặc biệt lại là một chiếc smartphone màn hình lớn, thử hỏi, đâu có mấy khác so với đang xem TV cơ chứ.
Mặc dù có mức giá rất “mềm”, nhưng Honor 8X vẫn sở hữu màn hình Full HD+ 1080x2340p, thậm chí còn hơn cả tấm màn HD trên chiếc smartphone “giá rẻ” nhưng vẫn xấp xỉ ngàn đô khác. Nhờ đó, bất kì trải nghiệm chơi game, hay xem phim, lướt web đều mang tới độ sắc nét cao. Màu sắc trên tấm nền LCD của chiếc 8X cũng khá trung thực, góc nhìn rộng, sẽ rất có ích khi chơi game, với những phân đoạn gay cấn, tập trung và nghiêng máy ở nhiều góc độ khác nhau.
Với trải nghiệm xem YouTube ngoài trời, màn hình vẫn cho chất lượng khá tốt. Dưới trời nắng, màn hình của Honor 8X khá tối dù đã để độ sáng ở mức tối đa. Nhưng, hẳn là chẳng có ai đứng giữa trời nắng để xem phim rồi. Khi ở dưới bóng râm, màn hình vẫn thể hiện tốt khả năng hiển thị của mình, không quá bị lóa và đặc biệt là vẫn đủ sáng để tận hưởng những thước phim một cách hài lòng nhất. Honor 8X được tích hợp AI sâu vào phần mềm, do đó, độ sáng màn hình cũng được nhận biết tự động và điều chỉnh phù hợp, mang lại cảm giác thoải mái nhất cho người dùng. Một yếu tố khá bất ngờ ở Honor 8X, đó là khả năng hiển thị màu sắc rất tốt, các màu lạnh không bị quá mờ nhạt, trong khi những màu nóng cũng không quá rực. Đây cũng là một ưu thế nhờ có sự trợ giúp và tối ưu màu sắc của AI. Điều này mang tới cảm giác rất dễ chịu khi xem phim trong suốt thời gian dài.
Cùng với đó, Honor 8X cũng sở hữu chất lượng âm thanh ở mức khá, không như nhiều chiếc smartphone trong cùng tầm giá. Khi đặt mức âm lượng cao nhất, chất lượng âm vẫn khá trong trẻo, không bị rè và vỡ âm. Chỉ như vậy là quá đủ cho trải nghiệm giải trí của một người dùng thông thường như tôi, không phải quá đòi hỏi những chất lượng âm thanh cao cấp. Dẫu sao, ta cũng chẳng thể đòi hỏi quá nhiều ở một sản phẩm chỉ vỏn vẹn chưa tới 6 triệu đồng.
Honor 8X sở hữu một cấu hình khá với con chip Kirin 710 “cây nhà lá vườn” cùng khả năng tối ưu tốt cho trải nghiệm chơi game và giải trí. Hẳn đến đây, sẽ có nhiều ý kiến cho rằng con chip Kirin 710 có thể còn thua kém nhiều chipset Qualcomm khác trong cùng tầm giá. Điều này thực ra không đúng, Huawei sử dụng chipset do chính mình sản xuất là một lựa chọn thông minh, giống như Apple cũng tự sản xuất chipset cho iPhone vậy. Nhờ đó mà Huawei lại có thể làm chủ được công nghệ, chủ động tối ưu hiệu suất cho chipset vào các mục đích riêng, ví như các tác vụ giải trí, xem video HD, chơi game…
Theo Huawei, con chip Kirin 710 được sản xuất trên tiến trình 12nm, các lõi đơn Cortex-A73, mang lại hiệu suất đơn lõi tăng 75%, đa lõi tăng 68%, hiệu suất GPU tăng 130%, hiệu suất năng lượng tăng 100% so với Kirin 659. Máy có nhiều tùy chọn bộ nhớ RAM 4GB hoặc 6GB, không gian lưu trữ 64GB/ 128GB. Phiên bản chúng tôi được trải nghiệm là phiên bản cấu hình thấp nhất với 4GB RAM và 64GB bộ nhớ trong. Ngoài ra, công nghệ GPU Turbo mới cũng sẽ giúp tối ưu tốt hiệu quả chơi game, đặc biệt cả nhưng tựa game nặng được các bạn trẻ ưa chuộng trên Android hiện nay.
Các thông số là vậy, nhưng chắc hẳn vẫn cần phải có những trải nghiệm chơi game thực tế chứ nhỉ. Liệu Honor 8X đã thực sự được tối ưu tốt cho trải nghiệm chơi game? Chúng tôi thử nghiệm 3 tựa game phổ biến hiện nay: Alsphalt 9, Liên Quân Mobile và PUBG.
Trước tiên sẽ là tựa game đua xe đình đám mới được nâng cấp lên phiên bản “Legends” với những trải nghiệm thú vị hơn cả về hình ảnh và âm thanh. Trong phần cài đặt đồ họa, Asphalt 9 đã tự động đặt mức cấu hình “Medium” cho chiếc Honor 8X dựa vào thông số cấu hình mà game này nhận biết được. Tất nhiên, sẽ chẳng quá khó khăn cho Honor 8X khi hoàn toàn có thể xử lý mượt mà mọi phân cảnh trong game. Cả những đoạn va chạm xe, xoay trên không hay những pha tranh đua đến nghẹt thở, Honor 8X đều giữ được mức khung hình trung bình 30 FPS. Đây là một con số khá ấn tượng đối với một chiếc smartphone tầm trung khi xử lý tựa game với nhiều chi tiết chuyển động đồ họa đến vậy.
Cả những đoạn va chạm xe, xoay trên không hay những pha tranh đua đến nghẹt thở, Honor 8X đều giữ được mức khung hình trung bình 30 FPS.
Chế độ Medium là vậy, Honor 8X có nên thử sức với chế độ max setting không nhỉ? Tất nhiên rồi, hẳn là bạn cũng rất muốn biết chiếc 8X này “gánh” được bao nhiêu. Thật bất ngờ, khi đặt chế độ đồ họa ở mức cao nhất, máy vẫn có thể chiến rất tốt. Mặc dù mức FPS có giảm xuống đôi chút, trung bình khoảng 26 khung hình/giây, nhưng trải nghiệm về hình ảnh vẫn khá mượt mà, không quá khựng lại hay có hiện tượng giật lag.
Một yếu tố nhỏ khiến cho trải nghiệm game Asphalt 9 được liền mạch hơn, một phần do tựa game này đã được tối ưu với những chiếc màn hình “tai thỏ”, nên một phần màn hình sẽ được cắt đi, vừa với tỉ lệ 18:9, không để phần notch bị che đi chi tiết trong game. Đây là một chi tiết nhỏ, nhưng cũng ảnh hưởng khá lớn đến trải nghiệm chơi game. Ở phần này, cả nhà làm game và Honor đều đã làm rất tốt.
Hẳn sẽ không thể thiếu tựa game được coi là “tiêu chuẩn test hiệu năng” này của giới trẻ trong một bài đánh giá được. Qua trải nghiệm với Asphalt 9, tôi đã có thể tự tin mà cài đặt những thông số đồ họa cao nhất cho Liên Quân Mobile để thử sức với Honor 8X. Kết quả không quá bất ngờ khi máy vẫn có thể hoàn toàn “chiến” rất tốt với thông số FPS duy trì ở mức 31 khung hình/giây.
Có lẽ do sự hỗ trợ của công nghệ GPU Turbo mà ngay cả những pha giao tranh phức tạp với chuyển động nhanh, nhiều hiệu ứng đồ họa, Honor 8X vẫn không hề bị giảm FPS, con số 31 khung hình vẫn được giữ đều trong suốt một trận đấu. Đây thực sự là điều khiến tôi phải bất ngờ trước một chiếc máy vỏn vẹn dưới 6 triệu đồng.
Là một tựa game sinh tồn với nhiều hiệu ứng đồ họa, PUBG cũng là một cái tên không thể thiếu kể từ khi nó chính thức cập bến Android. Hiện tại, tựa game này không có sẵn trên kho ứng dụng Google Play tại khu vực Việt Nam. Tuy nhiên, tác giả vẫn quyết định tải về file apk của PUBG thông qua một nguồn đáng tin cậy để trải nghiệm.
Ngay vấn đề đầu tiên khiến tôi không hài lòng, đó là khả năng tối ưu hiển thị chưa tốt. Tỉ lệ hiển thị của game và màn hình có vẻ như không được tương thích. Không chỉ phần “rãnh tai thỏ” chiếm mất một không gian hiển thị trong game mà ngay cả khu vực “tai thỏ” cũng hiển thị thiếu nội dung trong game. Tuy nhiên, đây chỉ là một phần nhỏ không tương thích, có thể trong phiên bản game chính thức trên kho ứng dụng Play Store sẽ được tối ưu tốt hơn
Một mẹo nhỏ khác để bạn có thể khắc phục ngay vấn đề này, đó là cài đặt hiển thị “Khía chữ V” có sẵn trong máy để làm tối khu vực “tai thỏ” 2 bên. Ngay lập tức, ta sẽ lại có được một màn hình 18:9 thông thường mà không lo bị lẹm thông tin nữa. Nhưng để có trải nghiệm tuyệt vời nhất, ta vẫn nên chờ phiên bản PUBG Mobile sẽ sớm được phát hành tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới vậy.
Cũng do không phải là bản chính thức nên tác giả chưa thể đo chính xác số khung hình/giây của tựa game này. Nhưng với trải nghiệm thực tế qua các phân cảnh, cả khi nhảy dù, những pha đấu súng quyết liệt, hay “chạy bo” đều cho cảm giác rất “mượt”, không hề bị khựng hay giật.
Có thể nói, với 3 tựa game nổi bật này, Honor 8X đều có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ mà chẳng có thể chê trách gì cả. Với một mức giá chưa tới 6 triệu đồng, đây thực sự là một trải nghiệm giải trí rất ấn tượng. Thậm chí, ngay cả nhiều chiếc smartphone với mức giá 7-8 triệu đồng trước đó, cũng chưa hẳn đạt được một hiệu năng tốt đến như vậy.
Thật chẳng phải “ngoa” khi nói rằng đây là minh chứng rõ nét nhất cho thấy bạn chẳng cần phải bỏ quá nhiều tiền cho một trải nghiệm giải trí mượt mà. Cuộc sống mà, đâu phải chỉ những thứ đắt tiền mới tốt, đó là do bạn chưa tìm được một chiếc smartphone thực sự đúng nhu cầu trong tầm giá mà thôi.
Nguồn: GenK.
Software Design Engineer (PC Software)
Công ty TNHH Omron Healthcare Manufacturing Việt Nam
Địa điểm: Bình Dương
Lương: Cạnh Tranh