Nhưng đây cũng có thể là nỗ lực cuối cùng để cứu vãn hoạt động kinh doanh điện thoại thông minh của hãng công nghệ Trung Quốc.
Huawei, hãng sản xuất smartphone Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt, được cho là đang thực hiện một kế hoạch mới có khả năng giúp họ vượt qua những hạn chế đó, theo Bloomberg.
Kế hoạch này liên quan đến việc công ty đã cấp phép thiết kế smartphone cho một số đối tác hiện có của mình, sau đó sẽ cung cấp các bộ phận và công nghệ từ các thực thể mà chính Huawei bị cấm giao dịch.
Các công ty mà Huawei dự định hợp tác bao gồm một công ty ít được biết đến có tên là Xnova và một công ty khác có tên là TD Tech Ltd. Điều thú vị là Xnova chính là công ty con của một công ty nhà nước lớn hơn của Trung Quốc, có tên Công ty Thiết bị Viễn thông và Bưu điện Quốc gia Trung Quốc (PTAC). Công ty này đã bán các thiết bị dòng Nova hiện có của Huawei trên nền tảng thương mại điện tử của riêng mình. Cả hai công ty này đều nhắm đến việc cấp phép thiết kế điện thoại thông minh từ Huawei, nhưng rất có thể sẽ bán các thiết bị này dưới tên thương hiệu của chính họ.
Ảnh chụp màn hình trang web chính thức của TD Tech
Còn TD Tech mới đây đã tung ra một chiếc điện thoại có tên model "TD Tech N8 Pro", có ngoại hình rất giống Nova 8 Pro của Huawei, đồng thời được trang bị chip Kirin 985 5G do Huawei tự phát triển. Cũng có tin đồn rằng TD Tech có kế hoạch tung ra một chiếc điện thoại flagship có ngoại hình giống như Mate 40 của Huawei. Sản phẩm này có thể được đặt tên là "M40", được trang bị chip Kirin 9000E 5G.
Theo tìm hiểu của trang công nghệ Sina, TD Tech được thành lập vào năm 2005 và chủ tịch là Markus Borchert. Người này chính là CEO của Nokia Shanghai Bell và Chủ tịch của Nokia Greater China. Ngoài ra, trong danh sách các giám đốc của TD Tech còn có tên của nhiều người khác có liên quan đến Huawei. Điều tra sâu hơn cho thấy cổ đông kiểm soát 100% của TD Tech là một công ty đăng ký tại sàn chứng khoán Hong Kong có tên TD Tech Holding Limited, do Nokia (51% cổ phần) và Huawei (49% cổ phần) cùng nắm giữ.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt của chính quyền Mỹ đang được thực thi, có hiệu lực từ tháng 5/2019, đã ngăn cản Huawei giao dịch với các công ty như TSMC, Google và Qualcomm. Do đó, Huawei không thể tiếp tục làm việc trên chipset HiSilicon, sử dụng dịch vụ của Google Play trên điện thoại Android và sử dụng bộ xử lý Qualcomm hoặc chip 5G trên smartphone của chính mình.
Huawei P50 là một trong số ít điện thoại thông minh Huawei ra mắt vào năm 2021, nhưng không có Google Play và 5G.
Nhưng động thái này của Huawei cũng có thể là một nỗ lực cuối cùng để cứu vãn hoạt động kinh doanh smartphone của hãng, vốn đã bị hủy hoại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt. Khoảng thời gian hai năm vừa qua đã chứng kiến Huawei tụt hạng khỏi danh sách các thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới, trong khi mảng kinh doanh tiêu dùng của hãng cũng chứng kiến việc có doanh số sụt giảm trong vài quý liên tiếp.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, động thái trên là chiến lược được đưa ra dựa trên thành công của việc bán thương hiệu phụ Honor vào năm 2020. Ngay sau khi tách khỏi Huawei, Honor đã có thể thiết lập lại mối quan hệ với các nhà cung cấp như Qualcomm và Google. Kết quả là thương hiệu này hiện đang dần tăng hạng và tiếp tục tung ra các thiết bị cầm tay mới một cách đều đặn.
Nếu các cuộc đàm phán với các đối tác này thành công, Huawei đặt mục tiêu bán được 30 triệu điện thoại thông minh vào năm 2022, báo cáo cho biết thêm.
GenK