Quyết định cân nhắc về việc thuê ngoài gia công sản xuất của Intel đã báo trước sự kết thúc của một kỷ nguyên thống trị ngành bán dẫn của công ty này. Đây là động thái không chỉ ảnh hưởng đến Thung lũng Silicon mà còn ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và địa chính trị toàn cầu.
Công ty có trụ sở tại Santa Clara (California) là nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới trong 30 năm qua nhờ sự kết hợp của những thiết kế tốt nhất cùng nhà máy sản xuất hiện đại – một trong số đó hiện vẫn được đặt trụ sở tại Mỹ.
Hầu hết các công ty sản xuất chip khác của Mỹ đã đóng cửa hoặc bán lại nhà máy trong nước từ nhiều năm trước và đặt hàng sản xuất từ các công ty nước ngoài – chủ yếu là ở châu Á. Trong khi đó, Intel vẫn không thay đổi quyết định, họ cho biết đã cải thiện cả cơ sở sản xuất và tạo ra sản phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, chiến lược đó đang dần đổ vỡ, khi các nhà máy của công ty đang gặp khó khăn trong việc bắt kịp quy trình sản xuất chip 7 nanomete mới nhất.
Sau khi CEO Bob Swan cho biết Intel đang cân nhắc việc thuê công ty nước ngoài sản xuất, cổ phiếu của công ty đã rớt 16% hôm 24/7 – mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.
Chris Caso – nhà phân tích tại Raymond James, viết trong một lưu ý: "Chúng tôi cho rằng việc không đáp ứng được lộ trình của Intel là một thất bại đáng kinh ngạc, đặc biệt đối với 1 công ty từng nổi tiếng nhờ những kế hoạch hoàn hảo. Đây là một động thái thể hiện cho dấu chấm cho mảng điện toán của Intel."
Toàn bộ đà tăng trong năm nay của cổ phiếu Intel đã bị "xóa sạch".
Swan cho biết nơi sản xuất chất bán dẫn là một yếu tố không quan trọng đến vậy. Tuy nhiên, việc sản xuất chip trong nước đã trở thành mối ưu tiên mang tính quốc gia đối với Trung Quốc và một số chính trị gia, chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ coi việc đưa bí quyết sản xuất ra nước ngoài chính là sai lầm mang mối nguy hiểm tiềm tàng.
Hồi tháng 6, John Cornyn - Thượng nghị sĩ hàng đầu của Đảng Cộng hòa, cho biết: "Chúng tôi đã thấy Mỹ dễ bị tổn thương đến thế nào". Lời bình luận được đưa ra khi các nhà lập pháp Mỹ đề xuất khoảng 25 tỷ USD tín dụng thuế và tài trợ cho việc củng cố hoạt động sản xuất chất bán dẫn.
Từ trước đến nay, những con chip Xeon của Intel đã vận hành máy tính và trung tâm dữ liệu hỗ trợ các nhà máy điện hạt nhân, tàu vũ trụ và máy bay phản lực, đồng thời giúp chính phủ nhanh chóng tiếp nhận thông tin tình báo và những thông tin quan trọng khác. Nhiều bộ xử lý này được sản xuất tại các cơ sở ở Oregon, Arizona và New Mexico (Mỹ). Nếu Intel thuê công ty nước ngoài, thì rất có thể việc này sẽ được đảm nhiệm bởi TSMC của Đài Loan.
Chris Rolland – nhà phân tích của Susquehanna, nhận định: "Với động thái mới nhất, chúng tôi tin rằng Intel không có cơ hội để bắt kịp TSCM ít nhất trong nửa thập kỷ tới, hay thậm chí là không bao giờ". Ông cho rằng Intel nên bán lại nhà máy cho TSMC dù không chắc chắn điều này sẽ diễn ra.
Trong những năm qua, Intel đã chi hàng chục tỷ USD để nâng cấp các nhà máy và những người tiền nhiệm của Bob Swan đã coi các nhà máy sản xuất trong nước là lợi thế quan trọng giúp công ty dẫn đầu ngành công nghiệp. Là nhà sản xuất chip lớn nhất, Intel được hưởng lợi từ quy mô của nền kinh tế và thu hút nhiều kỹ sư, nhà khoa học giàu kinh nghiệm nhất.
Nhà đầu tư tháo chạy khỏi Intel, đổ tiền vào TSMC.
Sự phát triển của smartphone và những thiết bị di động khác đã thay đổi tất cả. Intel sau đó đã "lấn sân" sang mảng chip cho điện thoại di động, nhưng chưa từng cam kết sẽ sản xuất và có thiết kế tốt nhất cho lĩnh vực này. Họ vẫn ưu tiên cho mảng PC và chip server hơn. Khi doanh số bán smartphone tăng vọt, các nhà sản xuất điện thoại sử dụng chip xử lý của các công ty như Qualcomm hoặc tự thiết kế, ví dụ như Apple. Và các nhà máy của TSMC đang sản xuất những sản phẩm này.
Trong khi Intel sản xuất hàng trăm triệu con chip mỗi năm, thì TSMC sản xuất tới hơn 1 tỷ chip. Điều này đã giúp công ty đến từ Đài Loan có nhiều kinh nghiệm cải thiện nhà máy và giúp các kỹ sư của họ nổi trội hơn so với Intel về mặt thực hành kỹ thuật.
Hôm thứ Sáu tuần trước, Swan cho biết các sản phẩm của Intel hiện vẫn là tốt nhất dù hoạt động sản xuất đang bị trì hoãn. Tuy nhiên, việc mở ra cánh cửa dẫn tới hoạt động đi thuê công ty bên ngoài, vị CEO này đang đe dọa một trong những "thành trì" vững chắc cuối cùng trong vị thế dẫn đầu về công nghệ của Mỹ.
Caso đến từ Raymond James cho hay: "Việc thuê ngoài cho hoạt động sản xuất công nghệ tiên tiến hàng đầu – giả dụ là TSMC, Intel sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh quan trọng của họ trong 50 năm qua."
Nguồn: Genk.vn