Starlink là kế hoạch đầy tham vọng của SpaceX nhằm mang tới khả năng cung cấp Internet tốc độ cao tới mọi nơi trên thế giới, thông qua hệ thống gồm hàng chục nghìn vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo thấp.
Hiện tại, SpaceX đang bắt đầu tiến hành giai đoạn thử nghiệm tiền beta dịch vụ Starlink từ mùa hè năm nay. CEO Elon Musk khẳng định, Starlink sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh tại miền bắc nước Mỹ và miền nam Canada cuối năm nay và sẽ nhanh chóng mở rộng ra khắp thế giới vào năm 2021.
Mới đây nhất, SpaceX cho biết các cuộc thử nghiệm ban đầu đối với hệ thống vệ tinh Starlink đang mang lại kết quả đầy hứa hẹn. Các thử nghiệm nội bộ trong giai đoạn thử nghiệm beta của Starlink cho thấy, hệ thống Internet vệ tinh này "có độ trễ siêu thấp và tốc độ tải xuống hơn 100 Mbps", theo Kate Tice, kỹ sư cao cấp của SpaceX.
"Độ trễ này đủ thấp để bạn có thể chơi các tựa game online với tốc độ nhanh nhất. Tốc độ download cũng đủ nhanh để bạn có thể xem nhiều bộ phim HD cùng lúc và vẫn có băng thông dự phòng", kĩ sư này cho biết trong buổi livestream lên sóng hôm 4/9.
Nhiều chuyên gia công nghệ nhận định, mặc dù tốc độ 100 Mbps của Starlink vẫn kém xa so với các dịch vụ cáp quang trên mặt đất, đây vẫn là một thành tích đáng nể với một dịch vụ Internet vệ tinh.
Trên thực tế, tốc độ truy cập Internet của Starlink chỉ kém đôi chút so với tốc độ Internet băng thông rộng trung bình tại Mỹ, vốn chỉ đạt 118,6 Mbps. So với các dịch vụ Internet vệ tinh khác như của Hughesnet - nhà cung cấp internet dựa trên vệ tinh lớn nhất hiện nay ở Mỹ, tốc độ của Starlink cũng vượt xa. Hiện tại, Hughesnet cung cấp gói cước có tốc độ truy cập Internet khoảng 25 Mbps, tức chỉ bằng 1/4 so với của Starlink.
Đến thời điểm hiện tại, SpaceX đã phóng hơn 700 vệ tinh, vốn được thiết kế hoạt động ở quỹ đạo tầm thấp ở độ cao 550km. Tuy nhiên, con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ trong tổng số 12000 chùm vệ tinh Starlink dự kiến được SpaceX phóng lên không gian thời gian tới.
Được biết, SpaceX mới đây đã hoàn thành việc thử nghiệm công nghệ được hãng này gọi là "Laser không gian" – cho phép các vệ tinh Starlink có thể liên kết và truyền dữ liệu trực tiếp cho nhau trên quỹ đạo, thay vì phải truyền dữ liệu xuống mặt đất và nhận ngược lại dữ liệu.
"Với công nghệ "laser không gian", các vệ tinh Starlink có thể truyền hàng trăm gigabyte dữ liệu. Một khi công nghệ này được triển khai toàn bộ, Starlink sẽ là một trong những lựa chọn nhanh nhất hiện có để truyền dữ liệu tới khắp thế giới", kĩ sư của SpaceX cho biết.
Vào ngày 4/9 vừa qua, SpaceX đã lập một kỷ lục mới khi phóng thành công 180 vệ tinh chỉ trong vòng một tháng, vốn được coi tốc độ phóng vệ tinh nhanh nhất trong lịch sử. Sau khi phóng thêm ít nhất 300 vệ tinh, SpaceX sẽ tiến hành thử nghiệm Starlink trên diện rộng.
Nguồn: Genk.vn