Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Làn sóng sa thải của ngành công nghệ Trung Quốc lan rộng, giấc mộng "công việc trong mơ" tan vỡ

Làn sóng sa thải của ngành công nghệ Trung Quốc lan rộng, giấc mộng "công việc trong mơ" tan vỡ

Từ chỗ là "công việc trong mơ" cho giới trẻ, giờ đây những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang tiến hành sa thải hàng chục nghìn nhân sự cũng như dừng tuyển dụng mới.

Khi Aaron Wang gia nhập ByteDance ở tuổi 25, cô nghĩ rằng mình đã tìm được công việc trong mơ. Làm việc tại một thành phố phía đông Trung Quốc, Wang điều hành các dự án thu hút hàng trăm triệu lượt người xem mỗi ngày trên nền tảng Douyin của ByteDance, một phiên bản TikTok của Trung Quốc.

Cô nhận được sự tôn trọng từ bạn bè, khách hàng, mức lương cao cùng hàng loạt đặc quyền chỉ có ở các công ty công nghệ thịnh vượng. Hơn thế nữa, ByteDance có một nền văn hóa đa dạng và hòa nhập – điều hiếm thấy ở các công ty Trung Quốc.

Nhưng mọi thứ đột ngột thay đổi chỉ sau 2 năm.

Cuối năm 2021, Wang cùng cả nhóm bị ByteDance chấm dứt hoạt động và yêu cầu hoặc chuyển sang nơi làm việc mới hoặc nghỉ việc. Wang chọn nghỉ việc để ở cùng gia đình. Cô tìm được công việc mới tại JD.com tháng Ba năm nay. Cho dù người phỏng vấn từng đảm bảo rằng công ty sẽ không sa thải cô, nhưng chỉ 2 tuần sau, Wang cùng hơn 100 nhân viên khác bị sa thải qua một cuộc gọi video.

Mùa đông internet đang tràn đến các công ty công nghệ Trung Quốc

Trong hơn một thập kỷ qua những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc – Alibaba, Tencent, baidu, JD.com – đã trở thành điểm đến đáng mơ ước cho những người trẻ tuổi, được đào tạo tốt của nước này. Tăng trưởng bùng nổ của ngành công nghệ kéo theo lương cao, tiền thưởng lớn, quyền chọn cổ phiếu và uy tín xã hội có thể biến các nhân viên thành triệu phú sau mỗi đợt IPO.

Ngay cả văn hóa công ty cũng rất hấp dẫn. Vào dịp team-building, nhân viên có thể nhận được các chuyến đi miễn phí đến Universal Studios hoặc đi trượt tuyết. Các bữa tiệc hàng năm của mỗi công ty là sự hiện diện của những ngôi sao ca nhạc nổi tiến. Một cựu nhân viên ByteDance nói với Rest of World: "Ngay cả cái ghế tôi dùng ở ByteDance cũng có giá 740 USD."

Nhưng những ngày hoàng kim đó đang kết thúc. Không chỉ phải chật vật đối phó với sự kiểm soát gắt gao từ chính phủ, tình trạng phong tỏa do Covid-19, ngành công nghệ Trung Quốc còn phải chứng kiến sự suy giảm đầu tư và chi tiêu của người dùng. Những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc, bao gồm cả Alibaba và Tencent, đang ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu thấp nhất trong nhiều năm nay cùng các kế hoạch sa thải với mức độ chưa từng có.

Trong khi Alibaba và Tencent cho biết đang sa thải hàng chục nghìn lao động, ByteDance – công ty mẹ của TikTok – đã sa thải hàng trăm người trong lĩnh vực game và công nghệ giáo dục. Người khổng lồ gọi xe Didi Chuxing cũng thông báo kế hoạch sa thải toàn cầu. Xiaohongshu, phiên bản Instagram của Trung Quốc, thông báo sẽ cắt giảm ít nhất 9% lao động. Các kế hoạch cắt giảm nhân sự tương tự cũng được hàng loạt công ty khác công bố.

Một "mùa đông internet" đang tràn đến đe dọa sự thống trị của ngành công nghệ đối với thị trường tài năng trẻ của Trung Quốc. Các lao động trẻ đang đặt câu hỏi, liệu công việc với áp lực căng thẳng kéo dài nhiều giờ của ngành công nghệ còn xứng đáng với hay không.

Thời kỳ huy hoàng đã qua với những người khổng lồ công nghệ Trung Quốc

Mới chỉ một vài năm trước, nguồn tiền đầu tư khổng lồ rót vào các công ty công nghệ Trung Quốc với nỗ lực xây dựng nên các hệ sinh thái bao trùm lên mọi mặt cuộc sống của người dùng, từ thương mại điện tử, trò chơi cho đến cả giáo dục, tài chính và phim ảnh. Điều này cũng thúc đẩy sự mở rộng nhanh chóng của các công ty công nghệ Trung Quốc.

Năm 2011, Alibaba có 13.000 nhân viên, nhưng đến tháng Ba năm 2022, con số này là 250.000 người. Nhân sự của hãng Tencent cũng tăng vọt từ 12.000 người năm 2011 lên 112.000 người trong hơn một thập kỷ qua. ByteDance, được thành lập từ năm 2012, hiện cũng đã có hơn 100.000 nhân viên.


Ông Jack Ma từng đóng giá Micheal Jackson trong một bữa tiệc thường niên của Alibaba.

Nhưng đà tăng trưởng bùng nổ trong một thập kỷ qua cùng với ảnh hưởng ngày càng to lớn của các hãng công nghệ này cũng kéo theo sự chú ý của chính phủ Trung Quốc. Từ cuối năm 2020, một đợt trấn áp gắt gao của chính phủ Trung Quốc đã nhắm vào những người khổng lồ công nghệ nước này, nhắm vào các hành vi độc quyền, xâm phạm quyền riêng tư người dùng và nội dung thô tục. Bên cạnh đó, các lệnh cấm dạy thêm và giới hạn phát hành game cũng tác động mạnh đến các công ty trong ngành.

Hàng tỷ USD giá trị vốn hóa của các công ty công nghệ bị thổi bay cũng như buộc Ant Group và ByteDance phải dừng kế hoạch IPO. Thay vì theo đuổi lợi nhuận và mở rộng, giờ đây ưu tiên chính là kiểm soát rủi ro chính trị.

Không chỉ sự theo dõi gắt gao của chính phủ, điều đáng ngại hơn đang đến khi nền kinh tế nước này đang tăng trưởng chậm lại. Tình hình còn tồi tệ hơn với các biện pháp phong tỏa để kiểm soát dịch Covid-19. Hoạt động sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ, bất động sản liên tục sụt giảm trong các tháng gần đây. Chưa kể các biến động lớn trên thế giới khi cuộc chiến Nga và Ukraina bùng phát, sự sụt giảm thị trường chứng khoán toàn cầu…

Hàng loạt yếu tố tiêu cực cùng lúc đổ ập xuống khiến việc sa thải trở thành phổ biến đối với toàn ngành công nghệ Trung Quốc.


Cùng với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm, Alibaba đang lên kế hoạch cắt giảm hàng chục nghìn nhân sự

Không chỉ những gã khổng lồ phải cắt giảm nhân sự, tình trạng chung cũng lan sang cả các công ty nhỏ, khi doanh thu và các khoản đầu tư sụt giảm. Trả lời phỏng vấn của Rest of World, nhà quản lý tại một startup công nghệ ở Hàng Châu cho biết, anh vừa được yêu cầu sa thải 1/3 nhân sự trong nhóm để cắt giảm chi phí. Thậm chí anh còn được chỉ dẫn không nói đến từ "sa thải" – thay vào đó là thông báo "Giờ bạn cần phải rời khỏi công ty."

"Tôi cảm giác như trời đất đang sụp xuống"

Đối với những người còn giữ được việc làm, phải chứng kiến các đồng nghiệp rời đi là một trải nghiệm tồi tệ. Hầu hết những người được Rest of World phỏng vấn đều cho biết, năng suất làm việc của đồng nghiệp họ đều giảm sút rõ rệt khi ai cũng lo ngại dự án của mình sẽ bị loại bỏ.

Không phải ai cũng cảm thấy đau khổ vì đợt sa thải này. Đối với các lao động cổ cồn trắng của Trung Quốc, sự bất mãn đã kéo dài trong nhiều năm nay với văn hóa làm việc khắc nghiệt 996 – thời gian làm việc kéo dài từ 9h sáng đến 9h tối, 6 ngày/tuần. Lịch trình làm việc khắc nghiệt này từng được xem là nguyên nhân gây ra cái chết đột ngột của một số người vì làm việc quá sức.

Thậm chí, năm 2019, nhiều nhân viên công nghệ đã dùng nền tảng code mã nguồn mở GitHub để phản đối các công ty công nghệ dùng văn hóa làm việc 996 cùng những lời hứa hẹn về tương lai để vắt kiệt sức lực nhân viên. Vì vậy, đối với một số nhân viên, bị sa thải lại trở thành cú hích cần thiết để họ giải thoát bản thân khỏi lĩnh vực công nghệ.


Nhân viên một công ty thương mại điện tử làm việc xuyên đêm trong dịp mua sắm Ngày Độc Thân ở Trung Quốc năm 2017

Nhưng đối với đa số các nhân viên của thế hệ Millennial ở Trung Quốc (những người sinh từ năm 1980 đến 1995), đợt sa thải này lại là một cú sốc lớn cho họ. Nhiều người đã phải trải qua quá trình giáo dục khắc nghiệt với hy vọng nhận được công việc trong mơ tại các hãng công nghệ lớn.

Giờ đây cuộc khủng hoảng việc làm này đã giáng một đòn mạnh vào những người xây dựng cuộc sống phụ thuộc vào thu nhập hào phóng của ngành công nghệ. Trong nhiều năm, đa số họ đã quen với mức thu nhập cao và các khoản thưởng tăng lương đều đặn, giúp họ mua được nhà tại các thành phố lớn cũng như đưa con đi học ở những ngôi trường đắt đỏ - các biểu tượng của tầng lớp trung lưu thành công tại Trung Quốc. Giờ đây bọn họ phải nghĩ đến các kế hoạch mới khi không còn nguồn thu nhập này nữa.

Anna, một người vợ nội trợ được Rest of World phỏng vấn cho biết, chồng cô giờ đã bước sang độ tuổi ngoài 30 khi bị sa thải vào tháng Tư vừa qua. Bên cạnh đó, cô còn tiết lộ hàng loạt khoản chi cho gia đình mình hàng tháng, bao gồm 1.099 USD tiền trả góp mua nhà, 560 USD khác cho đồ dùng, thực phẩm, 190 USD khác để chăm sóc con. "Tôi cảm thấy như trời đất đang sụp xuống." Anna còn không biết, liệu họ có đủ tiền cho con đi học hay không.

Berry Liu, người đứng đầu startup tuyển dụng tại Thâm Quyến cho biết, vào năm 2020, nếu một kỹ sư phần mềm cao cấp nhảy việc, anh ta có thể nhận được 10-20 lời chào mời với mức lương cao hơn từ 50% đến 100%. Nhưng giờ đây hầu hết các hãng lớn đều dừng tuyển dụng qua các công ty môi giới. "Mọi công ty đều nói về cắt giảm chi phí và gia tăng hiệu quả." Liu cho biết.

Dù đây chưa hẳn là một tín hiệu cho sự suy thoái dài hạn đối với ngành công nghệ, nhưng làn sóng sa thải quy mô lớn này cho thấy những người khổng lồ internet Trung Quốc không còn là công việc trong mơ hay tấm vé thành công cho các lao động trẻ nước này nữa.


Nhân viên Baidu ăn trong nhà ăn với các tấm vách nhựa

Trên thực tế, việc kinh tế Trung Quốc đi xuống trong thời gian vừa qua đã kéo theo làn sóng sa thải ở cả những lĩnh vực khác nữa. Dù mất việc, những người trong ngành công nghệ thường nhận được các khoản trợ cấp thôi việc cao hơn và có tiến tiết kiệm tốt hơn so với các ngành khác. Nhưng với sự bất ổn gia tăng trong ngành, nhiều lao động trẻ đang xem xét các công việc khác.

Li Xiaotian, nhà nghiên cứu Đại học Hong Kong cho biết, với việc tham gia ngành internet, một lớp lao động tài năng đã từ bỏ cơ hội làm việc trong lĩnh vực Nhà nước để theo đuổi thu nhập cao và cơ hội có được tên tuổi riêng. Nhưng khi ngành internet Trung Quốc bước vào giai đoạn độc quyền và cạnh tranh khốc liệt, nhiều tài năng này xem mình chỉ như những người lao động bị các ông trùm công nghệ bóc lột.

"Nếu bạn bị Jack Ma sa thải, bạn sẽ khó có thể tìm được công việc với mức lương tương tự." Li cho biết.

Điều này có thể lý giải cho sự tăng vọt lượng đơn xin việc nộp vào kỳ thi công chức quốc gia trong thời gian gần đây. Năm 2021, khoảng 2,12 triệu thí sinh đã tham gia kỳ thi này để cạnh tranh 31.200 vị trí công việc trong Nhà nước. Điều đó cho thấy, thế hệ sinh viên Gen Z đang từ bỏ giấc mơ làm giàu để chọn lấy công việc ổn định – một vị trí an toàn – dù thu nhập thấp hơn.


Các thí sinh đi bộ đến địa điểm thi để tham dự kỳ thi công chức quốc gia tại một trường đại học ở Nam Kinh năm 2020

Đối với Wang, cựu nhân viên của ByteDance và JD.com, cuối cùng cô cũng tìm được việc làm truyền thông xã hội tại một công ty dược phẩm vào tháng Tư vừa qua. Ngoài việc thu nhập bị giảm đến 40%, cô cũng phải làm quen với văn hóa công việc mới: mọi dự án đều phải được quản lý cấp cao phê duyệt, đồng nghiệp hầu hết là những người sắp đến tuổi về hưu và chẳng bao giờ làm việc xuyên ngày nghỉ.

Tuy nhiên, không bị căng thẳng do công việc lại làm cô lo lắng về vấn đề khác. Sau khi trải qua một giai đoạn thăng trầm của ngành công nghiệp internet, cô lo rằng điều đó lại xảy ra lần nữa: "Nếu công ty này cũng phá sản thì sao? Tôi không muốn bị nghiền nát khi một điều gì khác xảy ra."

Wang đang thực hiện nhiều kế hoạch dự phòng: hoàn thiện kỹ năng đồ họa, đăng ký cho kỳ thi công chức sắp tới, học về an toàn kiến trúc cũng như các chứng chỉ giảng dạy khác. Wang hy vọng khi 30 tuổi, cô có thể trở lại một công ty như ByteDance, nơi cô có thể làm việc chăm chỉ vài năm để tiết kiệm tiền cho nghỉ hưu trước khi bước sang 35 tuổi – độ tuổi nghỉ hưu không chính thức của ngành công nghệ.

Là cựu nhân viên của ByteDance, cô vẫn sở hữu các quyền chọn cổ phiếu của công ty và hy vọng về đợt IPO được công ty lên kế hoạch từ năm 2020. "Tôi không có bất kỳ tham vọng lớn nào nữa." Wang cho biết. "Tôi chỉ muốn có đủ tiền nghỉ hưu".

GenK

Bài viết tương tự