Vào 2015, một hãng với cái tên lạ lẫm là Light làm cả thị trường phải sửng sốt khi ra mắt chiếc máy ảnh du lịch Light L16. Mặt sau của sản phẩm này không phải 1, không phải 2 mà tới 16 chiếc camera khác nhau được sắp xếp hỗn độn để thực hiện một tác vụ duy nhất: chụp những bức hình đẹp.
Chiếc Light L16
Mặc dù thu hút được sự chú ý của công chúng, thậm chí còn được đầu tư tới 30 triệu USD, Light L16 với giá bán 2000 USD nhanh chóng thất bại kèm theo đó là hãng loạt lượt đánh giá tiêu cực trên toàn mạng. Đến 2018, Light nói rằng sẽ áp dụng công nghệ này lên smartphone để nâng cấp chất lượng hình ảnh trên loại sản phẩm này, và tiếp tục nhận được khoản đầu tư lên tới 121 triệu USD từ 'ông lớn' Leica.
1 năm sau, Light thông báo là đã bắt tay hợp tác với Sony và Xiaomi. Hãng cũng cùng Nokia phát triển chiếc Nokia, với 5 camera ở mặt sau 12MP có cùng tiêu cự để chụp ảnh chất lượng cao. Song mới đây, hãng đã thông báo với trang Android Authority rằng "Sẽ không tham gia vào việc phát triển hệ thống chụp hình trên bất cứ một smartphone nào nữa".
Nokia 9
Khi vào trang web của Light, ta không còn thấy mục camera du lịch hay smartphone nữa, có vẻ như hãng sẽ sử dụng công nghệ của mình vào ngành công nghiệp ô tô tự lái. Được biết, hãng đã lại xin được khoản đầu tư lên tới 185.7 triệu USD từ quỹ SoftBank Vision Fund, nhưng liệu rằng hãng có thể thành công ở thị trường mới hay không vẫn là một dấu hỏi lớn.
Website Light đã không còn mục smartphone
Vậy điều gì khiến Light từ bỏ thị trường smartphone? Câu trả lời nằm ở sự phát triển vượt bậc của nhiếp ảnh điện toán (Computational Photography). Có lẽ ai cũng biết rằng chất lượng hình ảnh của smartphone thua rất nhiều so với máy ảnh chuyên nghiệp, vì những giới hạn về vật lý như kích thước cảm biến, chất lượng của ống kính phía trước.
Ta có 2 hướng để giải quyết vấn đề này, hướng đầu tiên là làm như Light đó là 'lấy số lượng bù chất lượng'. Hãng đem nhiều camera có cấu hình giống nhau, từ tiêu cự, độ phân giải tới khẩu độ để chụp những bức hình ở độ sáng khác nhau, sau đó mới sử dụng thuật toán để ghép chúng lại với nhau cho ra một hình ảnh duy nhất.
Những smartphone cao cấp hiện nay cũng chỉ có 3 - 4 camera sau mà thôi!
Các hãng khác thay vì phải 'rườm rà' như vậy, tập trung nâng cấp chất lượng của một camera duy nhất bằng cách sử dụng cảm biến lớn nhất có thể, ống kính cao cấp hơn và đặc biệt là những thuật toán xử lý ảnh tốt hơn. Tại sao phải trang bị thật nhiều camera để giá thành phải tăng lên, khi tất cả có thể thực hiện được bằng 1 chiếc duy nhất?
Lượng xử lý mà Apple áp dụng để cho ta 1 bức ảnh chân dung duy nhất
Một hệ quả khác cũng cần phải nói tới, đó là Light tập trung vào việc chụp 1 loại ảnh với chất lượng cao, mà quên đi sự đa dụng cần có trên nhiếp ảnh di động. Những smartphone mới hiện nay vẫn có nhiều camera (thường là 3 - 4) nhưng mỗi loại sẽ có một mục đích khác nhau, bao gồm chụp siêu rộng, chụp zoom, chụp cận cảnh macro hay đo chiều sâu cho việc chụp chân dung xóa phông.
Sự thất bại của Light một lần nữa khẳng định cuộc đua chất lượng ảnh trên smartphone không nằm ở những con số ấn tượng ở phần cứng, mà là cách từng hãng tối ưu hóa thuật toán cho bước hậu kỳ. 1 camera duy nhất với thuật toán thông minh vẫn sẽ 'ăn đứt' 16 camera làm chung một công việc!
Nguồn: Genk.vn