Nếu phải chọn ra điểm đặc biệt nhất về chiếc Huawei Mate 30 Pro vừa ra mắt thì đó chắc chắn phải là công nghệ màn hình "thác nước". Trên mẫu đầu bảng ra mắt vào thời điểm sống còn, Huawei cũng đã quyết định chơi trội bằng cách bỏ các nút bấm vật lý và yêu cầu người dùng "miết" tay trên cạnh trái của máy để điều chỉnh âm lượng.
Nhưng điểm đặc biệt nhất của Mate 30 Pro lại chẳng phải là của riêng Huawei. Trước sự kiện Mate 30 chỉ 2 ngày, Vivo cũng ra mắt mẫu đầu bảng NEX 3 với màn hình... thác nước. Nút bấm ở cạnh lưng cũng bị hủy bỏ, màn hình cũng "tràn" sang hai bên, và người dùng cũng phải miết tay trên cạnh trái uốn cong để điều khiển âm lượng.
Màn hình thác nước, công nghệ "đỉnh" của Huawei Mate 30 Pro...
...thực chất lại đã ra mắt trên Vivo NEX 3 trước đó vài ngày.
Nếu Vivo đã có thì người anh em OPPO cũng có. Ngay từ cuối tháng 7, OPPO đã vén màn một phiên bản mẫu cho công nghệ "thác nước". Không hiểu vì lý do gì OPPO chưa tung ra sản phẩm chính thức, nhưng có lẽ là thương hiệu lớn nhất của BKK đang "để dành" màn hình này cho một sản phẩm đình đám không kém gì Mate 30.
Và như để điểm danh cho đủ bộ, nếu Huawei có, Vivo có, OPPO có thì Xiaomi cũng phải có. Dựa theo các tin đồn rò rỉ, một mẫu Mix mới mang tên "Mi Mix Alpha" sẽ là sản phẩm đầu tiên của Xiaomi được trang bị màn hình thác nước.
Không phải lần đầu
Màn hình thác nước không phải là lần đầu tiên các hãng Trung Quốc "hội tụ công nghệ". Trước loại màn hình này, cả "tai thỏ", "nốt ruồi" hay "giọt nước" đều ngay lập tức phổ biến trên smartphone Huawei, OPPO, Vivo và Xiaomi ngay sau khi được giới thiệu bởi 1 trong 4 thương hiệu này (hoặc bởi Apple và Samsung).
"Chia sẻ" màu vỏ: Một hãng có, cả làng có!
Dĩ nhiên, công nghệ camera thò thụt đi kèm với màn hình tràn viền cũng chẳng phải là của riêng hãng smartphone Trung Quốc nào cả. Ống lens xếp cho phép zoom 5X có mặt trên Huawei P30 và OPPO Reno gần như cùng thời điểm. Màu lưng gradient được Huawei và OPPO liên tục "khoe khoang" chỉ mất vài tháng để đặt chân lên Xiaomi Mi 8. Những bộ cảm biến vân tay dưới màn cũng đều mang chung một số phận: chúng xuất hiện trên một chiếc smartphone Trung Quốc rồi lan rộng ra rất nhiều những chiếc smartphone Trung Quốc khác.
Hiện tượng đặc biệt này thực ra lại vô cùng dễ hiểu: smartphone Trung Quốc đến giờ vẫn rất ít sáng tạo đòi hỏi sự đầu tư riêng. Gần như bất kỳ một sáng tạo nào đó được các thương hiệu này tung hô đều đến từ chuỗi cung ứng. Chỉ cần Samsung hay BOE tạo ra được công nghệ thác nước, smartphone Trung Quốc ngay lập tức phổ biến thác nước. Chỉ cần Synaptics hay Goodix tạo ra cảm biến vân tay dưới màn rồi bán cho Vivo thì vài ngày sau, Xiaomi, Huawei và Doogee chắc chắn sẽ tìm đến để mua công nghệ.
"Sáng tạo" của smartphone Trung Quốc thực chất là sáng tạo của chuỗi cung ứng.
Bảo sao iPhone năm vừa qua chán đế vậy mà vẫn là đại diện duy nhất của phân khúc cao cấp trong top 10 thế giới. Bảo sao Galaxy S10 vẫn bán nhanh gấp đôi P30 dù giá đắt hơn hẳn. "Đoàn kết" theo kiểu chia sẻ công nghệ hiện tại là minh chứng cho thấy sự sáng tạo của smartphone Trung Quốc thực chất là như thế nào.
Nguồn: Genk.vn