Mới đây, ông Nhậm Chính Phi, sáng lập kiêm CEO của Huawei đã tuyên bố kế hoạch của công ty trong tương lai là tập trung vào phát triển phần mềm, như một động thái để tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Và động thái mới nhất của công ty là sẽ chính thức ra mắt hệ điều hành HarmonyOS (hay HongmengOS) vào ngày 2/6 tới, công bố việc nó có thể cài đặt trên các thiết bị đầu cuối di động như smartphone. Huawei cũng dự kiến đến cuối năm 2021, số lượng thiết bị được trang bị hệ điều hành này sẽ đạt 300 triệu, trong đó hơn 200 triệu là thiết bị của Huawei và còn lại là của các đối tác bên thứ ba.
Trên thực tế, nhiều người dùng tại Trung Quốc từ lâu đã được trải nghiệm phiên bản thử nghiệm nội bộ và gần đây là cả phiên bản thử nghiệm công khai của hệ điều hành này. Gần đây nhất, Huawei đã tung ra phiên bản HarmonyOS 2.0 Beta 3. Và dường như để "chuẩn bị" cho ngày ra mắt HarmonyOS, gần đây một làn sóng chia sẻ trải nghiệm và bình luận về... cảm xúc khi sử dụng hệ điều hành này của Huawei đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng người dùng Trung Quốc.
Một số blogger tuyên bố sau khi thiết bị Mate X2 được nâng cấp lên HarmonyOS 2.0, họ nhận thấy điều rõ ràng là một số game có độ trôi chảy và ổn định hơn khi chơi, tốt hơn phiên bản EMUI 11, đồng thời mức tiêu thụ điện năng cũng thấp hơn. EMUI là giao diện người dùng tùy chỉnh dựa trên hệ điều hành Android được Huawei phát triển cho các thiết bị di động và máy tính bảng của mình. Do đó những người này tuyên bố "Có thể thấy hệ thống HarmonyOS thực sự tốt hơn hẳn Android."
Tuy nhiên, các blog cũng "chê" rằng do hệ sinh thái của Huawei còn non nớt, hầu hết các ứng dụng hiện đang chạy trong hệ thống HarmonyOS thực ra vẫn đang chạy trên nền Android, do đó độ trôi chảy vẫn còn tương đối hạn chế. Hay nói cách khác, chính nền tảng Android là thứ đã cản trở hiệu quả của HarmonyOS.
Trong khi đó, một blogger đã thử nghiệm nhạc chuông điện thoại di động của hệ thống HarmonyOS và quay video về nhạc chuông tùy chỉnh. Người này khen âm lượng của nhạc chuông đã được thay đổi trên cơ sở ban đầu, vì vậy nó "thực sự mang lại trải nghiệm thính giác khác biệt".
Có người thì quay lại hẳn video để so sánh độ "trôi chảy" của hệ thống HarmonyOS 2.0 với iOS 14, tuyên bố tốc độ xử lý hình ảnh và tốc độ khởi động ứng dụng của HarmonyOS mượt mà vượt bậc so với iOS. Trong video đó, thiết bị sử dụng để thực hiện so sánh là Huawei Mate 40 Pro và iPhone 11 chạy bản cập nhật iOS 14.3.
Nhưng nhiều người nhận ra "vấn đề" trong video khi hai thiết bị được sử dụng có sự chênh lệch về thời điểm ra mắt, khi model iPhone ra đời trước điện thoại Huawei tới một năm, chưa kể iOS 14.3 không phải là phiên bản mới nhất của iOS 14. Ngoài ra, trong quá trình so sánh, các tác vụ nền của iPhone 11 không bị xóa, thậm chí có cả một trò chơi vẫn đang chạy, trong khi ứng dụng nền của Huawei Mate 40 Pro bị xóa hoàn toàn.
Ảnh chụp từ video so sánh iOS (trái) và HarmonyOS (phải) của người dùng Trung Quốc.
Một số "cư dân mạng" khác lại cho rằng xét về mức độ dễ sử dụng thì HarmonyOS hơn hẳn IOS, còn IOS thì... không bằng Android. Các ví dụ minh họa được nhắc đến có thể kể như thao tác vuốt ngược màn hình, hay cách truyền trực tiếp file giữa điện thoại di động và máy tính.
"Xét về mức độ mượt mà thì HarmonyOS mạnh hơn lOS rất nhiều, hệ điều hành iOS hiện tại không chỉ cồng kềnh mà phần code cũng loạn, khác xa so với trước đây", tác giả một bài viết trên Sina so sánh. Người này nói rằng nhiều người thử nghiệm khác cũng có quan điểm giống mình, rằng độ mượt mà của iOS không bằng hệ điều hành Android gốc, thậm chí độ dễ sử dụng còn kém hơn.
"Tôi không có ý định khen hay chê hệ máy nào, kể cả Android. Tôi không biết hệ thống HarmonyOS có thể vượt qua Android hay không, nhưng tôi biết rằng Android chắc chắn sớm muộn gì cũng bị đào thải, chứ không phải do HarmonyOS hoặc iOS", tác giả nói thêm.
Giao diện lõi của HarmonyOS và Android gần như không có sự khác biệt.
Trên thực tế, không phải ai cũng có quan điểm giống với những nhận định trên. Một số lập trình viên thử nghiệm HarmonyOS đã phát hiện rằng hệ điều hành này của Huawei thực chất chỉ là một phiên bản Android "trá hình". Nó không chỉ có giao diện gần như tương đồng so với EMUI mà còn "thừa hưởng" cấu trúc hệ thống hay ứng dụng. Thậm chí, bộ phát triển ứng dụng (SDK) của HarmonyOS cũng sử dụng rất nhiều thành phần từ Android.
Một người dùng tại Trung Quốc sử dụng chiếc Mate 40 Pro+ đã nâng cấp từ Android lên phiên bản thử nghiệm của HarmonyOS. Trước đó, anh này có cài đặt một số ứng dụng Google, trong đó bao gồm cửa hàng ứng dụng Play Store.
Thế nhưng, sau khi lên HarmonyOS, các dịch vụ Google vẫn có thể sử dụng được. Thậm chí, anh này còn có thể sử dụng Play Store để tải về cũng như cập nhật các ứng dụng. Với việc Google không cho phép Play Store có thể chạy trên bất kỳ nền tảng nào khác ngoài Android, có thể một lần nữa thấy rằng HarmonyOS của Huawei thực chất vẫn chỉ là Android, chứ không phải một nền tảng mới hoàn toàn.
Nguồn: Genk.vn