Vị thế thống trị của Apple, Samsung chưa bao giờ bị đe dọa mạnh mẽ đến thế, khi các hãng sản xuất Trung Quốc tung ra các sản phẩm vừa rẻ vừa đầy sáng tạo.
Một tín hiệu đáng ngại cho những gã khổng lồ - những người đã bóp nghẹt thị trường điện thoại trị giá 500 tỷ USD trong nhiều năm qua, Huawei Technology của Trung Quốc đã đánh bại Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 2 thế giới. Giờ đây, họ đặt mục tiêu giành lấy vị trí số một của Samsung.
Đó là chưa kể, hàng loạt nhà sản xuất khác cũng đang đuổi gấp rút phía sau. Dưới đây là những cái tên đáng chú ý:
Đặt trụ sở tại trung tâm công nghệ phía Nam của Trung Quốc là Thâm Quyến, Huwei đang đổ tiền để đầu tư cho camera trên smartphone nhằm gây ấn tượng với người dùng. Chiếc di động đầu bảng của họ - P20 Pro - sở hữu 3 camera sau, được sản xuất dựa trên công nghệ của hãng camera Đức có 104 năm tuổi đời là Leica.
Huawei trở thành kẻ thách thức thực sự với các ông lớn như Apple, Samsung. Ảnh: Bloomberg. |
Huawei cũng mang đến màu sắc lạ mắt với hiệu ứng cầu vồng mà hãng gọi là Twilight, tạo khác biệt cho sản phẩm của họ với những chiếc di động màu sắc đơn điệu trên thị trường.
Giống với hầu hết thiết bị Trung Quốc, P20 Pro không quá đắt. Nó được bán với giá 800 USD tại Trung Quốc, so với mức trên 1.000 USD của iPhone X. Galaxy Note 9 - model sẽ sớm ra mắt tại New York - được kỳ vọng có giá ít nhất 1.200 USD. Có mặt tại hơn 170 quốc gia, doanh số smartphone Apple đã vượt mặt Apple, ngay cả khi họ hoàn toàn vắng mặt tại Mỹ do chính phủ nước này lo ngại các vấn đề bảo mật.
Hãng sản xuất có trụ sở tại Bắc Kinh không ngại học theo Apple, từ diện mạo những chiếc smartphone, cho đến thiết kế các cửa hàng bán lẻ. Giống Apple, Xiaomi cố tạo ra một hệ sinh thái, vận hành app store và dịch vụ nhạc số riêng. Những năm gần đây, Xiaomi đã thoát khỏi cái bóng của Apple với những chiếc smartphone màn hình không viền độc đáo.
Điện thoại của Xiaomi rẻ hơn nhiều so với các đối thủ. Model cao cấp nhất của họ - Mix 2S - bán với giá khoảng 500 USD, sở hữu camera kép, vỏ gốm, màn hình không viền.
Người dùng tại Mỹ, châu Âu, thậm chí Trung Quốc rất khó tìm thấy một chiếc điện thoại Transsion. Nhưng tại châu Phi, hãng di động có trụ sở tại Thâm Quyến chính là vua.
Thành lập năm 2006, công ty này nhanh chóng đánh cược vào thị trường châu Phi, đặt dây chuyền sản xuất đầu tiên tại Ethiopia. Từ đó, họ vươn mình trở thành nhà sản xuất hàng đầu tại đây, với 3/10 smarrphone bán ra từ thương hiệu con của Transsion là Tecno Mobile.
Chiếc smartphone Spark 2 sở hữu màn hình tràn viền, hệ thống mở khoá face-ID, camera chất lượng cao nhưng chỉ bán với giá 100 USD trên Jumia – trang bán hàng online tại châu Phi. Transsion vượt mặt Samsung, Apple để trở thành hãng sản xuất lớn nhất châu Phi, bán gần 12 triệu smartphone trong quý IV năm ngoái, theo Canalys.
Giá bán trung bình của smartphone Apple, Samsung so với các đối thủ từ Trung Quốc. Nguồn: IDC. |
Khởi đầu là một nhà sản xuất thiết bị chơi nhạc MP3 và đầu DVD, có thể xem Oppo là một kẻ trái ngành khi tham gia sản xuất smartphone. Hiện tại, thương hiệu smartphone Oppo đã rất mạnh tại một số nước châu Á và họ đang muốn lấy số tại châu Âu.
Oppo vừa cho ra mắt chiếc di động cao cấp nhất của mình là Find X với giá 999 euro (1.154 USD) tại Paris. Điểm nổi bật của sản phẩm này chính là màn hình, với tỷ lệ hiển thị lên đến 93,8%, cao hơn nhiều so với mức 81,5% trên iPhone X. Camera trên smartphone của Oppo cũng được đánh giá cao và được yêu thích đặc biệt bởi các tín đồ selfie.
Oppo và Vivo có thể là đối thủ của nhau nhưng có chung người sáng lập là doanh nhân Duan Yongping. Công ty này gây ấn tượng bằng những chiếc smartphone chất lượng cao, pin khoẻ kèm giá bán cạnh tranh. Họ cũng là một trong những hãng di động Trung Quốc đầu tiên tiếp cận các thị trường đang phát triển như Ấn Độ.
Vivo tung chiếc smartphone mỏng nhất thế giới – mẫu X1 – năm 2012, và cung cấp chất lượng âm thanh vượt trội tại các thị trường chính như Trung Quốc và Đông Nam Á.
Oppo và Vivo chủ yếu nhắm đến người dùng trẻ, khai thác thế mạnh của những nhân vật có ảnh hưởng tới giới trẻ và gắn liền với hình ảnh sản phẩm giá mềm. Với giá trung bình của một chiếc iPhone X, bạn có thể mua 4 chiếc Vivo.
Model mới nhất của Vivo – Nex – có giá từ 570 đến 730 USD tại Trung Quốc. Nó sở hữu màn hình tỷ lệ 91,2%, gần nhất với Oppo Find X.
Smartphone của OnePlus thường có hiệu năng rất ấn tượng. Ảnh: BGR. |
OnePlus có hướng đi khác biệt so với các hãng di động Trung Quốc nói trên. Họ tập trung phát triển sản phẩm tại Mỹ, châu Âu và Ấn Độ, thay vì thị trường nội địa. Ban đầu, để mua được một chiếc OnePlus, bạn phải có thư mời từ hãng. Bằng cách giữ cho sản phẩm có giá bằng một nửa so với đối thủ, trong khi cấu hình tương đương, smartphone của OnePlus luôn được săn đón và cháy hàng mỗi khi lên kệ.
Tốc độ chính là điểm mạnh nhất của smartphone OnePlus. Trong các bài benchmark, người ta thường xuyên thấy smartphone này đạt điểm số cao hơn iPhone và các mẫu di động Android khác. Có được điều này là nhờ hãng đã thiết kế phần mềm cực kỳ gọn nhẹ với các tính năng cơ bản nhất.
Model cao cấp nhất của họ, OnePlus 6, có thông số kỹ thuật không thua kém sản phẩm nào, chụp xoá phông đẹp mặt, nhưng giá bán chỉ hơn 500 USD, bằng một nửa so với iPhone X.
Theo Zing.vn
Nguồn: Ictnews.vn