Trong vài năm qua, Huawei đã ra mắt hai dòng smartphone flagship là P series và Mate series. Những chiếc smartphone flagship này cũng được trang bị những bộ vi xử lý cao cấp nhất, do chính Huawei tự sản xuất. Tuy nhiên, Huawei đang gặp khó khăn trong việc sản xuất chip xử lý Kirin, do những đòn trừng phạt nặng nề từ phía Mỹ.
Tháng 5 năm ngoái, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã thay đổi quy tắc xuất khẩu, buộc tất cả các nhà sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu mà có sử dụng công nghệ của Mỹ, phải có giấy phép trước khi được hợp tác và cung ứng linh kiện cho Huawei. Trong đó có TSMC, nhà sản xuất chip di động lớn nhất hiện nay.
Huawei là khách hàng lớn thứ 2 của TSMC, sau Apple. Trước khi quy tắc xuất khẩu mới của Mỹ có hiệu lực, TSMC đã sản xuất và giao một lô hàng chip Kirin 9000 5nm cho Huawei. Những con chip này được trang bị cho Mate 40 và Mate X2.
Huawei cũng đang phát triển hai biến thể khác của con chip Kirin 9000, đó là Kirin 9000E và Kirin 9000L. Trong đó, Kirin 9000E có ít lõi GPU hơn so với Kirin 9000 (22 lõi so với 24 lõi), và có ít hơn một lõi xử lý NPU. Còn Kirin 9000L cũng tương tự như vậy, nhưng sẽ có tốc độ xung nhịp thấp hơn (2.8Ghz so với 3.1Ghz).
Biến thể Kirin 9000L được cho là sẽ do Samsung Foundry sản xuất, xưởng đúc lớn thứ hai thế giới sau TSMC. Con chip này sẽ được sản xuất bằng quy trình EUV 5nm của Samsung. Những con chip Kirin 9000L này cũng được đồn là sẽ trang bị cho dòng smartphone Huawei P50, sắp ra mắt trong thời gian tới đây.
Hiện tại, mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thực sự rõ ràng, sau khi Tổng thống Biden mới nhậm chức. Tuy nhiên, khả năng để Huawei có thể trở lại hoạt động bình thường là khá thấp. Khi mà phía Mỹ vẫn sẽ tiếp tục sử dụng các đòn trừng phạt nhằm vào gã khổng lồ Huawei, để có được lợi ích trên bàn đàm phán với phía Trung Quốc.
Nguồn: Genk.vn