Ba camera, nhận diện khuôn mặt, đó là những sáng tạo gần đây nhất trong thị trường smartphone nhưng liệu như vậy có đủ để thành công hay không?
Hầu hết các thương hiệu nổi tiếng ngày nay đều không tập trung nhiều vào sáng tạo nữa mà thay vào đó là cải tiến. Như Samsung sau khi ra mắt S8 với sự sáng tạo vượt bậc so với S7 thì ngay lập tức chững lại với S9, tương tự như vậy, Xiaomi ra mắt Mi MIX cực kỳ đột phá để rồi Mi MIX 2 và 2S chỉ là các bản nâng cấp cấu hình, gần như giữ nguyên thiết kế.
Có thể thấy rõ là trong thời đại smartphone, chỉ có sáng tạo cũng không đủ để mang lại thành công, dưới đây là những ví dụ điển hình:
Palm
Palm chính là công ty có nhiều sáng tạo nhất trong danh sách này, hai chiếc Palm Pre và Pixi là những thiết bị tiên phong cho các tính năng phổ biến trên smartphone ngày nay.
Từ khả năng điều hướng bằng cách vuốt màn hình mà giờ đây đang được Apple, Xiaomi và nhiều hãng khác theo đuổi, cho đến menu đa nhiệm dạng thẻ ngày nay đều bắt nguồn từ Palm. Đây cũng là một trong những tên tuổi đầu tiên có điện thoại hỗ trợ khả năng sạc không dây.
Sáng tạo là thế nhưng số phận của Palm khá ảm đảm khi được HP mua lại rồi bán cho các công ty khác. Qualcomm giữ bằng sáng chế webOS, LG được phép sử dụng hệ điều hành này cho TV thông minh và TCL sở hữu thương hiệu Palm. Liệu Palm có một lần nữa quay lại thị trường dưới tay TCL hay không?
HTC
Trong những năm qua, HTC đã giới thiệu nhiều sáng kiến độc đáo trên smartphone.
HTC là một trong những hãng đầu tiên trang bị camera kép cho điện thoại, chiếc HTC Evo 3D năm 2011. Đầu tiên camera kép của hãng là để chụp 3D, đến 2014 HTC ra mắt One M8 với khả năng xoá phông, lấy nét sau, tuy nhiên chất lượng lại chưa thật sự tốt lắm.
Hãng điện thoại đến từ Đài Loan này cũng tiên phong trong việc tạo ra các thiết bị convertible (các máy có thể chuyển đổi hình dáng) với chiếc Advantage màn hình 4:3 ra mắt năm 2007, rất lâu trước khi các máy tính lai trở nên phổ biến. HTC Advantage chạy Windows Mobile cũng bình thường thôi, nhưng vào năm 2007 thì có bao nhiêu thiết bị chạy Windows Mobile mà có thiết kế theo phong cách laptop như Advantage đâu chứ.
HTC cũng là hãng tạo ra tính năng bóp thông minh, hay đi đầu trong việc cho phép ghi âm Hi-Res Audio,... dù vậy, những sáng tạo này đã đưa HTC về đâu ngoài việc giúp các công ty khác có thêm ý tưởng mới.
Sony
Tập đoàn công nghệ Nhật Bản đã mang đến rất nhiều sáng tạo trong lĩnh vực smartphone. Gần đây nhất có thể kể đến như tính năng quay phim siêu chậm 960fps trên XZ Premium mà sau này Samsung và Huawei mới trang bị cho smartphone của họ.
Sony cũng là hãng đầu tiên sử dụng màn hình 4K trên smartphone và cũng rất tích cực trong việc đẩy mạnh công nghệ AR.
Đáng tiếc cho Sony, những sáng tạo đó, những nỗ lực đó lại không mang về trái ngọt.
LG
Nói đến sáng tạo thì cũng không thể bỏ qua LG. Năm 2006 hãng ra mắt chiếc Prada với màn hình và giao diện tập trung vào cảm ứng, điều mà đến một năm sau Apple mới giới thiệu trên iPhone và sau đó nữa Android mới đi theo.
LG có không ít các ý tưởng kỳ lạ mà hãng thực hiện ngay trên dòng smartphone nổi tiếng nhất của mình là LG G. Ví dụ như G6 là smartphone đầu tiên có màn hình 18:9, G6 có camera sau góc chụp siêu rộng và module. Hay V10, V20 có màn hình phụ.
Tuy nhiên cũng chính chiếc G5 có nhiều sự sáng tạo nhất lại là nguyên nhân khiến danh tiếng LG bị ảnh hưởng nặng nề vì quá nhiều lỗi, khiến người dùng có cảm giác như nó chỉ là một chiếc máy demo chứ không phải sản phẩm hoàn thiện. Ngoài ra lỗi bootloop đầy tai tiếng cũng góp phần lớn cho thất bại của LG.
Sáng tạo hay không sáng tạo?
Không có sự sáng tạo thì thị trường điện thoại đã không có những thành tựu như ngày nay. Thị trường chưa bao giờ dừng phát triển, các nhà sản xuất cũng không thể dậm chân tại chỗ, đó là lý do chúng ta có những Huawei P20 Pro, OPPO Find X hay Vivo NEX.
Ngay cả đến Apple nổi tiếng bảo thủ cũng chưa bao giờ ngừng sáng tạo, như iPhone X năm ngoái là một bước tiến lớn trong mặt thiết kế khiến cả thị trường phải thay đổi theo, cùng với đó là công nghệ nhận diện khuôn mặt 3D tiên tiến, hay năm 2016 hãng cũng giới thiệu tính năng chụp ảnh xoá phông, rồi năm 2015 là 3D Touch.
Tuy nhiên chỉ sáng tạo thôi sẽ không đủ, các hãng còn phải tích cực marketing sản phẩm. Nếu bạn có sản phẩm tốt nhưng không ai biết đến thì cũng vô dụng mà thôi, HTC và LG chính là hai ví dụ điển hình.
Dù vậy, thậm chí khi có rủng rỉnh tiền để quảng cáo như Samsung nhưng nếu không nhiều sáng tạo vẫn không thể có doanh số cao, điển hình là bộ đôi S9/S9+ không đạt được doanh số như kỳ vọng phần lớn là do quá ít cải tiến so với thế hệ trước.
Như vậy, để bán được sản phẩm, các hãng cần phải vừa sáng tạo, vừa marketing tốt. Đáng tiếc đây là là một vòng phức tạp luẩn quẩn, chi phí quảng cáo không từ trên trời mà rơi xuống mà phải bán được sản phẩm mới có tiền, nhưng để bán được sản phẩm lại phải quảng cáo mạnh và có sản phẩm độc đáo. Rất ít công ty trên thị trường đủ sức để làm tốt mọi thứ, hầu hết chỉ tập trung vào một hướng phát triển.
Theo bạn, sáng tạo có còn là yếu tố quan trong trên thị trường di động không? Hãy để lại bình luận cuối bài nhé.
Nguồn:GenK