Tốc độ internet của Starlink thậm chí còn ngang ngửa với các đường truyền băng thông rộng cố định.
Cuối cùng hệ thống internet vệ tinh Starlink của SpaceX đã chính thức đi vào hoạt động. So với hệ thống đường cáp internet, internet vệ tinh là lựa chọn duy nhất đối với vùng dân cư thưa thớt hoặc các vùng xa xôi. Tuy nhiên, điều này thường đánh đổi bằng sự ổn định hoặc tốc độ, nhưng liệu Starlink có đi theo vết xe đổ đó?
Nhưng theo công cụ đo của hãng Ookla, công ty nổi tiếng với ứng dụng đo tốc độ internet SpeedTest, dịch vụ của Starlink đang có chất lượng hàng đầu so với các dịch vụ internet vệ tinh của đối thủ. Theo các công cụ đo đạc, internet của Starlink có tốc độ trên toàn cầu nhanh hơn cả những người đang đi đầu về dịch vụ internet vệ tinh hiện nay.
Để đánh giá, Ookla so sánh chất lượng internet của Starlink với HughesNet và Viasat, các nhà cung cấp dịch vụ itnernet vệ tinh đối thủ, cũng như cả dịch vụ internet băng thông rộng cố định. Kết quả cho thấy, tốc độ của Starlink không chỉ vượt trội cả về upload và download so với các đối thủ internet vệ tinh, mà còn nhanh ngang ngửa với dịch vụ băng thông rộng cố đinh.
Tốc độ download trung bình của Starlink trong Quý 2 năm 2021 đạt 97,23 Mbps. Trong khi tốc độ trung bình của dịch vụ đường truyền internet ở Mỹ trong quý 2 năm 2021 là 115,22 Mbps. Trong khi đó, các đối thủ của họ, HughesNet và Viasat, chỉ đạt tốc độ tương ứng 19,73 Mbps và 18,13 Mbps.
Bên cạnh tốc độ truy cập, Ookla còn nhấn mạnh rằng, Starlink là nhà cung cấp duy nhất có độ trễ (latency) trung bình gần tương đương với đường truyền băng thông rộng cố định. Độ trễ thấp là yếu tố cần thiết cho dịch vụ như thoại video, gọi điện trực tuyến, game online hoặc live stream.
Theo báo cáo Speedtest của Ookla, trong khi các đường truyền internet băng thông rộng có độ trễ khoảng 14 ms, độ trễ trung bình của Starlink đạt khoảng 45 ms. Dù kém hơn nhiều so với đường truyền internet cố định, Starlink vẫn bỏ xa hai đối thủ HughesNet và Viasat khi độ trễ trung bình của họ chỉ đạt 630 ms và 724 ms.
Điều này một lần nữa xác nhận tuyên bố trước đây của CEO SpaceX ông Elon Musk rằng, Starlink có ưu thế vượt trội so với các hãng internet vệ tinh truyền thống về độ trễ thấp. Các con số từ Ookla cũng cho thấy dịch vụ của Starlink mang lại trải nghiệm hứa hẹn thế nào với người dùng.
Hiện Starlink đã có 1.730 vệ tinh tầm thấp trên bầu trời. Chúng ở độ cao gần với bề mặt trái đất hơn các vệ tinh truyền thống. Chính vì vậy, chúng có thể truyền tải tốc độ và độ trễ tương đương với các đường truyền internet băng thông rộng khi thời gian gửi tín hiệu qua lại ngắn hơn.
Ngược lại, các hãng như Viasat và Hughesnet dựa vào các vệ tinh ở trên cao có quỹ đạo địa tĩnh (geosynchronous orbit) khi có tốc độ quay khớp với tốc độ quay của Trái Đất. Cách bố trí này giúp chỉ cần một số ít vệ tinh để phủ sóng một diện tích rộng hơn dưới mặt đất, tuy nhiên, khoảng cách xa so với bề mặt làm độ trễ lớn hơn.
Hiện dịch vụ Starlink đang có khoảng 90.000 người sử dụng, trong đó riêng tháng vừa qua đã bổ sung thêm 20.000 người dùng mới. Không chỉ phủ sóng ở Mỹ, dịch vụ này còn đang mở ra với nhiều quốc gia khác. Bài kiểm tra của Ookla cho thấy, Starlink có tốc độ download nhanh nhất ở Pháp (139,39 Mbps) và thậm chí còn vượt mặt cả đường truyền internet ở nước này (trung bình chỉ đạt 70,81 Mbps). Điều tương tự cũng được thấy ở Đức. Tất nhiên, độ trễ của Starlink vẫn đi sau các đường truyền internet cố định.
Hiện tại Starlink vẫn đang trong quá trình triển khai mạng lưới vệ tinh của mình, do vậy chuyện chênh lệch về tốc độ giữa các khu vực khác nhau cũng là điều dễ hiểu. Về lý thuyết, Starlink sẽ phủ sóng toàn thế giới vào tháng Chín tới đây, nhưng với bối cảnh dịch bệnh và khan hiếm chip như hiện nay, điều đó có lẽ khó có thể trở thành sự thật.
Genk