Đích thân chủ tịch mảng di động Samsung TM Roh đã phải sang Mỹ gặp một tập đoàn lớn để mua thêm chip, nhưng nỗ lực của ông đã không thành.
Tình trạng thiếu hụt chip toàn cầu đang ảnh hưởng đến nhiều thương hiệu điện thoại thông minh. Ví dụ, Google phải giới hạn chỉ bán chiếc Pixel 5a ở một vài quốc gia, Realme đẩy lùi ra mắt Realme 9 vào năm 2022, hay Samsung đang được đồn đoán sẽ huỷ ra mắt mẫu Galaxy S21 FE.
Theo báo cáo từ trang báo Hàn Quốc TheElec, vấn đề này tại Samsung đã trở nên tồi tệ đến mức chủ tịch mảng di động của hãng là ông TM Roh đã phải hai lần đích thân đặt chân tới Mỹ để yêu cầu một nhà sản xuất chip "giấu tên" cung cấp thêm chip. Mặc dù không được tiết lộ, nhưng rất có thể nhà sản xuất chip đó là Qualcomm. Hiện nay, Samsung đang sử dụng chip của Qualcomm trên nhiều dòng smartphone và tablet, trong đó bao gồm các model cao cấp như Galaxy Z Fold3, Galaxy Z Flip3, Galaxy S21 hay Galaxy Tab S7.
Nguồn tin của TheElec cho biết ông TM Roh đã hai lần tới Mỹ trong năm nay nhằm mục đích trên, lần đầu tiên trong tháng 3 và lần thứ hai trong tháng 7. Tuy nhiên, trong cả hai lần, yêu cầu của ông TM Roh đều lập tức bị từ chối. Nhà sản xuất chip Mỹ nói với chủ tịch Samsung rằng họ rất muốn tăng cường sản lượng chip, nhưng không thể ưu tiên cho Samsung.
TM Roh - người đứng đầu mảng di động của Samsung.
Phản hồi này của nhà sản xuất chip nói trên được nhận định là điều rất bất thường khi xét đến vị thế của Samsung, cũng là hãng smartphone số 1 thế giới. Các chuyên gia chỉ ra rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của Samsung vào các ODM (Original Design Manufacturer) là một trong những lý do khiến cho sức mua linh kiện của hãng này trở nên giảm sút, vô hình chung gây ảnh hưởng tới vị thế của "ông lớn Hàn Quốc" trong mắt các đối tác linh kiện.
Theo thống kê, kể từ khi ông TM Roh chấp thuận việc Samsung hợp tác với các ODM vào năm 2018, tỷ lệ smartphone mang thương hiệu Samsung được sản xuất bởi các ODM nay đã đạt mức 20%. Một số model như Galaxy A6S, Galaxy A01 hay Galaxy M02 được đảm nhiệm bởi các đối tác của Samsung đến từ Trung Quốc như Wingtech hay Huaqin. Các ODM này đều có những hợp đồng cung cấp linh kiện riêng, vì vậy không cần phải phụ thuộc vào nguồn cung của Samsung.
Trong lần thứ hai tới Mỹ vào tháng 7, đồng hành cùng ông TM Roh là một vị phó chủ tịch phụ trách trong việc nhập linh kiện. Vị phó chủ tịch này được ra lệnh chỉ trở lại Hàn Quốc khi tình hình đã được giải quyết. Phải ba tháng sau, ông này mới về nước. Trước đó, người này đã bị chính chủ tịch Samsung nghiêm khắc nhắc nhở vì đã để tình trạng trên xảy ra.
Hiện tại, tình trạng thiếu chip đang gây ảnh hưởng tới kế hoạch của Samsung. Samsung đang cân nhắc việc ngừng ra mắt mẫu Galaxy S21 FE do nguồn cung chip Snapdragon 888 không đủ, và hãng muốn để dành lượng chip này cho hai mẫu máy quan trọng hơn là Galaxy Z Fold3 và Galaxy Z Flip3. Những bằng chứng trước đó cho thấy Galaxy S21 FE đã đến giai đoạn hoàn thiện và chỉ chờ sản xuất, nhưng với tình hình này, rất có thể nó sẽ bị "khai tử" vào phút cuối.
Hình ảnh quảng cáo rò rỉ của Galaxy S21 FE cho thấy Samsung đã sẵn sàng tung chiếc máy này ra thị trường, nhưng rất có thể nó sẽ bị huỷ bỏ.
Cộng với việc nhà máy sản xuất smartphone của Samsung tại Việt Nam bị gián đoạn do dịch COVID-19, theo dự kiến, Samsung sẽ xuất xưởng 260-270 triệu smartphone trong năm 2021, thấp hơn mức kỳ vọng ban đầu là 290-300 triệu máy.
Genk