Được mô tả bởi Apple trong sự kiện ra mắt iPhone 11 là "kĩ thuật nhiếp ảnh điện toán" hoàn toàn mới, Deep Fusion sử dụng công nghệ machine learning (máy học) và trí tuệ nhân tạo A.I, thông qua một bộ xử lý thần kinh được tích hợp bên trong con chip A13 để tính toán và xử lý hình ảnh. Apple cũng gọi đây là "lần đầu tiên một bộ vi xử lý thần kinh đóng vai trò xử lý và tạo ra hình ảnh cuối cùng".
Với tính năng Deep Fusion, khi người dùng nhấn nút chụp, máy sẽ thực hiện tổng cộng 9 bức hình cùng lúc, gồm 1 tấm chính và 8 tấm phụ. Các tấm phụ được chụp nhanh ngay trước khi người dùng bấm nút và chia thành hai lần. Bộ xử lý "Neural Engine" sẽ tiến hành phân tích và lọc 24 triệu pixel thu được từ các tấm ảnh này, chọn ra các điểm ảnh tốt nhất để cho ra tấm ảnh cuối cùng.
Apple lần đầu công bố Deep Fusion tại sự kiện ra mắt hôm 10/9, nhưng mãi đến hôm qua mới chính thức ra mắt tính năng này
Phải thừa nhận, phần lớn người dùng sau khi nghe Apple quảng cáo đều cảm thấy Deep Fusion khá...khủng khiếp, vốn hứa hẹn mang đến một cuộc cách mạng thực sự cho nhiếp ảnh trên smartphone. Tuy nhiên, cách thức tính năng này hoạt động thực tế ra sao mới là điều đáng quan tâm. Liệu chúng ta - đối tượng người dùng bình thường, có thể phân biệt được sự khác biệt về chất lượng hình ảnh khi bật/tắt tính năng này hay không?
Trang PhoneArena mới đây đã thử đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên, với một bài so sánh về chế độ chụp thường và chụp bằng Deep Fusion. Ảnh chụp ở chế độ thường ở bên trái, trong khi ảnh chụp khi bật Deep Fusion ở bên phải.
Chế độ chụp thường (trái) vs Deep Fusion (phải)
Chế độ chụp thường (trái) vs Deep Fusion (phải)
Chế độ chụp thường (trái) vs Deep Fusion (phải)
Thông qua 3 tấm hình so sánh ở trên, có thể thấy rõ sự khác biệt giữa chế độ chụp thường và Deep Fusion là KHÔNG lớn, theo nhận định của PhoneArena. Thậm chí, trang tin này còn khẳng định, nếu nhìn những tấm hình so sánh này trên điện thoại, độc giả còn không nhìn thấy bất kỳ sự khác biệt nào.
Theo PhoneArena, Deep Fusion có tạo ra được sự cải thiện về mặt chất lượng hình ảnh, cụ thể về mặt chi tiết, độ sắc nét và độ tương phản. Tuy nhiên, sự cải thiện này chỉ có thể nhận ra nếu người dùng xem ảnh trên màn hình máy tính/TV có kích thước lớn, hoặc phóng to tấm ảnh mình vừa chụp trên điện thoại để ngồi..”soi”, giống như hình ảnh so sánh dưới đây.
Chế độ chụp thường (trái) vs Deep Fusion (phải). Da mặt được chụp bằng Deep Fusion nhìn rõ từng lỗ chân lông hơn so với chụp thường
Độ chi tiết khi chụp cận cảnh bằng Deep Fusion rõ ràng là có sự chi tiết hơn
Nhưng sự khác biệt chỉ có thể nhận ra nếu chúng ta zoom kĩ từng bức ảnh
Tuy nhiên, độ chi tiết và sắc nét được cải thiện bởi Deep Fusion lại đi kèm với một ‘hạt sạn’ cực lớn: hầu hết ảnh chụp đều bị nhiễu hạt (noise) nhẹ, vốn có thể thấy rõ ở loạt ảnh so sánh sau.
Ảnh hơi nhiễu nhẹ khi chụp bằng Deep Fusion (bên phải)
Dễ dàng nhận thấy ảnh bị nhiễu, cụ thể ở phần chụp bức tường
Nhìn chung, theo nhận định của Phone Arena, Deep Fusion không thật sự quá ‘khủng khiếp’ như những gì Apple quảng cáo.
Tính năng này đương nhiên có sự hiệu quả nhất định trong việc cải thiện chất lượng ảnh, với độ chi tiết và độ tương phản tốt hơn, nhưng kèm theo đó là một chút nhiễu hạt nhẹ. Tuy nhiên, Deep Fusion hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng như chúng ta từng nghĩ khi tính năng này lần được Apple công bố.
Nói cách khác, sự khác biệt giữa Deep Fusion và chế độ chụp ảnh thường không dễ để nhận ra, đặc biệt là khi xem ảnh trên màn hình kích thước nhỏ của smartphone. Tuy nhiên, nếu xem ảnh trên màn hình cỡ lớn, như màn hình PC hay TV, bạn có thể sẽ nhận ra được sự cải thiện về chất lượng ảnh, bao gồm độ chi tiết tốt hơn hẳn so với ảnh chụp bằng chế độ chụp thường.
Tham khảo PhoneArena
Nguồn: Genk.vn