NASA cho rằng phần cứng của họ đã hoạt động chính xác, chỉ là tảng đá đã "không chịu hợp tác".
Tuần trước, thiết bị tự hành Perseverance của NASA có thể đã gặp trục trặc lớn đầu tiên trên sao Hỏa, khi nỗ lực lấy mẫu đá đầu tiên vào tuần trước đã tạo ra một kết quả khó hiểu. Một lỗ khoan hình trụ đã được cánh tay máy của nó tạo ra trên bề mặt hành tinh Đỏ, nhưng không có gì thu được bên trong ống lấy mẫu. Xung quanh khu vực đó cũng không có gì giống như một mẫu vật đã rơi vãi ra.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của nhóm phụ trách sứ mệnh tại NASA, hệ thống của thiết bị tự hành đã hoạt động hoàn hảo. Do đó, nguồn gốc vấn đề sẽ nằm ở chính thành phần của bề mặt sao Hỏa.
Trái: Hình ảnh lỗ khoan được chụp bởi một trong những camera điều hướng trên thân Perseverance. Phải: Hình ảnh tổng hợp của lỗ khoan được chụp bởi camera chuyên dụng trên cánh tay lấy mẫu.
"Kết quả đo thể tích và hình ảnh sau khi đo cho thấy ống mẫu trống rỗng. Phải mất vài phút để chấp nhận thực tế này, nhưng nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng chuyển sang chế độ điều tra", Louise Jandura, kỹ sư trưởng về lấy mẫu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA, viết trong một bài đăng trên blog của tổ chức.
Nhóm nghiên cứu đã dành hai ngày để phân tích thông tin từ xe tự hành, bao gồm dữ liệu đo từ xa từ cánh tay lấy mẫu, thứ được thiết kế để trích xuất các mẫu đá trên sao Hỏa và mang về Trái đất vào khoảng những năm 2030. Họ cũng xem xét các hình ảnh của địa điểm khoan, bên trong ống mẫu và thậm chí cả con đường mà thiết bị đã di chuyển trước và sau khi lấy mẫu. Quan trọng nhất, nhóm đã đo độ sâu của lỗ khoan bằng cách sử dụng hình ảnh được chụp bởi máy ảnh trên máy dò, cho thấy có nhiều đá trong lỗ hơn dự kiến, nếu việc khoan thành công.
Ống lấy mẫu trống rỗng trong khi phải có một tảng đá trong đó.
Kết luận cơ bản của họ là những gì được cho là một mẫu đá trên sao Hỏa, hóa ra lại là một đám bụi và mảnh vụn được nghiền thành bột nằm trong lỗ khoan và trong đống vụn đá bao quanh miệng lỗ.
Theo chia sẻ của Jandura, nhóm nghiên cứu tin rằng các đặc tính vật chất của đá khiến nó trở nên "xảo quyệt" và đòi hỏi sự tinh tế hơn nữa trong việc khai thác. Nhóm cũng dự kiến rằng toàn bộ khối đá cũng có cấu trúc như vậy và tình hình tương tự sẽ xảy ra nếu lấy mẫu lại.
"Phần cứng hoạt động theo lệnh nhưng lần này tảng đá không hợp tác", Jandura nói.
Trước đó, NASA đã phải từ bỏ kế hoạch "Mars mole" của tàu đổ bộ InSight. Đó là một công cụ thăm dò được cho là có thể đào sâu vào lớp vỏ sao Hỏa và đo nhiệt độ bên dưới của nó. Thiết bị này đã tự nảy lên tại chỗ trên nền đất cứng, nơi được gọi là "lớp vỏ cứng". Còn trong lần khoan này thì mẫu đá lại không đủ khả năng giữ kết cấu để có thể lấy vào trong ống mẫu.
Tuy nhiên, hy vọng vẫn chưa hoàn toàn biến mất. Perseverance đang di chuyển đến địa điểm lấy mẫu theo kế hoạch tiếp theo và cũng là điểm xa nhất trong chiến dịch khoa học của nó, một vị trí phía nam của Séítah. Séítah là một loạt cồn cát gồ ghề, trước đó đã được trực thăng Ingenuity trinh sát. Jandura lưu ý rằng, dựa trên hình ảnh của khu vực, nhóm dự kiến sẽ gặp đá trầm tích trên sao Hỏa, thứ giống với loại đá mà nhóm đã từng thử nghiệm thành công trên thiết bị của Perseverance. Nỗ lực lấy mẫu đó có thể sẽ diễn ra vào đầu tháng 9.
Genk