Nhắc đến thương hiệu Garmin, chúng ta có thể nghĩ ngay đến các dòng sản phẩm đồng hồ đo thể thao cực hầm hố, chuyên được các vận động viên đeo mỗi khi luyện tập hay thi đấu. Tuy nhiên với Venu SQ, hãng này lại muốn tiếp cận đối tượng người dùng cần sự thời trang và hơn hết là giá dễ chấp nhận, rẻ gấp đôi, thậm chí gấp ba.
Nhỏ - nhẹ - unisex, nhưng chưa đủ hấp dẫn
Khác với phiên bản Venu ra mắt vào 2019, vốn có mặt đồng hồ tròn, năm nay Venu SQ lại có dáng vẻ vuông vức hơn và tạo cảm giác mới mẻ cho người đeo.
Garmin cũng không quên vát cong 4 góc để tạo sự mềm mại và phù hợp với nữ giới hơn. Bên cạnh đó, kích thước mặt 33mm cũng khá phù hợp với những ai có cổ tay nhỏ. Đồng hồ này cũng rất nhẹ, do phần thân làm bằng nhựa poly, khung viền gia cố bằng nhôm anod và dây làm từ silicon.
Bo cong để tạo cảm giác mềm mại, hợp với nữ giới hoặc với nam giới có cổ tay nhỏ.
Tổng hòa những thứ này đã giúp Venu SQ nhẹ 37,6 g, cảm giác như đang đeo vòng tay chứ không còn là đồng hồ nữa. Nhờ vậy khi vận động hay đeo cả ngày cũng không bị mỏi tay.
Nhưng ngoài yếu tố nhỏ và nhẹ, Venu SQ có gì hấp dẫn khác? Khung viền được phủ màu nổi bật giúp nó có thêm điểm nhấn? Theo tôi nhiêu đó là chưa đủ. Garmin cố gắng biến chiếc đồng hồ này của mình mang tính thời trang hơn, nhưng khi nhìn thực tế, nó lại không hề hấp dẫn như tôi từng thấy trên ảnh quảng cáo.
Phần vỏ máy quá "nhựa" khiến cho tôi (và có thể những người khác khi nhìn vào) đều cảm giác hơi rẻ tiền, dù rằng mức giá không hề rẻ: 4,99 triệu đồng cho bản thường và 6,1 triệu đồng cho bản Music. Với giá tiền này, so về mặt thời trang, Venu SQ sẽ gặp phải những kẻ ngáng đường như Samsung Galaxy Watch Active 2, OPPO Watch 41mm, Apple Watch 4 cũ hoặc Apple Watch SE với hầu bao rủng rỉnh hơn đôi chút.
Khả năng hiển thị của Venu SQ cũng không được tôi đánh giá cao, khi diện tích hiển thị quá bé, kèm theo đó là độ phân giải cũng không cao khiến mọi thứ mất đi sự hấp dẫn mỗi khi nhìn vào và tương tác.
Kích thước 1,3 inch trên mặt đồng hồ, Venu SQ trở nên lép vế so với 1,6 inch của OPPO Watch 41mm. Thậm chí, so về độ phân giải 240x240 pixel thì vẫn thua 360x360 pixel của Watch Active 2 dù đồng hồ của nhà Samsung chỉ có kích thước màn hình 1,2 inch (bản 40mm).
Watch Active 2 có dạng hình tròn hợp với nữ giới hơn, bên cạnh đó còn có vòng tròn xoay cảm ứng để lướt các trang rất hay.
Khi các đối thủ khác sử dụng đến tấm nền AMOLED thì Garmin chỉ dùng LCD cho chiếc Venu SQ, cộng với độ phân giải thấp khiến mọi thứ trở nên nhợt nhạt và đây sẽ là điểm bất lợi cho chiếc đồng hồ này nếu gặp phải khách hàng chỉ quan tâm đến ngoại hình. Dẫu sao, tiêu chí đầu tiên của người dùng ngày nay trước khi bỏ tiền ra mua sản phẩm nào đó là "nó phải đẹp trước đã, những thứ khác tính sau".
Đồng hồ được xem là món phụ kiện để tôn lên trang phục của chúng ta mỗi ngày, nhưng nếu màn hình quá tẻ nhạt, giao diện mặt đồng hồ cũng không có gì hấp dẫn thì mọi thứ hoàn toàn không ổn với một người quan trọng tính thời trang.
Không có nhiều lựa chọn mặt đồng hồ trên chiếc smartwatch này, tất cả đều tối màu nhằm che đậy đi phần viền quá dày của nó. Tất nhiên tôi vẫn có thể tải thêm các mặt đồng hồ khác bằng cách tải thêm ứng dụng ConnectIQ của Garmin, nhưng sau 5 lần 7 lượt lựa chọn và thay đổi, tôi đành quay về với "mặt mộc".
Cách tương tác của Garmin Venu SQ cũng khá đơn giản, khi hầu hết bạn đều có thể vuốt chạm, hoặc dùng hai phím bên phải để ra một số lệnh đặc thù. Chẳng hạn như phím phía trên dùng để vào nhanh các chế độ đo thể thao còn phím dưới để Back.
Riêng về phần phản hồi cảm ứng, Venu SQ cho cảm khác không được mượt mà lắm, từ việc thực thi lệnh cho đến việc lướt cuộn các page cũng đều chậm khoảng 0,5 đến 1 giây. Nếu Garmin khắc phục được độ trễ này thì trải nghiệm sẽ ổn hơn rất nhiều.
Nói về thể thao, Garmin chưa bao giờ làm bạn thất vọng
Khác với ngoại hình, điểm sáng nhất của sản phẩm này nằm ở khả năng đo đạc thể thao. Bên trong Garmin Venu SQ có rất nhiều chế độ đo thể thao mà bạn có thể lựa chọn, từ thể thao ngoài trời cho đến trong nhà.
Bên cạnh sự đa dạng trong các chế độ đo thể thao, thứ tôi quan tâm nhất ở một chiếc smartwatch chính là GPS của nó có thật sự chính xác hay không. Có rất nhiều sản phẩm đồng hồ thông minh góp mặt vào thị trường nước ta, tuy nhiên không phải cái nào cũng cho ra thông số đo chính xác. Đơn cử tôi đã từng gặp phải một chiếc đồng hồ đo lên tận 26km trong một giải chạy Half Marathon 21km, và điều này sẽ khiến cho các đánh giá cá nhân sẽ bị sai lệch, từ đó đưa ra các bài tập luyện cũng trở nên kém hiệu quả hơn.
Rất may, Venu SQ lại không nằm trong số đó và cho chỉ số đo đạc rất chính xác. Với buổi chạy tại sân vận động tiêu chuẩn 400m/vòng, chiếc đồng hồ này cho kết quả đúng 3.0 km ngay khi tôi chạm chân ở đoạn 7 vòng rưỡi.
Những thông tin mà Venu SQ cung cấp sau buổi chạy rất bổ ích, bạn có thể xem được từ khoảng cách, pace, nhịp tim (điều mà các đồng hồ cơ bản khác có thể làm được) cho đến cadence (chỉ số đo guồng chân), độ sải chân và thậm chí có thể xem lại segment đó mình đứng thứ mấy trong "hội người dùng Garmin".
Ở đây bạn có thể thấy 1 vòng 400m ở sân vận động Hoa Lư (nơi tôi chạy test thử với Garmin Venu SQ) đang có tên người chạy nhanh nhất với 1:03/vòng và tôi chỉ xếp thứ 71 tại đây với tốc độ trung bình ước tính là 6:07/km. Những con số này khá quan trọng với những người luyện tập nghiêm túc, bởi họ nhìn vào để có thêm động lực và cố gắng hơn cho những lần sau.
Ngoài ra trong lúc chạy, Venu SQ cũng khá hữu ích khi thông báo cho bạn biết nhịp tim đang lên quá cao hoặc khi đã "hồi" về nhịp tim ổn định thì nó cũng báo để ta biết mà tăng tốc lên đôi chút.
Sau buổi chạy đầu tiên, Garmin sẽ bắt đầu "học" người dùng và đưa ra các bài tập hợp lý để duy trì hoặc nâng cao chất lượng chạy bộ hơn nữa thông qua Garmin Coach. Đây cũng là một trong những điểm hay của sản phẩm, giúp người dùng đỡ tốn thời gian tìm kiếm trên mạng.
Ngoài những chế độ đo đạc thể thao, chiếc smartwatch này cũng đo cả nhịp thở và đánh giá giấc ngủ của người đeo, từ đó giúp chúng ta có thể cải thiện chất lượng sống và sinh hoạt điều độ mỗi ngày hơn.
Về thời lượng pin, theo quảng cáo của nhà sản xuất chiếc đồng hồ này có thể trụ được 6 ngày. Tuy nhiên nếu bạn là người thường xuyên dùng đến GPS trong luyện tập, nó sẽ hết nhanh hơn dự kiến: chỉ còn khoảng 4 - 5 ngày. Dù sao đây cũng là con số đáng khen khi các sản phẩm khác như Apple Watch, OPPO Watch hay Galaxy Watch Active 2 đều khó kéo dài được đến mức này.
Kết luận
Như tôi đã nêu trong bài, Garmin Venu SQ này thực sự không dành cho những ai quan tâm đến tính thời trang. Chính vẻ bề ngoài khá nhựa của nó khiến đôi khi bạn nghĩ đang đeo một chiếc đồng hồ đồ chơi hơn là một thứ thiết bị có giá gần 5 triệu đồng. Nhưng bù lại, nếu bạn quan tâm cái "gỗ" bên trong thay vì "nước sơn" thì smartwatch này đáng để quan tâm.
Ưu điểm:
- Nhỏ, gọn, nhẹ
- Nhiều chế độ đo thể thao
- GPS đo đạc chính xác
- Nhiều thông tin hữu ích sau các buổi luyện tập
- Thương hiệu nổi tiếng về sức khỏe và thiết bị tập luyện
- Giá mềm (so với các dòng sản phẩm khác của hãng này)
- Pin dùng lâu
Nhược điểm:
- Tính thời trang thấp
- Giao diện chưa bắt mắt
- Màn hình hiển thị chưa ấn tượng
- Khó cạnh tranh về mặt ngoại hình so với các sản phẩm khác cùng tầm giá.
Nguồn: Genk.vn