Tỷ phú Elon Musk từ khi tiếp quản đã thực hiện rất nhiều cải cách với Twitter. Cũng trong quãng thời gian này, hàng loạt đối thủ mới đáng gờm của Twitter xuất hiện.
Biểu tượng mạng xã hội TikTok trên màn hình điện thoại ở Virginia, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Sau thời gian phải dè chừng vì mạng xã hội Threads của Meta, Twitter lại phải đối mặt với một “đối thủ mới” trong nền tảng đăng văn bản, lần này đến từ TikTok. TikTok, nền tảng mạng xã hội vốn nổi tiếng vì các nội dung video, vào ngày 24/7 công bố sẽ ra mắt tính năng chỉ có văn bản.
Hãng thông tấn AFP (Pháp) đưa tin điều này khiến TikTok trở thành “ông lớn công nghệ” tiếp theo muốn đặt chân vào địa hạt cạnh tranh với Twitter - mạng xã hội gần đây được chủ sở hữu Elon Musk đổi tên là X.
Các bài đăng văn bản trên TikTok sẽ tương tự như Threads của Meta đã đi vào hoạt động từ đầu tháng 7. Threads theo mô hình chia sẻ ý tưởng chủ yếu dưới dạng chữ, với các bài viết tối đa 500 ký tự, có thể đính kèm đường link, hình ảnh và video kéo dài đến 5 phút.
Nhưng TikTok lựa chọn tích hợp tính năng chỉ có văn bản vào chính ứng dụng hiện có thay vì ra mắt sản phẩm độc lập như điều Meta đã làm với Threads.
Bên cạnh đó, tính năng bài đăng văn bản của TikTok được đánh giá kích thích thị giác hơn Twitter hoặc Threads bởi người sử dụng có thể bổ sung thêm phần màu phông nền, âm nhạc và nhãn dán.
Ngoài Threads, nhiều nền tảng nhỏ hơn như Mastodon, Bluesky và Substack Notes cũng đã “mọc lên” và được coi là đối thủ tiềm tàng với Twitter. Tuy nhiên, đến nay tất cả chúng vẫn chưa thể hạ bệ được Twitter - mạng xã hội mới chia tay với biểu tượng chim xanh này.
Thậm chí một nhân viên từng làm việc tại Twitter có tên Gabor Cselle còn tạo ra nền tảng có tên T2. Kênh CNN (Mỹ) cho biết tương tự Twitter, T2 tạo điều kiện để người sử dụng đăng các văn bản với tối đa 280 chữ cái.
Ngoài ra còn có Cohost, nền tảng mạng xã hội khác dựa trên văn bản tương tự Twitter. Lượng người sử dụng của Cohost hiện tại là 130.000. Nhưng Jae Kaplan - người đồng sáng lập Anti Software Software là đơn vị phát triển Cohost- cho biết chỉ có 20.000 người trong số đó là người sử dụng hàng ngày. Trong khi đó, tính đến năm 2022, Twitter có trên 200 triệu người sử dụng hàng ngày. Việc thay thế Twitter có thể là thách thức lớn.
Biểu tượng chữ "X" mới của Twitter trên tài khoản của tỷ phú Elon Musk, ngày 23/7. Ảnh: AFP/TTXVN
Tỷ phú Musk trong tháng 7 nhận định rằng Twitter đã mất một nửa doanh thu quảng cáo, để lại nhiều cơ hội cho các đối thủ.
Tỷ phú Musk tiếp quản Twitter từ tháng 10/2022 và cam kết sẽ tạo điều chỉnh lớn nhất kể từ khi công ty này được thành lập năm 2006. Tuy nhiên, tờ Daily Mail (Anh) cho rằng phong cách quản lý thất thường của vị tỷ phú này đã khiến cả người sử dụng và các nhà quảng cáo dần không còn mặn mà với Twitter.
Từ tháng 11/2022, tỷ phú Musk cũng sa thải hơn một nửa lực lượng lao động của Twitter với lập luận cần cắt giảm chi phí và tập trung vào thay đổi nhanh chóng.
Gần đây nhất, vào ngày 24/7, Tổng Giám đốc Twitter Linda Yaccarino công bố logo mới cho mạng xã hội này, thay biểu tượng chim xanh quen thuộc thành chữ "X" màu trắng trên nền đen. Trong bài đăng một ngày trước đó, tỷ phú Elon Musk cho biết ông muốn thay đổi logo của Twitter.
Vào đầu tháng 7, tỷ phú Musk cũng thông báo mạng xã hội này sẽ tạm thời hạn chế số bài đăng (tweet) mà người dùng có thể đọc mỗi ngày. Đây được coi là động thái nhằm ngăn ngừa việc các công ty trí tuệ nhân tạo (AI) sử dụng dữ liệu của trang này.
Nguồn: GenK.