Ngày 5/7/1994, Jeff Bezos đã nộp hồ sơ để thành lập công ty mang tên Cadabra, được tách từ cụm từ "Abracadabra" có nghĩa là "Úm ba la xì bùa". Tuy nhiên, cái tên đó không tồn tại được lâu vì luật sư đầu tiên của công ty nói rằng nó sẽ dễ bị nghe nhầm thành "Cadaver" (Xác chết), đặc biệt là qua điện thoại. Lựa chọn thứ hai của Bezos là "Relentless" (Không nao núng) nhưng bạn bè của ông cho rằng cái tên này nghe có vẻ hiểm hóc.
Tháng 10/1994, Bezos tra từ điển những từ bắt đầu bằng chữ A để tìm một cái tên phù hợp và có thể xuất hiện đầu tiên trong các tìm kiếm theo bảng chữ cái. Cuối cùng, ông đã đặt tên công ty là Amazon. Ông từng nói: "Đây không chỉ là con sông lớn nhất hành tinh mà nó còn lớn hơn gấp nhiều lần so với những con sông lớn đứng sau. Amazon đánh bại tất cả các dòng sông trên thế giới". 25 năm sau, Amazon đã trở thành gã khổng lồ thương mại điện tử với vốn hóa thị trường đạt mức 950 tỷ USD.
Dưới đây là 3 lời khuyên để đạt được thành công theo nhà sáng lập Amazon:
1. Có tầm nhìn xa từ 2 đến 3 năm
Tỷ phú giàu nhất thế giới từng nói: "Tầm nhìn là một điều quan trọng nhưng bạn không cần phải tập trung vào nó mỗi ngày. Tất nhiên, ai cũng phải có tầm nhìn nhưng tốt hơn hết, hãy dành thời gian cho những gì sẽ xảy ra trong năm nay hay thậm chí là trong 2 đến 3 năm nữa". Ví dụ, tại Amazon, kết quả tài chính hàng quý được xác định bởi công việc được đưa ra từ khá lâu trước đó.
Nhà sáng lập và CEO của Amazon, tỷ phú Jeff Bezos.
2. Làm quen với việc bị đánh giá
Cho dù thành công đến mức nào, bạn sẽ không tránh khỏi những lời chỉ trích. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018, Bezos chia sẻ: "Sẽ thật ngây thơ khi bạn tin rằng mình không bao giờ trở thành đối tượng bị chỉ trích. Bạn phải chấp nhận sự thật đó.
Một điều tôi vẫn nói với mọi người là nếu thực hiện bất cứ điều gì mang tính đổi mới hay sáng tạo, bạn cần chuẩn bị tinh thần để bị đánh giá. Nếu không thể chịu được ý kiến của người khác thì đừng làm những điều đó".
Bezos từng phải đối mặt với sự không đồng tình khi rời bỏ một công việc tốt ở phố Wall để gây dựng Amazon. Ông là phó Chủ tịch cấp cao tại quỹ phòng hộ D.E. Shaw trước khi tròn 30 tuổi và có một vị sếp tuyệt vời. Thế nhưng, Bezos lại muốn nghỉ việc để bán sách trực tuyến!
Ông chủ Amazon kể lại: "Ông ấy (Sếp của Bezos) cùng tôi đi dạo khá lâu ở công viên trung tâm, lắng nghe từng lời tôi nói và cuối cùng nói rằng: ‘Đây là một ý tưởng thực sự tuyệt vời nhưng nó sẽ tuyệt hơn đối với một người chưa có công việc tốt’. Logic đó rất đúng và ông ấy thuyết phục tôi cân nhắc thêm trong 2 ngày trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
Đây thực sự là một lựa chọn khó khăn nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn ra đi. Tôi không ngại thử và sai. Tôi cảm thấy sẽ luôn bị ám ảnh bởi những điều mình đã không làm. Tôi luôn tự hào về sự mạo hiểm ngày trước".
3. Dành thời gian để… không hiệu quả
Amazon là một công ty hiệu quả: Bạn có thể đặt mua hầu hết mọi thứ mình muốn và chúng sẽ được giao đến tận cửa nhà bạn một cách nhanh chóng. Jeff Bezos nói rằng điều này được xây đựng để trở thành DNA của doanh nghiệp.
Sau 25 năm, Amazon đã trở thành một gã khổng lồ thương mại điện tử.
Trong bức thư hàng năm gửi cổ đông vào tháng 4 vừa qua, tỷ phú 55 tuổi chia sẻ rằng có một thực tế là đối với nhiều nhân viên Amazon, có không ít thời điểm họ làm việc không thực sự hiệu quả. Và ông gọi đó là "đi lang thang".
Bezos viết: "Đôi khi trong kinh doanh, bạn biết mình đang đi đâu và khi nào nên làm gì. Điều đó đồng nghĩa với làm việc có kết quả. Ngược lại, ‘đi lang thang’ trong kinh doanh sẽ không đem lại hiệu quả. Mặc dù vậy, việc này lại có thể giúp chúng ta tìm được những giá trị có ích.
‘Đi lang thang’ được dẫn dắt bởi linh cảm, trực giác, sự tò mò và là một đối trọng thiết yếu với sự hiệu quả. Bạn cần sử dụng cả hai một cách linh hoạt".
Jeff Bezos muốn tạo cho gần 650.000 nhân viên toàn thời gian và bán thời gian của Amazon nhiều cơ hội hơn là việc thực thi các quy tắc đơn thuần.
"Từ những ngày đầu thành lập, chúng ta biết rằng chúng ta muốn tạo ra nền văn hóa của những người xây dựng luôn tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh. Họ thích phát minh. Ngay cả khi đã là chuyên gia, họ vẫn có tâm trí của người mới bắt đầu.
Ngoài dành thời gian để ‘đi lang thang’, chúng ta cũng cần chấp nhận cả thất bại. Khi công ty ngày càng phát triển, mọi thứ cần được mở rộng, trong đó bao gồm quy mô của các thử nghiệm không thành công. Đôi khi, đó có thể là những thất bại trị giá hàng tỷ USD.
Tính toán đằng sau việc tự tin ‘đi lang thang’ và thất bại là bạn biết rằng khi một ý tưởng hoạt động, nó có thể đem lại hiệu quả lớn. Ví dụ đơn giản như việc gần như chẳng khách hàng nào nghĩ tới và muốn mua một sản phẩm như loa thông minh Echo. Đó là sự ‘lang thang’ của chúng ta.
Nghiên cứu thị trường không giúp gì được chúng ta. Ở thời điểm năm 2013, nếu hỏi khách hàng rằng ‘Liệu bạn có muốn một chiếc loa thông minh trong nhà bếp, thứ mà bạn có thể trò chuyện cùng, đặt câu hỏi, giúp bật tắt đèn và chơi nhạc không?’ thì tôi đảm bảo mọi người sẽ nhìn bạn một cách kỳ lạ và từ chối ngay lập tức".
Nguồn: Genk.vn