Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Vì sao các nhà sản xuất làm gian lận điểm số benchmark trên smartphone?

Vì sao các nhà sản xuất làm gian lận điểm số benchmark trên smartphone?

Có câu nói rằng “Lịch sử luôn lặp lại chính bản thân nó” và nó đúng như vậy với trường hợp của các nhà sản xuất smartphone khi họ lừa dối về điểm số benchmark. Trong quá khứ, Samsung từng bị cáo buộc gian lận điểm số benchmark trên chiếc Galaxy S4, và sau đó còn có thêm nhiều cáo buộc dành cho các thiết bị khác bao gồm cả LG G2. Và đó là câu chuyện của năm 2013.

Tuy nhiên sau một thời gian trầm lắng, cho đến gần đây câu chuyện về việc gian lận điểm số benchmark trên smartphone lại nóng lên với hai cái tên OnePlus và Meizu có tên trên sổ đen. Vậy tại sao các nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEM) điện thoại lại phải gian lận về điểm số benchmark?

Nhân tố cơ bản cho tất cả các hành vi gian lận này là sự cạnh tranh cao trên thị trường smartphone (đặc biệt là Android), khi một nhà OEM điện thoại có thể dễ dàng đánh mất thị phần, thua lỗ hoặc thậm chí phá sản chỉ bởi vì một thiết bị có doanh số nghèo nàn. Có thể sẽ là hơi cường điệu khi gọi đây là một thị trường khốc liệt, nhưng có lẽ nó cũng không khác xa sự thật là mấy.


Chiếc OnePlus 3T.

Chiếc OnePlus 3T.

Vì vậy, các nhà sản xuất điện thoại phải làm mọi thứ để họ có thể bán được thiết bị. Tất nhiên, khởi đầu họ phải làm ra được một thiết bị tốt đã, nhưng sau đó, tất cả sẽ phải dựa vào các nỗ lực marketing.

Tại sao các nhà sản xuất phải gian lận

Khi nhắc đến việc đánh giá smartphone, (thật không may) vai trò của điểm số benchmark lại rất quan trọng. Có điểm số cao nhất trên những công cụ benchmark nổi tiếng được các giám đốc marketing coi trọng đến mức họ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để được đứng ở vị trí hàng đầu đó.

Nói rộng ra, trên thị trường sẽ có 3 loại người mua smartphone:

- Đầu tiên là những người chẳng quan tâm mấy đến thông số kỹ thuật hay điểm số benchmark. Họ xem chiếc smartphone của mình như một phần trong hợp đồng cung cấp dịch vụ của nhà mạng, và nếu người bán hàng nói với họ rằng, đây là một chiếc điện thoại “tốt” thì đó là tất cả những thông tin mà họ cần. Tất cả chúng ta đều có thể là những người như vậy, vào lúc này hay lúc khác, khi chúng ta mua thứ gì đó bên ngoài lĩnh vực hiểu biết hay quan tâm của mình.

- Loại thứ hai là những người biết một vài điều gì đó về công nghệ. Họ hiểu chữ GB là viết tắt của từ nào, họ biết thẻ microSD là gì, họ hiểu độ phân giải màn hình và một ít về thông số kỹ thuật bộ xử lý. Những người mua như vậy có thể thực hiện một cuộc mua hàng có mục đích, và nếu họ biết về điểm số benchmark của thiết bị, đặc biệt khi so sánh với một thiết bị khác, họ sẽ đánh giá cao kết quả đó.

- Loại thứ ba là những người mua có đam mê, những người có một niềm vui thú với công nghệ và đọc tất cả các tin tức mới nhất, các bài đánh giá và các tính năng trước khi tìm mua thiết bị nào đó.


Điểm số Antutu của chiếc Galaxy S7.

Điểm số Antutu của chiếc Galaxy S7.

Đối với những người mua loại 2 và loại 3, điểm số benchmark là con số thống kê quan trọng giúp họ có được cái nhìn rõ ràng về một thị trường smartphone luôn thay đổi. Cho dù tầm quan trọng của điểm số benchmark luôn khác nhau giữa người này và người khác, tuy nhiên nó đều có tác động nhất định đến việc nhận định về thiết bị này với thiết bị khác.

Ngoài ra, còn có những tác động từ các nguồn khác. Nhiều người sẽ muốn có sự tư vấn từ bạn bè hoặc gia đình trước khi quyết định mua một chiếc smartphone. Và trong khi người mua có thể không hoàn toàn đánh giá cao các chi tiết trong thông số kỹ thuật của điện thoại, người đưa ra lời tư vấn lại có thể bị thuyết phục bởi các con số này. Điều này có nghĩa là các thước đo như điểm số benchmark cuối cùng có thể có ảnh hưởng đến mọi quyết định mua hàng.

Nhưng họ gian lận như thế nào

Kẻ thù truyền kiếp của thời lượng pin là hiệu năng thiết bị - nghe có vẻ cực đoan nhưng đó lại là sự thực. Một công thức để tính gần đúng lượng điện năng CPU tiêu thụ cho thấy xung nhịp càng cao thì điện áp càng cao, hay nói cách khác, càng nhiều năng lượng bị tiêu thụ. Nếu bạn quan tâm thì công thức đó là P = C*V2*f (Trong đó, P là năng lượng tiêu thụ, C là cường độ dòng điện, V là điện áp, và f là tần số của CPU).


Chênh lệch giữa điểm số giữa 2 lần benchmark trên chiếc OnePlus 3T.

Chênh lệch giữa điểm số giữa 2 lần benchmark trên chiếc OnePlus 3T.

Trên những chiếc desktop PC, điều này không có nhiều ý nghĩa lắm. Bạn có một nguồn cung cấp điện cho máy, một bộ tản nhiệt lớn và cả quạt làm mát. Thông thường, lượng nhiệt tỏa ra từ một chiếc CPU desktop điển hình của Intel sẽ nằm trong khoảng từ 50W cho đến 100W. Đây lại là vấn đề lớn với thiết bị di động. Các smartphone không có quạt và chúng chạy bằng pin. Vì vậy, thách thức với các nhà sản xuất chip SoC và smartphone là tạo ra các thiết bị có hiệu năng cao nhất có thể mà không sử dụng nhiều năng lượng.

Tất nhiên, mọi thế hệ bộ vi xử lý đều cố gắng đẩy các giới hạn ra xa hơn, với hiệu năng cao hơn và tiêu thụ cùng mức hay ít năng lượng hơn, tuy nhiên vẫn có sự cân bằng giữa hai con số này. Vì vậy, khi một nhà sản xuất smartphone tạo ra một thiết bị, có rất nhiều thông số khác nhau được thiết lập trong phần cứng và phần mềm để duy trì sự cân bằng giữa hiệu năng và thời lượng pin. Các thông số phần cứng phần lớn là cố định, nhưng các thông số về phần mềm lại hoàn toàn có thể được tinh chỉnh.

Và đó là điều xảy ra khi các nhà OEM đang bị cáo buộc gian lận điểm số benchmark. Cách thức của họ khá đơn giản:

- Khi chiếc điện thoại nhận thấy một phần mềm benchmark nổi tiếng đang chạy trên nó, nó có thể tinh chỉnh lại phần mềm để điểm số benchmark đạt được mức hiệu năng tối đa. Việc gia tăng hiệu năng này chỉ được kích hoạt khi hoạt động benchmark diễn ra, và sau đó mọi thứ sẽ trở lại bình thường. Nếu một chiếc điện thoại tiếp tục duy trì ở trạng thái hiệu năng cao này, pin sẽ sớm bị vắt kiệt và thiết bị sẽ trở nên quá nóng. Nhưng nếu nó chỉ diễn ra trong 1 hay 2 phút, đó không phải vấn đề lớn.

- Tại sao điện thoại có thể phát hiện ra ứng dụng benchmark nào đang chạy trên nó? Mỗi ứng dụng đều có một ID (thông tin định danh) riêng và bạn hoàn toàn có thể tìm thấy ứng dụng trên Google Play nhờ vào ID này. Ví dụ ID của AnTuTu là com.antutu.AbenchMark. Từ đây, các nhà OEM điện thoại có thể dễ dàng bổ sung một vài dòng code vào firmware thiết bị của mình nhằm phát hiện các ứng dụng benchmark phổ biến này, bằng cách tìm kiếm ID của chúng trong các ứng dụng đang chạy.


ID của các ứng dụng benchmark xuất hiện trong firmware của Samsung Galaxy S4.

ID của các ứng dụng benchmark xuất hiện trong firmware của Samsung Galaxy S4.

Các công ty như Primate Labs (công ty tạo ra bộ công cụ benchmark nổi tiếng Geekbench) có thể kiểm tra được việc gian lận bằng cách tạo ra một phiên bản đặc biệt cho các ứng dụng của họ với một ID khác, để không bị nhận ra bởi firmware của thiết bị.

Khi ứng dụng với ID mới này chạy, nó sẽ chạy với các thông số hoạt động bình thường của firmware mà không có các thiết lập tinh chỉnh về hiệu năng. Nếu kết quả khác biệt đáng kể với lần đo trước đây, nó sẽ cho thấy thiết bị đang xem việc benchmark như một trường hợp đặc biệt và không chạy ở điều kiện bình thường như với các ứng dụng khác.

Liệu đây có phải sự gian lận?

Từ cách người dùng phản ứng khi một nhà OEM bị phát hiện chạy các ứng dụng benchmark trong các điều kiện đặc biệt, rõ ràng hầu hết mọi người đều xem điều này là gian lận. Tuy nhiên, có một điều quan trọng cần nhớ, điểm số gia tăng khi benchmark chắc chắn không phải là giả mạo hay số đo sai, chúng vẫn là hiệu năng của bản thân thiết bị.

Firmware không thể đưa một thông số giả vào ứng dụng benchmark hay cái gì đó tương tự như vậy. Các con số trên ứng dụng benchmark là những gì thiết bị thực sự đạt được. Nhưng cho dù nó không phải là các số đo giả, thiết bị chắc chắn không thể duy trì mức hiệu năng như vậy mà không bị quá nóng hay nhanh chóng cạn kiệt pin. Đó là lý do chúng bị coi là gian lận.

Sẽ rất thú vị nếu có một cách tiêu chuẩn nào đó để thực hiện benchmark, có lẽ là một chế độ “hiệu năng tối đa” cho Android để cho phép các nhà OEM có thể thực hiện việc benchmark ở một trong những thiết lập khác nhau. Điều này sẽ cho chúng ta cái nhìn minh bạch hơn về hiệu năng thiết bị của mình.

Kết luận

Có thể xem hiện tượng gian lận trong khi đánh giá các thông số thiết bị là nguyên nhân khiến cho người thường có các bài viết về kỹ thuật như Gary Sims của trang Android Authority phải tự mình làm một công cụ benchmark riêng để đảm bảo sự công bằng giữa các thiết bị.

Trên thực tế, ngành công nghiệp smartphone không phải là đối tượng duy nhất bị ảnh hưởng của việc gian lận phần mềm, ngay cả ngành công nghiệp xe hơi cũng đã bị lôi kéo vào các vụ scandal về khí thải trong thời gian gần đây, và chắc chắn rằng đây chưa phải là lần cuối chúng ta thấy những tin tức về các sự kiện này.

Tham khảo Android Authority

Nguồn: Genk.vn