Chào bạn,

Đăng nhập xem việc làm phù hợp

Blog IT

Xiaomi giảm giá TV tới 60% sau một năm, dân mạng Trung Quốc châm chọc: 'Không phải cứ đặt giá cao là bước chân lên con đường cao cấp'

Xiaomi giảm giá TV tới 60% sau một năm, dân mạng Trung Quốc châm chọc: 'Không phải cứ đặt giá cao là bước chân lên con đường cao cấp'

Một chiếc TV của Xiaomi có giá niêm yết 49.999 nhân dân tệ hiện đã được giảm tới 30.000 nhân dân tệ trên toàn thị trường Trung Quốc, bao gồm cả các cửa hàng thực tế.

Vào tháng 9 năm 2020, Xiaomi đã tổ chức một cuộc họp báo để ra mắt sản phẩm TV thông minh cao cấp của riêng mình, mang tên Mi TV Master 8K Extreme Commemorative Edition 82 inch, với giá khởi điểm 49.999 nhân dân tệ (khoảng 7.769 USD). Sau một năm kinh doanh, chiếc TV này vừa bất ngờ mở ra một đợt giảm giá đáng kinh ngạc khiến toàn bộ khách hàng lẫn fan Xiaomi sửng sốt. Theo đó, nó sẽ được giảm giá trực tiếp tới 30.000 nhân dân tệ, chỉ còn 19.999 nhân dân tệ, tương đương 3.100 USD.

Theo logic thông thường, việc các sản phẩm điện tử giảm giá mạnh như vậy dù chỉ một năm sau khi có mặt trên thị trường là điều không thể xảy ra. Nhiều người đồn đoán rằng liệu động thái này của Xiaomi có phải là dấu hiệu cho thấy công ty đang nghĩ đến việc bắt đầu "dọn hàng tồn kho" vì không bán được hàng?


Mẫu TV này của Xiaomi chỉ còn mức giá bằng 40% sau 1 năm ra mắt.

Trước tiên, hãy thử tìm nhóm khách hàng mục tiêu của sản phẩm này.

Là một sản phẩm có giá bán trên 7.000 USD, rõ ràng chỉ có một nhóm khách hàng cao cấp nhất định mới chấp nhận bỏ tiền mua được sản phẩm này, bởi với người tiêu dùng bình thường thì giá cao cùng thương hiệu mới thường khó đi liền với nhau. Và thậm chí với người dùng có khả năng chi trả, việc họ lựa chọn mẫu TV cao cấp của Xiaomi là rất nhỏ, vì hầu như tất cả sẽ muốn trở thành khách hàng của các thương hiệu TV cao cấp truyền thống như Samsung hay Sony.

Trong khi đó, bộ phận khách hàng còn lại là những người "đam mê", tức nhóm người luôn săn đuổi các sản phẩm do Xiaomi tạo ra bất kể nó là gì sẽ cần được thuyết phục bởi tính năng và cấu hình mạnh mẽ của sản phẩm. Nhưng chỉ với độ phân giải 8K và công nghệ chấm lượng tử (quantum dot), sản phẩm này không quá nổi bật về thông số phần cứng cùng tính năng so với các sản phẩm khác trong cùng phân khúc.

Có thể nói, nhóm người dùng mục tiêu của chiếc TV cao cấp này hiện vẫn còn quá ít, và điều này lý giải hợp lý cho việc tại sao nó chỉ có thể được bán với mức giá rẻ hơn đáng kể mà thôi.


Màn giảm giá "kinh thiên động địa" của TV Xiaomi.

Trước thông tin giảm giá cực sốc của TV Xiaomi, cộng đồng mạng nước này cũng không ngại ngần buông những lời bình luận sâu cay. Một số người còn nhắc lại tuyên bố năm nào của Xiaomi về việc đặt tỷ suất lợi nhuận không được vượt quá 5%.

"Việc giảm giá này có mâu thuẫn với tỷ suất lợi nhuận thấp không?"

"Không phải cứ đặt giá cao là sẽ thành sản phẩm cao cấp đâu nhé"

"Nước quá sâu, nên giá lặn mất tăm. Các hãng cũ như Samsung, Sony, Hisense cũng không dám chơi lớn thế này"

"Nếu có người thật sự mua chiếc TV này, tôi sẽ... thả một con rùa"

"Mua TV của Samsung, Sony với giá này không thơm hơn sao?"

"19.999 tệ tôi cũng không mua. Tôi thà mua một chiếc TV không thông minh của Sony. Ít nhất thì chiếc TV đó cũng không có vấn đề về quyền riêng tư".

"Trong tương lai, Xiaomi chỉ cần bán TV với giá vốn là được, còn thu nhập chính sẽ phụ thuộc vào phát quảng cáo sẽ lãi hơn"

"Mua chiếc TV này, câu chuyện khi có bạn đến chơi nhà sẽ như sau:

- Ồ, TV của bạn trông khá lớn đấy, mua nó bao nhiêu vậy?

- 50.000 tệ...

- Đắt như vậy cơ à, thương hiệu gì thế?

- Xiaomi.

- Ặc ặc! [Che miệng lại và cười]"


Smartphone gập Xiaomi Mi MIX Fold cũng bị đánh giá là "dưới cơ" các đối thủ cùng phân khúc.

Và câu chuyện trên cũng hé lộ một vấn đề khác của Xiaomi, đó là việc bước chân lên con đường cao cấp của hãng đã và đang gặp phải những trở ngại lớn về mọi mặt.

Không chỉ là chiếc TV cao cấp mà ngay cả mảng kinh doanh điện thoại di động chính của Xiaomi cũng chưa được nhiều người tiêu dùng công nhận là xứng đáng ở vị thế cao cấp. Minh chứng là hãng đã bắt đầu giảm giá đáng kể sản phẩm để thu hút người tiêu dùng.

Điển hình trong đó là chiếc smartphone Mi MIX Fold màn hình gập của Xiaomi, có giá khởi điểm từ 10.000 nhân dân tệ nhưng đã phải bán với mức chiết khấu hơn 2.000 nhân dân tệ. Sản phẩm sau khi ra mắt đã khiến nhiều người dùng thất vọng bởi chất lượng máy kém, công nghệ cũ (màn hình 60Hz, camera tương tự Redmi Note 9) trong khi giá bán lại quá cao. Trong khi đó, các smartphone màn hình gập của Samsung và Huawei thường giữ nguyên giá gốc hoặc thậm chí tăng giá đáng kể.

Một ví dụ khác là chiếc MIX 4 mới ra mắt của Xiaomi, được chủ định gây ấn tượng với cấu hình cao và hệ thống camera trước ẩn dưới màn hình. Tuy nhiên, sau thời gian đầu được quan tâm, sức hút của nó cũng dần giảm xuống. Nhiều người dùng chia sẻ quan điểm rằng khi nói tới hình ảnh thương hiệu, tất cả những cái gọi là lợi thế phần cứng đôi khi sẽ bị "dẹp sang một bên", thay vào đó là các mong đợi lớn hơn về trải nghiệm, độ nhận diện và sự tin tưởng. Trong khi đó, chiếc MIX 4 đã bị xóa bỏ tính năng chống trộm độc đáo nhất ngay sau khi ra mắt do yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc. Tất cả điều này đã trở thành trở ngại lớn nhất cho Xiaomi để có thể bước chân trên con đường cao cấp.

Chưa hết, ở phân khúc 2.000 tệ (khoảng 7 triệu đồng), thương hiệu Redmi cũng đang gặp phải những thách thức chưa từng có. Những sản phẩm mới cùng chiến lược giá của các đối thủ như OnePlus, Realme hay thậm chí cả IQOO đang khiến dấu ấn của Redmi trên thị trường ngày càng mờ nhạt. Liên tục bị tấn công ở mọi mặt trận khiến cho việc phòng thủ đối với Xiaomi giờ còn quan trọng hơn chuyện tấn công chiếm lĩnh các thị trường mới.

Genk

Bài viết tương tự

Bài viết nổi bật