Chiếc iPhone của Apple đã bắt đầu cuộc cách mạng smartphone vào năm 2007, nhưng phải đến vài năm sau đó, các đối thủ lớn trong cuộc đua mới nhập cuộc.
Trong vòng 10 năm qua, chúng ta đã được chứng kiến smartphone tiến hóa từ các thiết bị màn hình cảm ứng độ phân giải thấp thành những cỗ máy mạnh mẽ phục vụ việc xem phim, đọc tin tức, chụp ảnh và duyệt web. Dù rất khó để lập ra danh sách gồm một vài mẫu điện thoại quan trọng nhất thập niên vừa qua, nhưng dưới đây là những thiết bị đã góp phần nhiều nhất trong việc thay đổi cảnh quan ngành công nghiệp di động.
iPhone 4 (2010)
Hiếm có chiếc điện thoại nào khiến dân tình hóng hớt như iPhone 4. Nó hiện vẫn giữ kỷ lục chiếc điện thoại bị rò rỉ nhiều nhất mọi thời đại, nhưng cũng là chiếc điện thoại giới thiệu nhiều tính năng và các yếu tố thiết kế tạo cảm hứng cho nhiều thiết bị sau này.
iPhone 4 là chiếc smartphone hiện đại đầu tiên giới thiệu camera trước, khai sinh ra Facetime, và quan trọng hơn, là selfie. Nó là chiếc điện thoại đầu tiên sử dụng HDR, cách mạng hóa những gì chúng ta từng nghĩ camera di động có thể làm được. Nó là chiếc điện thoại phổ biến đầu tiên sử dụng thiết kế "bánh kẹp gương", tạo nên một xu thế thiết kế mà đến ngày nay vẫn còn phổ biến.
Và đừng quên, đây còn là chiếc điện thoại giới thiệu ý tưởng "màn hình Retina", loại màn hình độ phân giải cao đến mức mắt thường không thể nhìn ra từng điểm ảnh riêng biệt nữa, biến nó thành chuẩn mực không thể thiếu đối với màn hình các điện thoại cao cấp về sau. Thậm chí tầm ảnh hưởng của nó còn vượt xa khỏi thị trường smartphone nữa.
Galaxy Note (2011)
Bạn có lẽ đã biết tại sao Galaxy Note lại hiện diện trong danh sách này. Dù vẽ vời trên màn hình điện thoại chưa bao giờ được xem là một điểm thú vị, trừ một vài người thực sự đam mê, nhưng màn hình lớn của nó lại thu hút người dùng. Vào thời điểm ra mắt, màn hình lớn 5.3-inch của Galaxy Note có vẻ kỳ quặc, nhưng ngày nay, kích cỡ màn hình này lại được xem là hơi bé một chút.
Tất nhiên, điện thoại hiện nay có viền màn hình nhỏ hơn nhiều, tỉ lệ màn hình cũng mỏng hơn để tối đa hóa diện tích sử dụng trong một thân máy nhỏ hơn, nhưng tất cả những điều đó diễn ra là bởi Galaxy Note đã khiến chúng ta nhận ra một màn hình lớn tiện lợi như thế nào. Galaxy Note cũng là thiết bị chứng minh rằng điện thoại có thể dùng để làm việc thực thụ chứ không chỉ để nghe gọi hay giải trí.
Moto G (2013)
Dù hầu hết các điện thoại trong danh sách này đều là các thiết bị flagship, Moto G và các thế hệ tiếp sau nó đã làm rất nhiều điều để chứng minh bạn không nhất thiết phải bỏ ra cả gia tài mới có được một trải nghiệm Android mượt mà. Với mức giá 179 USD - khá rẻ, kể cả khi xét theo tiêu chuẩn năm 2013 - cùng cấu hình tầm trung, Moto G đôi lúc mang lại cảm giác còn mượt hơn cả các thiết bị flagship. Tất cả là nhờ Motorola đi theo hướng không tùy tiện tùy biến hệ điều hành của Google, giúp Moto G hầu như không hề có phần mềm rác.
Đó là một điều hiếm có ở thời điểm đó, nhưng nhiều năm sau, dòng sản phẩm Moto G vẫn tiếp tục mang lại giá trị tốt hơn hầu hết mọi thiết bị khác trên thị trường.
OnePlus One (2014)
OnePlus bước chân vào thị trường với một tuyên bố táo bạo: có thể làm ra một chiếc diện thoại "hủy diệt flagship" với giá chỉ 300 USD. Và dù thế hệ đầu của OnePlus không thực sự đạt được mục tiêu đó, nó cho thấy đây là một thế lực không thể xem thường. Công ty đã chứng minh mình có thể mang đến những thiết bị với cấu hình cạnh tranh nhưng có giá thấp hơn nhiều so với các đối thủ mà không phải hi sinh chất lượng gia công.
Ngày nay, OnePlus vẫn dẫn trước các đối thủ về giá, và cũng không ai nghi ngờ khả năng cạnh tranh của công ty này trước các đối thủ lớn cả. Chiếc OnePlus đầu tiên không chỉ dự báo trước những thành công trong tương lai của công ty, nó còn mở ra một danh mục sản phẩm mới - các thiết bị flagship giá tốt - một lời nhắc nhở rằng chúng ta không cần phải bỏ ra một khoản tiền lớn để có được trải nghiệm smartphone tuyệt đỉnh.
Amazon Fire Phone (2014)
Có lẽ bạn đang tự hỏi tại sao một chiếc điện thoại thất bại lại lọt vào danh sách? Đơn giản thôi: với Fire Phone, Amazon đã nắm trong tay mọi tiềm năng để trở thành một nhà sản xuất smartphone lớn tiếp theo, và may mắn cho các đối thủ là hãng này đã thất bại.
Amazon có tầm ảnh hưởng không hề nhỏ trong cuộc sống của chúng ta thông qua dịch vụ mua sắm trực tuyến và sự phổ biến của Alexa. Một công ty như vậy, nếu đứng đằng sau thiết bị quan trọng nhất, được sử dụng thường xuyên nhất trong cuộc sống của hầu hết chúng ta, sẽ là một điều hết sức kinh khủng. Đặc biệt qua những gì công ty này thể hiện trên chiếc Fire Phone.
May mắn thay, lấn sân sang thị trường smartphone với một nền tảng mới là điều rất khó - cứ hỏi Microsoft mà xem - và nền tảng đó lại được đặt vào một thiết bị có hiệu năng mờ nhạt. Màn hình 3D của máy không gì ngoài một trò lừa phỉnh, phiên bản Android trên máy thiếu khả năng hỗ trợ ứng dụng, thời lượng pin kém cỏi, và nó chẳng có tính năng nào hấp dẫn trừ việc giúp bạn mua đồ trên Amazon nhanh hơn. Tất nhiên rồi!
Cùng với thất bại của Windows Phone và BlackBerry, Fire Phone càng khiến chúng ta thấy được rằng ngai vàng của Android và iOS sẽ chưa thể bị lật đổ trong một sớm một chiều được.
Xiaomi Mi Mix (2016)
Nhờ Xiaomi, chúng ta mới có được những chiếc điện thoại không viền màn hình như ngày nay. Dù ý tưởng về màn hình điện thoại với viền tối giản đã xuất hiện nhiều năm trước, Mi Mix là chiếc điện thoại lớn đầu tiên mang thiết kế đó ra thị trường. Nó đã biến ý tưởng từng được xem là viễn vông thành một sản phẩm hữu hình đẹp ngất ngây mà chúng ta có thể thực sự cầm trên tay.
Google Pixel (2016)
Chiếc Google Pixel đời đầu là một đột phá, và với nó, Google đã chấm dứt việc để các đối tác vừa tận hưởng mọi thành quả họ làm ra trên hệ điều hành Android, vừa thỏa sức thêm đủ loại ứng dụng rác, giao diện, và các tính năng thừa thãi. Sau nhiều năm bán các thiết bị Nexus nhắm đến nhóm đối tượng là các nhà phát triển với số lượng hạn chế, Google quyết tâm chứng minh họ có thể làm nhiều thứ hơn chỉ là một công ty phần mềm.
Không hề ngạc nhiên khi Pixel 1 không đạt được thành công lớn về mặt thương mại, khi mà nó chỉ độc quyền cho nhà mạng Verizon. Nhưng nó đã đặt ra chuẩn mực mới đối với trải nghiệm Android "thuần". Nó có lẽ cũng là một bước nhảy lớn nhất về mặt chất lượng hình ảnh smartphone kể từ khi iPhone 4 giới thiệu HDR. Công nghệ HDR+ của Pixel 1 không chỉ giúp tăng dải động, mà còn giảm nhiễu hạt, cải thiện cân bằng trắng, mang lại màu sắc chân thực hơn và giúp ảnh sắc nét hơn.
Dòng sản phẩm Pixel hiện nay là chuẩn mực để đánh giá camera của các điện thoại khác, và Google cũng không đơn thuần là một công ty phần mềm nữa.
iPhone X (2017)
iPhone X có thể không phải là chiếc điện thoại không viền màn hình đầu tiên, nhưng nó đã giúp phổ biến hóa thiết kế này. Không may là nó cũng phổ biến cả "tai thỏ" nữa.
iPhone X mang lại cho chúng ta một phương thức hoàn toàn mới trong sử dụng hệ điều hành iOS nhờ vào hệ thống điều hướng cử chỉ, đồng thời còn chứng minh rằng nhận dạng khuôn mặt không chỉ là một hình thức xác thực sinh trắc học khả thi mà còn có tính bảo mật cao hơn và tiện dụng hơn vân tay. Một điều không may khác: iPhone X cũng mở ra thời đại của những chiếc điện thoại 1.000 USD.
Huawei Mate 20 Pro (2018)
Thật khó để xác định chính xác từ khi nào Huawei đã trở thành một gã khổng lồ phần cứng như ngày nay, nhưng một điều không bàn cãi là chưa có chiếc điện thoại nào thể hiện rõ năng lực của công ty này như Mate 20 Pro. Dù đây không phải là chiếc điện thoại đầu tiên có 3 camera sau, nó lại là chiếc điện thoại lớn đầu tiên sử dụng combo ống kính gồm góc siêu rộng, thông thường, và telephoto. Ngoài ra, camera chính của máy còn vượt trội hơn hầu hết các đối thủ, kèm theo đó là một viên pin lớn, tính năng đăng nhập bằng khuôn mặt, cảm biến vân tay dưới mặt kính màn hình, và một loạt các tính năng khác.
Mate 20 Pro là sản phẩm tham vọng nhất của Huawei trước khi bị Mỹ đưa vào danh sách đen. Hiện nay, công ty này không còn được phép sử dụng các dịch vụ Google nữa, và điều đó khiến họ phải đối mặt với một tương lai bất định tại các thị trường ngoài Trung Quốc - nhưng chắc chắn họ sẽ không lùi bước.
Galaxy Fold (2019)
Chiếc điện thoại mới nhất trong danh sách này nhiều khả năng cũng sẽ là một trong những chiếc điện thoại quan trọng nhất trong thập kỷ tới. Màn ra mắt của Galaxy Fold dù không mấy thành công khi gặp phải nhiều vấn đề và những mối quan ngại về độ bền, nhưng có một điều chắc chắn: điện thoại màn hình gập là tương lai, hoặc ít nhất cũng là một phần của nó.
Như Galaxy Note trước đây, Galaxy Fold có mục tiêu cho phép chúng ta làm nhiều thứ hơn nữa với một thiết bị vừa vặn trong túi quần. Nó quá đắt và không thiết thực với nhiều người, nhưng chỉ là vấn đề thời gian trước khi Samsung tìm ra giải pháp.
Vị trí danh dự: dòng sản phẩm Palm Pre (2009 - 2011)
Chiếc Palm Pre đầu tiên ra mắt năm 2009, nhưng dòng sản phẩm nay đã đi vào dĩ vãng này chỉ thực sự thăng hoa ở hai thế hệ tiếp theo. Không thể phủ nhận sự tác động của Palm Pre và phần mềm WebOS của nó lên thị trường smartphone, báo hiệu và là nguồn cảm hứng cho nhiều tính năng smartphone mà chúng ta đang sử dụng hiện nay.
Tìm kiếm trên toàn thiết bị, đa nhiệm qua giao diện dạng thẻ, cập nhật OTA, điều hướng cử chỉ, quản lý thông báo, ứng dụng web, và nhiều thứ khá đã được Palm tiên phong giới thiệu. Đáng tiếc là phần cứng của nó không đáp ứng được tầm nhìn của phần mềm, và WebOS cũng không trụ được quá lâu trên thị trường hệ điều hành di động. Nhưng sức ảnh hưởng của Palm là điều không thể bàn cãi.
Tham khảo: TheNextWeb
Nguồn: Genk.vn