Tờ Techinasia mới đây đã có bài viết đưa ra nhận định về tương lai của ứng dụng gọi xe Gojek ở thị trường Việt Nam sau 2 năm gia nhập nhiều sóng gió.
Cụ thể, Gojek đã chính thức bước chân vào thị trường Việt Nam thông qua thương hiệu GoViet vào tháng 9/2018. Lễ ra mắt có sự tham dự của Tổng thống Indoneisa Joko Widodo và nhà sáng lập kiêm CEO Gojek khi ấy là Nadiem Makarim.
Cựu CEO Makarim từng phát biểu: "GoViet sẽ được tích hợp chặt chẽ với công nghệ tầm cỡ thế giới của Gojek" và rằng chi nhánh Indonesia sẽ cung cấp những hỗ trợ tài chính "dài hạn" cho liên doanh tại Việt Nam.
Dĩ nhiên thời điểm đó việc tấn công thị trường Việt Nam là rất có ý nghĩa với Gojek. Đây là quốc gia đông dân thứ 2 tại Đông Nam Á và cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên của họ.
"GoViet sẽ được tích hợp chặt chẽ với công nghệ tầm cỡ thế giới của Gojek. Chi nhánh Indonesia sẽ cung cấp những hỗ trợ tài chính dài hạn cho liên doanh tại Việt Nam"
Tuy nhiên hành trình 2 năm của Gojek ở Việt Nam dường như chưa đáp ứng được những tham vọng ban đầu của họ.
Chỉ trong 1 năm, có tới 2 CEO phải rời ghế. Sự bất ổn ở vị trí cao nhất đã gây cản trở không nhỏ đối với những nỗ lực nhằm "đấu" lại Grab của công ty.
Tháng 8, Gojek cuối cùng đã định vị lại thương hiệu tại Việt Nam và Thái Lan bằng động thái đồng nhất thương hiệu Gojek trên tất cả các thị trường. Đồng CEO Kevin Aluwi và Andre Soelistyo cũng một lần nữa xác nhận lại những cam kết dài hạn với thị trường Việt Nam. Ông Phùng Tuấn Đức được bổ nhiệm làm CEO mới.
Tuy nhiên trong tình hình hiện tại, khi Grab và Gojek đang được đồn đoán sắp tiến tới sáp nhập, dư luận lại dấy lên những câu hỏi lại xung quanh việc liệu Gojek có nên tiếp tục ở lại những thị trường quốc tế như Việt Nam hay không?
Đúng thời điểm
Tháng 5/2018, Gojek tuyên bố họ sẽ đầu tư 500 triệu USD cho 4 thị trường gồm Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines – nơi các công ty địa phương sẽ "tự định vị thương hiệu và nhận diện".
Thời gian đó là hoàn hảo để các đối thủ cạnh tranh gây áp lực lên Grab ở Việt Nam.
Năm 2018, Grab vướng vào cuộc chiến pháp lý với các công ty taxi truyền thống ở Việt Nam. Kết quả là công ty này đã bị phạt 200.000 USD. Ngoài ra sự kiện họ thâu tóm Uber Đông Nam Á cũng đã khiến nhà chức trách để ý tới.
"Grab vốn đang chịu sự tấn công khốc liệt của các hãng taxi truyền thống và rõ ràng các công ty địa phương như Be, FastGo và GoViet đều nhìn thấy cơ hội gia nhập thị trường vào năm 2018", một chuyên gia phân tích nhận định.
"Trong số đó, GoViet là cái tên đáng chú ý nhất bởi họ được hỗ trợ mạnh về cả tài chính và công nghệ từ tập đoàn mẹ Gojek".
Ở thời điểm ra mắt GoViet vào tháng 9/2018, công ty này tuyên bố GoBike đã chiếm 35% thị trường gọi xe ôm theo nhu cầu chỉ trong vòng 3 tháng thử nghiệm ở TP Hồ Chí Minh.
Để trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của Grab, GoViet sẽ phải ra mắt cả dịch vụ gọi xe ô tô. CEO đầu tiên của GoViet là Duc Nguyen (Nguyễn Vũ Đức) hứa hẹn dịch vụ này sẽ xuất hiện vào cuối năm 2018. Nhưng cả Duc Nguyen và người tiền nhiệm sau đó Christy Trang Le (Lê Diệp Kiều Trang) đều không thực hiện được.
Trong khi đó, các đối thủ như Be và FastGo đều đã có dịch vụ gọi xe ô tô.
CEO mới được bổ nhiệm là Phùng Tuấn Đức được dự đoán sẽ mang về sự ổn định cần thiết cho Gojek Việt Nam, nhờ việc vị này đã gắn bó với GoViet ngay từ ngày đầu vào Việt Nam ở vai trò Giám đốc vận hành (COO).
Trong một bài phỏng vấn với truyền thông, CEO Phùng Tuấn Đức đã đề cập về 3 dịch vụ cốt lõi gồm vận tải, giao đồ ăn và thanh toán như "Tam giác vàng" trong hoạt động kinh doanh của công ty. Ông thừa nhận những mảnh ghép còn thiếu của Gojek là thanh toán và GoCar.
Tới tháng 9, tờ DealstreetAsia cho biết Gojek đã mua lại một lượng lớn cổ phần ví điện tử WePay ở Việt Nam, nhưng sự thực là Gojek đã gia nhập thị trường này quá muộn. Cuộc chơi đã quá đông đúc.
Trong khi đó, những quy định trong thị trường gọi xe ngày một khó khăn hơn. Hiện tại, Grab đang thống trị mảng gọi xe ở Việt nam, chiếm khoảng 75% thị phần.
Nguồn tin của TechinAsia cho rằng bất chấp Covid-19, dịch vụ gọi xe ô tô của Grab vẫn tạo ra doanh thu và biên lợi nhuận cao hơn dịch vụ xe máy. Tuy nhiên, dịch vụ gọi xe ô tô đang ngày càng cạnh tranh hơn và yêu cầu nhiều vốn hơn để đối mặt với những rào cản pháp lý và hỗ trợ tài xế và người dùng.
Đó là chưa kể thị trường gọi xe 4 bánh không chỉ có Grab, còn có nhiều cái tên khác.
Đáng chú ý phải kể đến là Be, EMDDI.
Tan Nguyen, Giám đốc công nghệ của EMDDI nói rằng nền tảng hiện tại quản lý 30.000 taxi cho hơn 90 công ty taxi ở trên 40 thành phố và tỉnh.
Be hiện có mạng lưới 100.000 tài xế với 350.000 yêu cầu đặt xe mỗi ngày tại 10 tỉnh thành. Be ra đời năm 2018 và cũng đã trải qua việc thay đổi nhân sự cấp cao nhất.
Tương lai ra sao?
Với những đồn đoán xung quanh việc Grab – Gojek sáp nhập, CEO Be Group Nguyen Hoang Phuong chia sẻ với tờ TechinAsia rằng: "Khi Grab mua Uber Việt Nam, thị trường vẫn đủ lớn để Be tham gia. Chúng tôi tin rằng cạnh tranh là động lực thúc đẩy các công ty cải thiện dịch vụ. Be Group không hoàn toàn đang trong trạng thái ‘đốt tiền’ nhưng sẽ tập trung vào việc chi tiêu cho những nguồn lực cần thiết".
Trong mảng giao đồ ăn, GoFood cũng đã đối mặt với rất nhiều đối thủ - những đơn vị sẵn sàng chi cả đống tiền để giành chiến thắng ở Việt Nam.
Thị trường hiện có cả Baemin – công ty được "chống lưng" bởi kỳ lân Hàn Quốc Woowa Brothers. Ứng dụng giao đồ ăn đang tích cực cạnh tranh với Grab và Now.
Hiện chưa rõ tiềm năng sáp nhập Grab và Gojek tới đâu,nhưng các nhà đầu tư tin rằng việc đó sẽ làm giảm tình trạng đốt tiền ở cả hai công ty.
Theo nhận định của Bloomberg, nhiều khả năng Grab sẽ chỉ mua lại hoạt động tại Indonesia của Gojek, điều đó đồng nghĩa với việc các hoạt động ở nước khác của của Gojek sẽ không chấm dứt.
Cần phải nhắc thêm, hoạt động kinh doanh của Gojek cũng có phần khác biệt so với Grab. Họ tham gia vào nhiều mảng khác gồm cả GoPlay, GoStore…
Cũng có khả năng cả Grab và Gojek sẽ cùng rút lui khỏi các thị trường nước ngoài trong một thỏa thuận không chen chân vào hoạt động của nhau.
Dù vậy ngay lúc này vẫn là quá sớm để đưa ra kết luận!
Nguồn: Genk.vn