Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

AMD bất ngờ đâm đơn kiện LG, cáo buộc vi phạm bản quyền công nghệ GPU

AMD bất ngờ đâm đơn kiện LG, cáo buộc vi phạm bản quyền công nghệ GPU

Cuối tháng trước, AMD đã đệ đơn kiện, cáo buộc một loạt các công ty vi phạm các sáng chế về công nghệ xử lý đồ họa của hãng. AMD đã yêu cầu Ủy ban thương mại quốc tế Hoa Kỳ (ITC Hoa Kỳ) điều tra và nếu phát hiện vi phạm, AMD muốn ITC ra lệnh cấm bán các sản phẩm sử dụng những con chip vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của AMD.

Trong đơn kiện, AMD khẳng định rằng các sản phẩm của LG, MediaTek, Sigma Designs và Vizio đã vi phạm 3 bằng sáng chế của mình trong đó có 2 sáng chế được ATI Technologies đệ trình và cấp vào đầu những năm 2000 (AMD mua lại ATI năm 2006) và 1 bằng sáng chế của chính AMD.

Cụ thể, các sáng chế này bao gồm: Sáng chế số 133 về công nghệ shader hợp nhất (unified shader); sáng chế số 506 về hệ thống đồ họa song song; sáng chế số 454 về kiến trúc xử lý đồ họa khai thác unified shader và một sáng chế đang chờ phê duyệt về các kiến trúc GPU dùng unified shader số 967 cũng bị xâm phạm bởi hai trong số các hãng kể trên.

 

Điều đáng chú ý là tất cả các hãng bị kiện đều đăng ký sử dụng công nghệ GPU từ các nhà phát triển thứ 3 chẳng hạn như ARM và Imagination. Trong khi luật liên quan đến hành vi vi phạm tài sản trí tuệ nhìn chung vẫn chưa chặt chẽ thì rất khó để AMD có thể kiện các công ty này nếu vi phạm ý tưởng. Chính vì vậy AMD đánh thẳng vào các nhà sản xuất sản phẩm cụ thể.

Do vậy, thay vì cáo buộc ARM hay Imagination vi phạm tài sản trí tuệ thì AMD lại đâm đơn kiện MediaTek, LG, Sigma và Vizio - tất cả đều chế tạo hoặc sử dụng những con chip mà AMD tin là vi phạm tài sản trí tuệ hoặc sử dụng những con chip này trên sản phẩm tiêu dùng.

Nhìn chung vụ kiện của AMD khá giống với vụ kiện của NVIDIA vào nửa cuối năm 2014 khi NVIDIA đệ đơn lên US ITC cáo buộc Qualcomm và Samsung vi phạm các sáng chế cùng về công nghệ đồ họa.

Giống như AMD, NVIDIA cho rằng bằng sáng chế của họ đã bị vi phạm và họ muốn tìm hiểu xem ai là người chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm sáng chế công nghệ của hãng trên các thiết bị như smartphone: Là nhà sản xuất thiết bị hay là nhà sản xuất SoC?

Tại vụ kiện này, Nvidia về cơ bản đã thua, các công ty đã tự dàn xếp với nhau bởi Samsung ngay sau đó đã kiện ngược Nvidia và thắng kiện. Hoạt động dàn xếp diễn ra ngoài phiên tòa nên không có tiền lệ nào về pháp lý nào được đưa ra sau vụ kiện tụng này.

 

Với trường hợp của AMD, đào sâu hơn về vấn đề thì một trong những sản phẩm được AMD cáo buộc vi phạm sáng chế là chip SoC Helio P10 của MediaTek cho smartphone, điển hình là LG X Power. SoC này tích hợp vi xử lý đồ họa Mali T860MP2 mà ARM đã nhượng quyền sử dụng cho MediaTek, MediaTek không phát triển GPU này.

Một SoC khác cũng bị AMD cáo buộc vi phạm bản quyền là Sigma SX7 (STV7701) dành cho UHD TV có hỗ trợ HDR. Chi tiết về SoC này không nhiều, nhưng rất có thể nó sử dụng GPU do ARM phát triển. Vizio đã sử dụng Sigma SX7 trên các dòng TV cao cấp của mình do vậy Vizio bị kéo vào vụ kiện.

Quan trọng hơn, AMD cũng nhấn mạnh trong đơn kiện rằng sự vi phạm sáng chế không dừng ở lại ở những sản phẩm được nêu tên mà chúng chỉ là những ví dụ điển hình. Như vậy, vụ kiện tụng này có thể vượt ra ngoài phạm vi hai SoC, một smartphone và một số mẫu TV (bao gồm LG 49UH6500 và Vizio E43U-D2).

AMD cho rằng những con SoC và sản phẩm kể trên không chỉ vi phạm tài sản trí tuệ mà còn gây thiệt hại cho những công ty đã được AMD nhượng quyền sử dụng sáng chế hợp pháp. Để củng cố cho lời cáo buộc này, AMD đã tiết lộ rằng Samsung và GlobalFoundries đã đăng ký sử dụng các sáng chế 506, 454, 133 và thậm chí là 967 đang chờ cấp.

Samsung có quyền sử dụng các tài sản trí tuệ của AMD trong dòng SoC Exynos (tính đến dòng Exynos 8 Octa 8895 sử dụng GPU Mali), trong khi đó GlobalFoundries có quyền sản xuất những con chip tương ứng.

Trên thực tế, một trong những khúc mắc lớn hiện tại là vẫn chưa rõ kiến trúc GPU nào được AMD cho là vi phạm tài sản trí tuệ của hãng. Trong đơn kiện có tên cụ thể của 2 SoC sử dụng GPU ARM Mali và dựa trên sáng chế vi phạm theo cáo buộc của AMD chẳng hạn như unified shader thì rất có thể hãng muốn nhắm đến kiến trúc Midgard của ARM.

Trong khi đó, AMD không đả động đến những con chip dùng kiến trúc đồ họa PowerVR của Imagination. MediaTek được biết đến là nhà sản xuất sử dụng cả 2 thiết kế GPU của ARM lẫn Imagination và vì AMD chỉ liệt kê một vài con chip làm ví dụ nên chưa rõ cáo buộc của AMD có liên quan đến PowerVR hay không.

 

Tuy nhiên, nhìn vào danh sách các SoC mà Samsung được cấp phép sản xuất, chúng ta thấy các SoC sử dụng GPU ARM. Do vậy, nhiều khả năng AMD chỉ muốn có các động thái pháp lý xung quanh các sáng chế GPU ARM.

Động lực nào khiến AMD đệ đơn kiện một loạt các hãng? Cuối năm 2014, AMD đã từng công bố kế hoạch kiếm tiền từ quỹ tài sản trí tuệ của công ty nhằm đảm bảo nguồn doanh thu ổn định và tăng lợi nhuận. Năm ngoái, hãng đã đạt được thỏa thuận với Tianjin Haiguang Advanced Technology Investment Co., Ltd (THATIC) - bộ phận đầu tư của Viện khoa học Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hoạt động phát triển SoC dành cho máy trạm.

Ngoài việc tìm kiếm các đối tác như THATIC, AMD đã tiếp cận một số công ty sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ được phát triển bởi các bên thứ ba (ví dụ như ARM) để tìm kiếm cơ hội nhượng quyền sử dụng sáng chế. AMD tuyên bố rằng họ đã thực thi quyền sở hữu trí tuệ của mình với Samsung và LG và các vụ kiện mới sẽ tiếp tục được tiến hành trong tương lai.

Đơn kiện của AMD yêu cầu ITC Hoa Kỳ ban hành một lệnh cấm có giới hạn nhằm ngăn chặn các sản phẩm vi phạm được nhập khẩu và bán tại thị trường Mỹ. Nếu ITC phát hiện ra các bị cáo vi phạm sáng chế của AMD và quyết định cấm bán sản phẩm thì rất nhiều dòng sản phẩm của LG và Vizio sẽ bị ảnh hưởng.

AMD vốn không phải là một công ty thường xuyên kiện tụng và cũng rất kín tiếng bởi hiếm khi hãng công bố những vụ kiện tụng trước công chúng. Vào năm 2005, AMD đã kiện Intel cáo buộc hãng này thực hiện nhiều hành động sai trái ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của AMD vào những năm 90, đầu 2000 nhưng đây cũng là vụ kiện duy nhất mà AMD tham gia trong những năm gần đây.

Theo Anandtech

Nguồn: Genk.vn