Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

AMD thách thức thế độc quyền của Nvidia trong cuộc chiến chip AI bằng chiêu độc: Làm ngược lại đối thủ

AMD thách thức thế độc quyền của Nvidia trong cuộc chiến chip AI bằng chiêu độc: Làm ngược lại đối thủ

Ramine Roane, Phó chủ tịch phụ trách mảng trung tâm dữ liệu, đám mây và trí tuệ nhân tạo (AI) tại AMD, đã chia sẻ về cách tiếp cận của công ty trong việc giải quyết tình trạng thiếu hụt GPU và thách thức vị thế thống trị của Nvidia trong lĩnh vực chip AI. Thay vì đi theo con đường "đóng" như đối thủ, AMD chọn giải pháp phần mềm mã nguồn mở, hướng đến cộng đồng và tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng.

Trong bài phát biểu tại hội nghị Momentum AI của Reuters ở San Jose, California (Mỹ) vào hôm thứ Ba, ông Roane đã đề cập đến tình trạng khan hiếm nguồn cung GPU và cách tiếp cận của AMD để giải quyết vấn đề này. Cả AMD và Nvidia đều là những nhà sản xuất GPU hàng đầu thế giới, cung cấp linh kiện quan trọng cho ngành công nghiệp game và phát triển AI. Tuy nhiên, theo ước tính của Mizuho Securities, Nvidia hiện đang kiểm soát hơn 70% thị phần chip AI, phục vụ cho các khách hàng lớn như Meta, Google, Amazon và OpenAI.

AMD thách thức thế độc quyền của Nvidia trong cuộc chiến chip AI bằng chiêu độc: Làm ngược lại đối thủ

Nhu cầu ngày càng tăng đối với AI tạo sinh và các con chip mạnh mẽ để phát triển mô hình đào tạo đã khiến nguồn cung GPU trở nên khan hiếm. Ông Roane thừa nhận đây là một vấn đề lớn trong ngành và cho biết AMD đang "cung cấp ra thị trường tất cả GPU mà công ty có thể sản xuất". Ông Roane cũng ám chỉ cách tiếp cận "đóng" của Nvidia đối với nền tảng phần mềm CUDA: "Chúng tôi biết những gì đang diễn ra. Có một nhà cung cấp rất mạnh với phần mềm hoàn toàn đóng và độc quyền".

Ra mắt vào năm 2006, CUDA chỉ tương thích với GPU của Nvidia. Việc phát triển CUDA từ sớm đã giúp Nvidia thiết lập tiêu chuẩn công nghiệp, tạo lợi thế cạnh tranh đáng kể trong khi các mô hình lập trình thay thế khác gặp khó khăn trong việc tạo dựng chỗ đứng. Phó chủ tịch AMD cho biết thêm, khách hàng đang chuyển đổi các chương trình CUDA sang HIP, ngôn ngữ lập trình của ROCm, có khả năng tương thích với nhiều loại GPU khác nhau. Thậm chí, Microsoft hiện đang triển khai mô hình AI GPT-4 của OpenAI trên chính các sản phẩm của AMD.

Ngược lại, AMD chọn hướng đi khác biệt với phần mềm ROCm mã nguồn mở dành cho lập trình GPU. Bất kỳ ai cũng có thể tự do sử dụng, tải xuống hoặc sửa đổi ROCm. "Chúng tôi đã đi theo hướng khác và phần mềm ROCm của chúng tôi hoàn toàn mở", ông Roane nhấn mạnh.

Xu hướng thay đổi cũng dần rõ nét hơn khi Meta và Microsoft công bố kế hoạch mua chip AMD vào năm ngoái, giảm dần sự phụ thuộc vào bộ xử lý đồ họa của Nvidia. Alvin Nguyen, nhà phân tích cấp cao tại Forrester, nhận định cách tiếp cận mã nguồn mở của AMD có thể giúp công ty chiếm được cảm tình của thị trường. "Cách tiếp cận mã nguồn mở của họ là hợp lý vì việc tạo ra một cộng đồng với rào cản tiếp cận tối thiểu là cơ hội tốt nhất để họ giành được nhiều thị phần hơn. Nó đòi hỏi ít sự hỗ trợ hơn từ phía họ so với việc cung cấp một giải pháp được phát triển nội bộ và sẽ giúp giữ chi phí ở mức thấp".

Mặc dù vậy, ông Nguyen cũng lưu ý rằng việc cung cấp khả năng tương thích với CUDA để cho phép khách hàng chuyển đổi sang các nhà cung cấp GPU khác sẽ vẫn yêu cầu AMD phải liên tục hỗ trợ. "Vấn đề là những thay đổi đối với CUDA có thể tạo ra các vấn đề về khả năng tương thích, sẽ mất thời gian để giải quyết nhưng sẽ khiến người dùng các sản phẩm không phải của NVIDIA thất vọng", ông Nguyen nói thêm.

Genk.

Similar blogs

Hot Blogs