Trong sự kiện WWDC 2020 vừa diễn ra đêm qua, Apple đã chính thức thông báo về việc chuyển đổi một số máy tính Mac sang sử dụng chip xử lý của riêng công ty: Apple Silicon.
Gọi đây là "một ngày lịch sử của máy Mac", CEO Apple Tim Cook đã mô tả lại quá trình chuyển đổi sang PowerPC, MacOS X 10, và quá trình chuyển sang Intel trước khi tiết lộ kế hoạch sử dụng chip xử lý dựa trên kiến trúc ARM của riêng Apple cho máy Mac trong tương lai. Là một bước tiến lớn trong lịch sử máy Mac cũng như Apple, quá trình chuyển đổi này cũng có nghĩa MacOS trên những máy Mac dùng bộ xử lý mới trong tương lai sẽ hỗ trợ native đối với cả ứng dụng iOS lẫn MacOS.
Apple cho biết, các máy tính Mac đầu tiên dùng chip Apple Silicon sẽ ra mắt cuối năm nay và dự kiến quá trình chuyển đổi này sẽ mất 2 năm. Các máy tính Mac dùng chip Intel vẫn sẽ ra mắt theo lộ trình, một dấu hiệu cho thấy Apple sẽ không chuyển đổi toàn bộ dòng máy tính Mac sang dùng chip ARM. Dù sao đi nữa, đây vẫn là một bước chuyển lớn đối với Apple khi từ bỏ Intel trên máy tính Mac.
Chuyển đổi sang phần cứng xử lý mới tự thiết kế, Apple hứa hẹn sẽ đưa hiệu năng xử lý và hiệu quả tiêu thụ năng lượng lên một mức cao mới. Apple hiện đang thiết kế bộ xử lý SoC cho máy Mac, với những tính năng độc đáo dành riêng cho nó. Việc có chung kiến trúc ARM đối với toàn bộ sản phẩm Apple sẽ giúp các nhà phát triển dễ dàng viết và tối ưu ứng dụng trên mọi thiết bị của Apple.
Một trong những điều quan tâm lớn nhất của việc chuyển sang các chip ARM này là khả năng chạy native các ứng dụng iOS và iPadOS trên các máy tính Mac mới trong tương lai. Apple cho biết "phần lớn ứng dụng sẽ chạy được", nghĩa là lần đầu tiên bạn sẽ có thể chạy native các ứng dụng MacOS bên cạnh các ứng dụng iOS.
Việc trình diễn được thực hiện trên chiếc Mac Pro dùng chip xử lý ARM do Apple tự thiết kế.
Các ứng dụng chuyên nghiệp của riêng Apple sẽ được cập nhật để hỗ trợ Apple Silicon trong MacOS Big Sur, và công ty hy vọng các nhà phát triển cũng sẽ cập nhật ứng dụng của họ. Với Xcode phiên bản mới, "đại đa số các nhà phát triển có thể đưa ứng dụng của họ và chạy chỉ trong một vài ngày", ông Craig Federighi, phó chủ tịch cấp cao về kỹ thuật phần mềm của Apple, tuyên bố.
Bên cạnh phần mềm của Apple, Microsoft cũng đang làm một bản cập nhật cho Office trên máy Mac mới dùng Apple Silicon. Màn trình diễn của Apple cho thấy Word và Excel chạy một cách native trên máy Mac với bộ xử lý mới. Thậm chí PowerPoint còn sử dụng công nghệ Metal của Apple để render.
Máy Mac dùng chip ARM xử lý trơn tru một file photoshop nặng 5GB
Apple cũng đang hợp tác với Adobe để đưa bộ phần mềm đồ họa của công ty này chạy trên các con chip mới. Apple đã trình diễn demo việc sử dụng Lightroom và Photoshop chạy trên máy Mac với bộ xử lý mới, và việc xử lý một file ảnh PSD nặng đến 5GB diễn ra một cách hoàn toàn trơn tru, mượt mà.
Apple cho thấy mình tập trung cao độ vào việc chuyển đổi các ứng dụng sang nền tảng bộ xử lý mới. Bên cạnh giải pháp biên dịch lại ứng dụng bằng Xcode, MacOS Big Sur còn mang đến một phiên bản mới của tính năng Rosetta – từng được Apple sử dụng cho quá trình chuyển đổi ứng dụng trên máy Mac từ chip PowerPC sang Intel. Và giờ đây, Rosetta 2 sẽ đảm đương nhiệm vụ tương tự, khi chuyển đổi ứng dụng trên máy Mac từ Intel sang bộ xử lý mới.
Điều đó có nghĩa là ngay cả khi nhà phát triển không hoàn toàn cập nhật các ứng dụng của mình, chúng vẫn có thể hoạt động mà không cần chỉnh sửa. Bên cạnh đó, Apple còn giới thiệu tính năng ảo hóa để chạy được Linux trên máy tính Mac mới.
Bộ kit dành cho các nhà phát triển bao gồm cả một chiếc Mac Mini với CPU Apple A12Z, 16GB RAM và SSD 512GB.
Apple cũng ra mắt chương trình Quick Start dành cho các nhà phát triển với tài liệu và code mẫu, cũng như khả năng tiếp cận các phòng thí nghiệm trên toàn thế giới nhằm giúp các ứng dụng hiện tại có thể chạy trên Apple Silicon. Các nhà phát triển còn được cung cấp bộ công cụ phát triển Developer Transition Kit, bao gồm một chiếc Mac Mini với chip xử lý Apple A12Z, RAM 16GB và SSD 512G.
Các báo cáo gần đây cho thấy việc Apple chuyển sang sử dụng chip ARM tự phát triển sau khi tốc độ tăng hiệu năng xử lý của Intel đã chậm lại. Apple được cho đã thử nghiệm các chip ARM trên máy Mac và chúng có mức tăng hiệu năng đáng kể so với chip Intel.
Chạy hệ điều hành desktop trên chip ARM cũng từng là bước đi được Microsoft thử nghiệm với Windows on ARM từ một thập kỷ nay. Ban đầu Microsoft thử nghiệm với Windows 8 vào năm 2012 và thậm chí còn từng ra mắt hệ điều hành Windows RT được thiết kế để chạy trên phần cứng ARM. Gần đây, Microsoft lại cố gắng thực hiện nỗ lực này một lần nữa khi hợp tác với Qualcomm nhằm tích hợp bộ xử lý tùy chỉnh SQ1 vào chiếc Surface Pro X của mình.
Nguồn: Genk.vn