Cổ phiếu của Apple đã tăng vượt bậc so với thị trường chứng khoán trong năm nay. Khi mà giá cổ phiếu Apple đã tăng 27% kể từ đầu năm, còn chỉ số S&P500 chỉ tăng có 15%. Điều đó hoàn toàn vô lý, bởi vì thực tế Apple vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Doanh số iPhone đã sụt giảm tới 17% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù Apple đã ra mắt những mẫu iPhone mới. Apple thậm chí sẽ không công bố doanh số bán iPhone nữa, vì lo sợ số liệu này có thể khiến các nhà đầu tư thất vọng. Apple phải giảm giá bán iPhone để có thể thúc đẩy doanh số bán hàng tại Trung Quốc. Tương lai phía trước của Apple vẫn còn khá mù mịt.
Lý thuyết là sự tăng trưởng của mảng dịch vụ có thể bù đắp doanh số iPhone sụt giảm
Lý thuyết mới của CEO Tim Cook là tập trung vào mảng dịch vụ. Dựa trên một nền tảng lớn những người đang sử dụng thiết bị iOS, Apple có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi người dùng tải phần mềm, nghe nhạc hoặc thực hiện thanh toán. Sự tăng trưởng của mảng dịch vụ sẽ giúp Apple tiếp tục đứng vững ngay cả khi doanh số iPhone sụt giảm hơn nữa.
Doanh thu và tốc độ tăng trưởng từ iPhone.
Tuy nhiên trên thực tế, mảng dịch vụ vẫn còn quá nhỏ trong tổng doanh thu của Apple, khi mà iPhone vẫn còn chiếm một tỷ trọng quá lớn. Trong quý vừa qua, doanh thu từ iPhone đã giảm 6,5 tỷ USD. Trong khi mảng dịch vụ chỉ tăng 1,6 tỷ USD.
Doanh thu và tốc độ tăng trưởng của Apple.
Dựa vào biểu đồ ở trên, có thể thấy doanh thu của Apple vẫn đang tăng theo từng quý, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã sụt giảm. Mặc dù mảng dịch vụ đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ và phần nào gánh vác khi doanh số iPhone sụt giảm, nhưng có thể sẽ mất một khoảng thời gian rất lâu nữa để mảng dịch vụ có thể phát triển thành một doanh nghiệp ngang tầm với iPhone.
Tốc độ tăng trưởng của iPhone và mảng dịch vụ.
Có một thực tế là tốc độ tăng trưởng của mảng dịch vụ không phải là quá cao so với trước đây, đã có lúc tốc độ tăng trưởng đạt mức 40%. Nhưng vẫn chỉ nằm trong khoảng giới hạn đó, có thể thấy rằng mảng dịch vụ của Apple vẫn chưa thể thực sự bứt phá.
iPhone giống như một vũ trụ khép kín, còn dịch vụ bị mắc kẹt bên trong
Câu hỏi được đặt ra là liệu mảng dịch vụ của Apple có thể tăng trưởng mãi mãi hay không? Sự thật là không.
Chuyên gia phân tích Katy Huberty của Morgan Stanley cho biết số lượt tải ứng dụng của App Store lần đầu tiên sụt giảm trong Q1/2019 vừa qua. Với một nền tảng có số lượng người dùng nhất định, các hoạt động dịch vụ cũng không thể tăng trưởng mãi mãi.
Theo biên tập viên Jim Edwards của Business Insider: “iPhone giống như một vũ trụ khép kín, trong đó dịch vụ bị mắc kẹt. Nó không phải là một nền tảng mà từ đó dịch vụ có thể tăng trưởng mãi mãi”.
Tất nhiên Apple vẫn có thể gia tăng thêm doanh thu từ dịch vụ bằng cách ra mắt thêm nhiều dịch vụ mới mà chưa từng có trước đây. Apple News Plus, Apple TV Plus hay Apple Arcade chính là những ví dụ cho thấy Apple muốn doanh thu từ dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, nhưng sau đó thì sao?
Vậy lý do gì khiến giá cổ phiếu Apple vẫn tăng mạnh?
Đó không phải là do Apple có một kết quả kinh doanh mỹ mãn, hay một tương lai rạng rỡ. Mà đó là do Apple đã chi rất nhiều tiền để giữ chân nhà đầu tư của mình.
Theo báo cáo của chuyên gia phân tích Wamsi Mohan tại Bank of America, Apple vừa mới bổ sung thêm 75 tỷ USD vào chương trình mua lại cổ phiếu của mình. Apple đã chi 363 tỷ USD để mua lại cổ phiếu của chính mình hoặc trả cổ tức cho các cổ phiếu đó từ năm 2015 đến nay.
Nhà đầu tư không hề ngu ngốc. Nhưng nếu Apple vẫn trả tiền để giữ giá cổ phiếu và trả cổ tức đều đặn thì không việc gì họ phải lo lắng đến vấn đề doanh số iPhone sụt giảm, hay liệu mảng dịch vụ có đủ sức gánh vác cho cả công ty hay không.
Tham khảo: Business Insider
Nguồn: Genk.vn