Việt Nam đang nuôi ý định trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên cung cấp mạng 5G - mà không có sự góp mặt của Huawei Technologies Inc.
Quyền chủ tịch Tập đoàn Viettel, ông Lê Đăng Dũng cho biết Viettel sẽ triển khai mạng 5G dựa trên thiết bị Ericsson AB tại Hà Nội và công nghệ Nokia Oyj tại Thành phố Hồ Chí Minh. 5G của Viettel sẽ sử dụng chipset 5G từ Qualcomm Inc. và một công ty khác của Hoa Kỳ. Viettel từng sử dụng chip Ericsson và Nokia cho mạng 4G của họ, nhưng hiện tại đã bắt đầu phát triển thiết bị của riêng mình.
Viettel là nhà mạng có thị phần lớn nhất ở Việt Nam với khoảng 60 triệu khách hàng ở quốc gia có dân số 96 triệu người.
"Chúng tôi sẽ không làm việc với Huawei ở thời điểm hiện tại", ông Lê Đăng Dũng nói trong một cuộc phỏng vấn tại trụ sở của công ty ở Hà Nội. "Hiện nay đang có một chút nhạy cảm với Huawei. Đã có báo cáo rằng sử dụng Huawei không đảm bảo an toàn. Quan điểm của Viettel là, xem xét tất cả những thông tin đó, chúng ta nên đi cùng những đối tác an toàn hơn. Vì vậy, chúng tôi chọn đối tác Nokia và Ericsson từ châu Âu".
Các nhà mạng khác của Việt Nam dường như cũng đang tránh xa Huawei. MobiFone đang sử dụng thiết bị của Samsung Electronics Co. trong khi Vinaphone, đã hợp tác với Nokia để triển khai mạng 5G, theo truyền thông địa phương.
"Ngay ở thời điểm hiện, tôi nghĩ Huawei đang gặp khó khăn ở Việt Nam, vì các công ty khác cũng không sử dụng thiết bị của họ", ông Dũng nói.
Không chỉ có Việt Nam, mà các quốc gia khác cũng có phần dè chừng với Huawei, thậm chí là các nước lớn nhất. Chính quyền Trump là một điển hình, khi đã cấm Huawei mua công nghệ của Hoa Kỳ vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Quyết định phát triển 5G không dựa vào Huawei dường như trở thành một ngoại lệ ở Đông Nam Á, khi mà các quốc gia khác như Philippines, Thái Lan và Malaysia đang mở cửa để triển khai công nghệ Huawei.
Nhưng phải nói rằng, quyết định của Việt Nam không có liên quan đến lệnh cấm của Tổng thống Donald Trump: "Chúng tôi quyết định không sử dụng Huawei, không phải vì lệnh cấm của Hoa Kỳ đối với Huawei - chúng tôi chỉ đưa ra quyết định của riêng mình", ông Lê Đăng Dũng nói. "Nhiều quốc gia khác, trong đó có Hoa Kỳ, đã tìm thấy bằng chứng cho thấy việc sử dụng Huawei không an toàn cho an ninh mạng quốc gia. Vì vậy, chúng ta cần thận trọng hơn".
Tuy nhiên, cũng không phải không có lý do để nghi ngờ về công nghệ từ nước láng giềng Trung Quốc. Các quan chức chính phủ từng tuyên bố sẽ cân nhắc lại việc sử dụng công nghệ Trung Quốc vào năm 2016 sau khi các cuộc tấn công an ninh mạng vào hai sân bay lớn ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội nổ ra. Điều đó có thể là do một nhóm tin tặc từ Trung Quốc gây ra.
Buổi phỏng vấn với ông Lê Đăng Dũng còn tiết lộ một số thông tin: Viettel dự báo doanh thu năm 2019 sẽ tăng 8% -10% lên 11 tỷ USD với lợi nhuận trước thuế khoảng 2 tỷ USD.
Viettel sẵn sàng chi 1 tỷ - 2 tỷ USD để mua lại các công ty điện thoại nước ngoài tại các quốc gia như Philippines hoặc Indonesia, mặc dù không có khung thời gian nào được đưa ra cho việc đó.
Viettel đang xem xét bán cổ phần tại ba công ty con - Dịch vụ kỹ thuật số Viettel (Viettel Digital Services), Giải pháp doanh nghiệp Viettel (Viettel Enterprise Solutions) và truyền thông Viettel (Viettel Media) - vào năm tới.
Nguồn: Genk.vn