Sau sự kiện ra mắt vi xử lý Ryzen mới dành cho dòng laptop của AMD, một loạt các nhà sản xuất bắt đầu tung sản phẩm của mình, và nếu như lần trước ta có MSI Bravo 15 với cấu hình "full AMD" từ chip đến card đồ họa thì giờ là ASUS TUF Gaming.
TUF Gaming lần này có nhiều tùy chọn cấu hình khác nhau, thậm chí ngay cả kích thước cũng có dòng 15,6 và 17,3 inch, từ đó người dùng có nhiều lựa chọn phù hợp với ngân sách của mình hơn.
Về cơ bản ngoại hình, hai phiên bản 15,6 inch và 17,3 inch (A15 và A17) gần như giống nhau hoàn toàn. Mặt A (mặt ngoài) được hoàn thiện bằng kim loại, tông màu xám tạo nên cái lạnh lùng của sản phẩm, có sự xuất hiện của logo TUF thay cho chữ ASUS như phiên bản đàn anh FX505 trước đây.
Với việc đưa logo mới vào, có vẻ như ASUS đang muốn tạo dựng 1 hình ảnh riêng cho dòng TUF này.
4 góc mặt A được cắt chéo nhẹ, điểm thêm 4 con ốc giả tạo hiệu ứng cứng cáp hơn mỗi khi nhìn vào.
Hệ thống bàn phím được làm rất đẹp mắt, trang bị đèn nền RGB với 4 chế độ màu khác nhau. Cụm phím WASD chuyên dành cho các game thủ thể loại nhập vai và hành động cũng được làm nổi bật hơn với tông màu trắng.
Hai phím trái phải trên trackpad có độ nảy tốt, êm chứ không cứng "khô" như một số sản phẩm khác.
Tô điểm thêm cho sự hầm hố của mặt bàn phím này, TUF Gaming A15 có phần chiếu nghỉ tay họa tiết xước phay cùng với đường cắt xung quanh.
Màn hình Full HD của máy có 3 viền được gọt khá mỏng, chỉ riêng phần viền dưới là dày và đây cũng là nơi đặt logo ASUS.
TUF Gaming có 2 lựa chọn tần số quét là 120 Hz và 144 Hz, phù hợp với các nhu cầu chơi game hành động tốc độ cao. Trải nghiệm nhanh cho thấy màn hình máy có độ sáng vừa phải, tuy nhiên sẽ không phù hợp nếu ngồi ở nơi có ánh sáng mạnh chiếu vào.
Mặt đáy với những lỗ tản nhiệt, làm theo hình dạng tổ ong trông rất đẹp.
Phiên bản giá rẻ nhất (20.490.000 đồng) có cấu hình Ryzen 5 4600H với card đồ họa GTX1650 cùng RAM 8GB DDR4, ngoài ra phiên bản cao nhất có cấu hình lên đến Ryzen 7 4800H và card RTX 2060.
Nguồn: Genk.vn