Hello,

Sign in to find your next job.

Blog IT

Câu chuyện lạ ở châu Âu: Nhà cung cấp trả tiền cho người dân dùng thêm điện vì dịch Covid-19

Câu chuyện lạ ở châu Âu: Nhà cung cấp trả tiền cho người dân dùng thêm điện vì dịch Covid-19

Việc hàng loạt nước cách ly vì dịch Covid-19 đã khiến nhu cầu sử dụng điện tại Phương Tây suy giảm mạnh, đi kèm với đó là sự trỗi dậy của ngành năng lượng sạch khiến giá điện trên thị trường giao dịch của nhiều nước có lúc xuống mức âm, nghĩa là nhà cung cấp phải trả thêm tiền cho người sử dụng.

Trong tháng 4/2020, hàng loạt các hộ gia đình tại Anh, Đức hay Pháp đều bất ngờ khi nhận được thông báo sẽ được trả thêm tiền vì dùng điện. Trên thực tế, câu chuyện giá điện âm chẳng còn mấy xa lạ tại những nước như Anh khi thỉnh thoảng người dân lại được hưởng lợi như vậy.

Câu chuyện lạ ở châu Âu: Nhà cung cấp trả tiền cho người dân dùng thêm điện vì dịch Covid-19 - Ảnh 1.
 

Theo tờ The Guardian, những hộ gia đình nào sử dụng dịch vụ điện của hãng Octopus Energy đã được công ty liên hệ trả thêm tiền cho mỗi KWh điện mà họ dùng vào ngày 5/4/2020.

Cụ thể từ 11h sáng đến 4h chiều, mỗi hộ gia đình sẽ kiếm thêm được 0,22-3,3 Bảng Anh (0,27-4,03 USD) cho mỗi KWH điện mà họ sử dụng. Tương tự vào một số ngày như 20-21/4, Octopus cũng có những chính sách trả tiền cho người dân để dùng điện mặt trời.

Tương tự tại Đức, giá điện đã có lúc xuống âm 26 Euro/KWh vào ngày 19/4/2020. Cùng ngày, giá điện tại Pháp cũng có lúc xuống âm 20,4 Euro/KWh.

Không những vậy, tại các quốc gia như Thụy Điển hay Phần Lan, giá điện cũng đã có lúc xuống mức âm vào đầu tháng 2/2020, dao động trong khoảng -0,2 Euro/KWh.

Trả tiền còn hơn đóng cửa

Xét về phía cầu, sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tiêu thụ điện tại Anh giảm 9-13% trong 4 tháng đầu năm 2020 theo số liệu của Cornwall Insight. Thêm vào đó, sự bùng nổ của năng lượng gió, mặt trời khiến nguồn cung tăng mạnh, đẩy giá điện trên thị trường xuống mức thấp và buộc nhiều công ty phải tính đến phương án trả tiền cho người dân để khuyến khích họ tiêu thụ.

Theo dự báo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), các nguồn năng lượng sạch sẽ cung cấp đến 40% sản lượng điện toàn cầu trong năm 2020, mức cao kỷ lục.

Trên thực tế, giá điện lần đầu tiên xuống mức âm ở Châu Âu là tại thị trường Đức vào tháng 12/2012. Tại Anh, giá điện lần đầu tiên xuống mức âm là vào ngày 9/12/2020.

Giá điện quá thấp khiến các nhà cung cấp buộc phải lựa chọn tạm ngừng hoạt động hoặc đề nghị người dân dùng thêm điện. Đôi khi, việc các nhà cung cấp trả tiền cho người dân dùng thêm điện lại có lợi hơn so với những khoản thiệt hại đắt đỏ vì tạm đóng cửa rồi lại tái khởi động nhà máy chỉ trong vài giờ.

Câu chuyện lạ ở châu Âu: Nhà cung cấp trả tiền cho người dân dùng thêm điện vì dịch Covid-19 - Ảnh 2.
 

Giá điện nhiều lúc xuống mức âm trên thị trường kỳ hạn Đức

Thông thường tại Châu Âu, giá điện thường được giao dịch trên thị trường kỳ hạn ngắn, tức hợp đồng giá bán cho tương lai với các mốc thời gian nhỏ như 15 phút, 30 phút hay 1 tiếng. Chính bởi vậy đôi khi giá điện có thể xuống mức âm ở một số thời điểm rồi lại bật tăng trở lại, khiến các nhà máy thà trả tiền cho người dùng còn hơn phải tắt đi bật lại.

Theo hãng tin Bloomberg, câu chuyện giá điện âm đã xảy ra quá thường xuyên ở Châu Âu và ngày một nhiều hơn khi dịch Covid-19 khiến hàng loạt nhà máy, văn phòng, cửa hàng phải tạm đóng cửa.

Số liệu cho thấy kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Châu Âu, nhu cầu tiêu thụ điện năng của khu vực này đã giảm 20%. Tại thị trường tiêu thụ điện lớn nhất Châu Âu là Đức, trong 3 tháng đầu năm nay đã có 773 lần giá điện xuống mức âm trên thị trường kỳ hạn 15 phút Epex Spot SE, con số này cao hơn 78% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, hãng Wood Mackenzie đánh giá nhu cầu tiêu thụ điện cuối tuần trong lễ Phục sinh vừa qua tại Châu Âu cũng được cho là thấp nhất trong ít nhất 5 năm qua.

Tại Bỉ, mức tiêu thụ điện đầu tuần tháng 4 đã giảm 16% so với cùng kỳ tháng 3/2020. Giá bán điện sỉ của Bỉ vào cuối tuần cũng đã xuống mức âm trong 4 tuần liên tiếp.

Không riêng gì Châu Âu, giá điện tại Mỹ cũng đang giảm xuống mức thấp chưa từng có khi hơn 100 triệu người dân nước này buộc phải ở nhà do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Giá điện trên thị trường kỳ hạn Mỹ theo số liệu của Nodal Exchange cho thấy đã giảm 23-37% kể từ đầu tháng 2/2020 đến nay.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cảnh báo sản lượng bán ra của ngành điện có thể giảm 3% xuống chỉ còn 3,6 nghìn tỷ KWh trong năm 2020.

Trong khi đó, IEA cảnh báo nhu cầu tiêu thụ điện của thế giới sẽ giảm 5% so với năm 2019, cao gấp 8 lần so với mức suy giảm sử dụng điện trong cuộc khủng hoảng năm 2008.

Câu chuyện lạ ở châu Âu: Nhà cung cấp trả tiền cho người dân dùng thêm điện vì dịch Covid-19 - Ảnh 3.
 

Giá điện trên nhiều thị trường kỳ hạn năm nay thấp hơn so với năm ngoài (USD/MWh)

Tồi tệ hơn, việc giá điện thấp thậm chí xuống mức âm cũng đang khiến nhiều nhà máy điện phải đóng cửa hoặc giảm công suất, qua đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế khi các lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.

Ví dụ điển hình là 2 nhà máy điện hạt nhân của Ringhals tại Thụy Điển đã phải đóng cửa gần đây do mức giá xuống quá thấp. Để khởi động lại các nhà máy điện sẽ cần thêm chi phí và khi các hoạt động sản xuất quay trở lại, rủi ro thiếu điện có thể hiện hữu khi nhiều nhà máy đã đóng cửa hoặc không chịu chạy hết công suất vì giá điện thấp.

"Chúng tôi chưa bao giờ chứng kiến điều gì tương tự như thế này. Chúng tôi đã phải cố gắng thích nghi với mức giá thấp, thậm chí xuống mức âm. Giờ đây khi các lệnh giãn cách được nới lỏng, chúng tôi lại phải cố gắng thích nghi với việc kinh tế sẽ hồi phục chậm và nhu cầu điện năng sẽ không quay trở lại như trước trong ngắn hạn", Nhà sáng lập và giám đốc Simon Rathjen của hãng MFT Energy ngậm ngùi nói.

 

Nguồn: Genk.vn

Similar blogs