Thế giới công nghệ cách đây khoảng 20 năm gắn liền với những thiết bị cồng kềnh, tốn diện tích và không thật sự tiện dụng. Tuy nhiên trong thời đại ngày nay, các thiết bị di động nhỏ gọn, hiện đại, đa tính năng đang hiện diện trong từng ngõ ngách của cuộc sống mỗi chúng ta. Nhu cầu giải trí của con người ngày càng tăng cùng với sự phát triển của cuộc sống, trò chơi điện tử đang dần trở thành món ăn tinh thần của mọi lứa tuổi.
Trong bối cảnh đó, việc phát triển các ứng dụng game trên các thiết bị cầm tay đã trở thành một xu hướng tất yếu, đầy thử thách thú vị. Anh Huỳnh Công Đức, một lập trình viên tại Gameloft chia sẻ: “Tôi không có nhiều thời gian để tận hưởng chiến thắng vì nó sớm bị lướt qua bởi những sáng tạo và đổi mới.” Vậy trên thực tế, những nhà lập trình game đã chuyển mình như thế nào để thích nghi với môi trường thay đổi không ngừng như hiện nay?
KHẢ NĂNG LÀM VIỆC VỚI ÁP LỰC CAO
Cùng với sự tiến bộ mạnh mẽ của công nghệ, các lập trình viên phải làm việc trên nhiều phương diện khác nhau để sản xuất ra một game hoàn chỉnh, như: trí tuệ nhân tạo, đồ họa máy tính, xử lý ảnh, xử lý GPU, lập trình âm thanh, quản lý bộ nhớ, xử lý các vấn đề về mạng và bảo mật… Ngoài ra, ở một công ty game hàng đầu thế giới như Gameloft, yếu tố chất lượng là đặc biệt quan trọng, nhằm đem đến sản phẩm hoàn thiện nhất, đáp ứng tối đa thị hiếu và nhu cầu của người dùng toàn cầu. Chính vì vậy, các nhà lập trình có cơ hội cọ xát với thử thách hoàn thành đúng hạn một khối lượng công việc đòi hỏi cao về chất lượng và kỹ thuật. Thời điểm gần kết thúc dự án cũng là lúc họ phải gấp rút hoàn thiện sản phẩm, giải quyết những lỗi cuối cùng, tìm ra giải pháp phù hợp mà không làm ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống hoặc làm trễ hạn. Anh Phan Nhựt Hải, một nhà lập trình có 9 năm kinh nghiệm tại Gameloft, cho biết: “Đứng trước một vấn đề, các lập trình viên phải bắt đầu từ việc tự tìm hiểu, đào sâu nghiên cứu, vận dụng óc logic và suy luận của mình để tháo gỡ khó khăn.” Do đó, áp lực công việc đã trở thành một “món ăn” quen thuộc trong thực đơn của họ và phong thái bình tĩnh, kiên nhẫn là những đặc điểm thường thấy ở một nhà làm game. Qua đó, lập trình viên cũng tăng thêm được nhiều “phần công lực” để phát triển kỹ năng và nghề nghiệp!
Ngay cả phương pháp làm việc của những lập trình viên cũng đã có những thay đổi đáng kể. Anh Đức so sánh: “Nếu như trước đây, công việc lập trình hầu hết được thực hiện độc lập quanh bàn vi tính với những dòng code khô khan đơn thuần, thì giờ đây, chúng tôi thường xuyên phải hợp tác với các nhóm khác khi thực hiện một dự án như Game Designer (thiết kế game), Game Tester (kiểm tra chất lượng game), Artist (đồ họa) và Producer (nhà quản lý dự án).” Tinh thần làm việc nhóm chính vì thế được chú trọng và là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của dự án.
SỰ NHANH NHẠY – TINH THẦN TỰ HỌC
Những lập trình viên làm việc lâu năm trong ngành như anh Hải với gần một thập kỷ gắn bó với nghề dễ dàng nhận thấy sự thay đổi chóng mặt trong thế giới game. Anh nhận xét: “Trong khoảng mười năm trước, các game chỉ có dung lượng từ 1 đến 2 MB, cấu hình 2D, được lập trình bằng ngôn ngữ Java, và sử dụng trên các thiết bị điện thoại có bàn phím. Nhưng ngày nay họ đã làm quen với việc lập trình trên ngôn ngữ iOS, Android, cho tới HTML5, và cho ra đời những game lên tới vài GB.” Những bước tiến này cùng với sự thay đổi nhanh chóng trong thị hiếu của người dùng di động đặt ra một thách thức không hề nhỏ cho các nhà lập trình game. Điều này đã thúc đẩy họ liên tục cập nhật, trau dồi, học hỏi những kiến thức và xu hướng mới nhất của công nghệ từ nhiều nguồn khác nhau.
THÀNH THẠO NGOẠI NGỮ
Trước đây, những người “ngoại đạo” thường hay cho rằng dân kỹ thuật thường không giỏi ngoại ngữ. Thế nhưng hiện nay, không chỉ ngôn ngữ lập trình mà ngôn ngữ giao tiếp quốc tế đã trở thành hành trang không thể thiếu của những nhà làm game. Các tài liệu, hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, đặc biệt tiếng Anh, là nguồn kiến thức quý giá để họ liên tục cập nhật các tiến bộ khoa học. Hơn thế nữa, anh Đức chia sẻ, lợi thế về ngôn ngữ là bàn đạp rất tốt để phát triển trong một môi trường đa quốc gia như Gameloft khi được tiếp xúc và làm việc, học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp, chuyên gia đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.
NHỮNG ĐẶC ĐIỂM VẪN GIỮ NGUYÊN GIÁ TRỊ
Mặc dù đối mặt với tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ di động và những cải tiến hàng giờ của các ứng dụng, những lập trình viên tại Gameloft luôn xem việc tập trung vào những kiến thức nền tảng như toán học, giải thuật, lý thuyết đồ thị, ngôn ngữ lập trình căn bản C++… là yếu tố then chốt để đương đầu với những thử thách phức tạp và đòi hỏi chuyên môn cao thay vì đơn thuần chạy theo việc học sử dụng những công cụ. Đó cũng là lời khuyên họ luôn dành cho các bạn sinh viên tại những buổi hội thảo, thuyết trình, những chuyến tham quan công ty.
Như đa số những ngành nghề khác, niềm đam mê, mà ở đây là đam mê với công việc lập trình trong ngành game là yếu tố chủ chốt để những lập trình viên giữ được ngọn lửa nhiệt huyết trong công việc. Anh Đức tâm sự, việc tạo nên những nhân vật có tính cách, vận hành độc lập và phản ứng nhanh nhạy trong thế giới đa chiều đem lại cảm giác thật sự thú vị, cho anh có được không gian sáng tạo rộng mở hơn so với lập trình những ứng dụng thông thường khác. Còn đối với anh Hải, thách thức đặt ra khi game gặp phải trục trặc và cảm giác chiến thắng khi tháo gỡ được một “bài toán” khó nhằn chính là động lực để anh cố gắng mỗi ngày.
THAY CHO LỜI KẾT
Những nhà lập trình game giờ đây thật sự là những kỵ sĩ chạy đua với công nghệ với một tâm thế điềm tĩnh, tận tâm và bản lĩnh. Thử thách đặt ra không nhỏ, nhưng cũng có rất nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn không chỉ dành cho những ai có kinh nghiệm mà cả những bạn sinh viên mới tốt nghiệp, cùng tham gia vào một môi trường ‘chơi và làm’ đầy phấn khích.
Ngành lập trình game trong thời đại ngày nay như một cuộc chơi đầy thú vị, bạn đã sẵn sàng tham gia vào “cuộc chơi” mà không chơi này chưa?