Mới đây, Nikkei Asian Review đã đưa tin Vingroup ký hợp đồng sản xuất tổng 2 triệu chiếc điện thoại Vsmart sang thị trường Mỹ. Điểm đặc biệt đó là, lô hàng smartphone đầu tiên có mặt tại Mỹ sẽ chỉ được VinSmart thực hiện dưới vai trò OEM (nhà sản xuất phụ tùng gốc). Cụ thể, mẫu điện thoại này do VinSmart phát triển và sản xuất nhưng khi bán tại thị trường Mỹ sẽ mang tên thương hiệu khác.
Hành trình "bước ra thế giới" của Vsmart
Trước đó, các mẫu điện thoại Vsmart đã được phân phối và ra mắt trên nhiều thị trường nước ngoài. Thị trường nước ngoài đầu tiên hãng lựa chọn để ra mắt đó là Tây Ban Nha, vào hồi tháng 3/2019. Các mẫu Vsmart được phân phối qua chuỗi gần 90 cửa hàng tại nhà bán lẻ điện tử tiêu dùng nổi tiếng ở châu Âu - MediaMarkt.
Thị trường Tây Ban Nha chắc chắn không phải là lựa chọn ngẫu nhiên của VinSmart. Một năm trước khi quyết định ra mắt thị trường châu Âu này, VinSmart đã ký hợp đồng hợp tác toàn diện với BQ (công ty công nghệ hàng đầu châu Âu có trụ sở tại Tây Ban Nha).
BQ là một cái tên rất quen thuộc tại thị trường Tây Ban Nha. Số liệu của hãng nghiên cứu Statcounter cho thấy, smartphone BQ đứng thứ 5 thị trường smartphone Tây Ban Nha trong nửa đầu năm 2018, thời điểm trước khi công bố hợp tác với VinSmart.
2 tháng sau khi ra mắt thị trường Tây Ban Nha, ngày 29/5/2019, Vsmart tiếp tục ra mắt ở một thị trường nước ngoài khác - Myanmar. Đối tác phân phối Vsmart lần này là công ty Strong Source. Đồng thời, Vsmart cũng hợp tác với 2 nhà bán lẻ lớn (phân phối trực tiếp và trực tuyến) tại Myanmar là Mytel (Viettel) và Shop.com.mm (Alibaba) thông qua Strong Source.
Thị trường xuất khẩu thứ ba của VinSmart là Nga. Vào ngày 3/10/2019, VinSmart công bố gia nhập thị trường này thông qua nhà phân phối TFN Trading.
Cách gia nhập "đặc biệt" trên thị trường Mỹ
Tuy nhiên lần này, khi gia nhập thị trường Mỹ, vì sao VinSmart chấp nhận việc người tiêu dùng đón nhận chiếc điện thoại do VinSmart sản xuất nhưng lại không mang thương hiệu Vsmart? Theo Tổng Giám đốc VinSmart, bà Lê Thị Thu Thủy, đây là bước tiến nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ thị trường Mỹ, cách làm việc cũng như nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng.
Thực chất, bước đi xây dựng quan hệ với các nhà mạng Mỹ của VinSmart nằm trong kế hoạch dài hạn gia nhập vào thị trường với hàng loạt gã khổng lồ công nghệ này. Việc xây dựng mối quan hệ với các nhà mạng Mỹ không phải là câu chuyện xa lạ của các hãng sản xuất điện thoại. Nhà mạng ở Mỹ luôn được đánh giá là "kẻ thống trị" ngành công nghiệp viễn thông, là nhà phân phối, cầu nối lớn nhất giữa các sản phẩm điện thoại và thuê bao di động.
Bởi vậy, đến ngay Steve Jobs, từ khi iPhone chưa ra mắt, ông cũng đã phải tìm đến các nhà mạng đề chào mời sản phẩm và thậm chí ông còn bị từ chối thẳng thừng. Đến bây giờ, những cuộc chạy đua tính năng và cấu hình của nhà sản xuất Apple vẫn luôn cần có sự hậu thuẫn từ các nhà mạng.
Chiếc smartphone Android đầu tiên ra đời trên thị trường Mỹ bởi HTC và Google cũng mang tên T-Mobile G1 (tên của nhà mạng T-Mobile). Samsung cũng không là trường hợp ngoại lệ khi những mẫu máy Galaxy đời đầu bán tại Mỹ luôn có logo, thương hiệu của nhà mạng.
Người tiêu dùng cũng không còn xa lạ với việc Samsung mỗi lần ra mắt đều có nhiều phiên bản khác nhau của cùng một sản phẩm để dành cho số nhà mạng tương ứng. Đến năm 2017, mẫu Samsung Galaxy S8 được coi là "thành tựu xuất sắc trong thiết kế" khi không có thương hiệu nhà mạng xuất hiện trên logo.
Thực tế, ngoại trừ Apple, câu chuyện về việc ra mắt các phiên bản khác dành cho các nhà mạng khác nhau đã có từ rất lâu tại Mỹ. Lý do bởi các nhà mạng chính là các nhà bán lẻ điện thoại tại thị trường Mỹ, họ có ảnh hưởng rất lớn đến các hãng sản xuất điện thoại.
Như vậy, việc hợp tác với nhà mạng chính là bước đệm cần thiết, có cơ sở để VinSmart có thể hiện thực hóa mục tiêu chinh phục thị trường Mỹ - một trong những thị trường "khó tính" nhất trên thế giới.
Nguồn: Genk.vn